Trải qua 18 năm với 3 lần sửa đổi bổ sung (vào các năm 2002, 2006, 2007), đến nay, trong thời điểm kinh tế hội nhập và phát triển, Bộ luật Lao động năm 1994 không còn đáp ứng được nhu cầu.
Trải qua 18 năm với 3 lần sửa đổi bổ sung (vào các năm 2002, 2006, 2007), đến nay, trong thời điểm kinh tế hội nhập và phát triển, Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 1994 không còn đáp ứng được nhu cầu. Ngày 18-6-2012, Quốc hội đã thông qua BLLĐ mới (có hiệu lực từ ngày 1-5-2013), thay đổi toàn bộ trên cơ sở kế thừa những quy định pháp luật lao động cũ, thể hiện quan điểm mới của Đảng và Nhà nước đối với quan hệ lao động trong thời kỳ hiện nay.
Tôn trọng quyền thương lượng, thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động
Điểm mới đầu tiên là BLLĐ 2012 không có Lời nói đầu. Điều này phù hợp với quy định về thể thức văn bản. Quan trọng hơn, BLLĐ 2012 được ban hành theo các nguyên tắc nhất định, như thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 1992. Bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi của người lao động (NLĐ), BLLĐ 2012 cũng có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng lao động (NSDLĐ). Và một nguyên tắc khá xuyên suốt của Bộ luật lần này là nhấn mạnh và tôn trọng quyền thương lượng, thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ. Điều này thể hiện rõ tại các điều luật về hợp đồng lao động hay quy định tại chương V: “Đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, Thỏa ước lao động tập thể”…
Tóm lại, nếu trước đây, các quy định cũ nghiêng về việc bảo vệ quyền lợi của NLĐ thì BLLĐ 2012 đã điều chỉnh lại để cân bằng hơn. Có thể thấy rất rõ quan điểm này qua quy định riêng về đình công trong tranh chấp lao động. Lần đầu tiên, việc đình công được quy định hẳn một mục với nhiều quy định rất cụ thể. Trong đó, quy định quan trọng nhất là cho phép NLĐ đình công nhưng chỉ trong phạm vi về lợi ích chứ không phải quyền. Tức là, nếu điều gì liên quan đến quyền đã được quy định (như lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi…) thì không được phép đình công. NLĐ chỉ được đình công về những vấn đề mà luật chưa quy định, chẳng hạn như bữa ăn trưa, tiền ăn trưa, chế độ bồi dưỡng… Những tranh chấp về quyền thì được quy định bởi các hình thức giải quyết khác. Rõ ràng quy định này thể hiện quan điểm bảo vệ NSDLĐ, tránh đình công tràn lan, thiếu cơ sở, ảnh hưởng đến sản xuất.
Từ 1-5-2013, lao động nữ được nghỉ 6 tháng thay cho 4 tháng như hiện nay. Ảnh minh họa. |
Những điểm mới cụ thể
Về những điểm mới cụ thể, có thể phân ra 4 nhóm chính là: Thời gian nghỉ sinh của lao động nữ; thời gian làm việc; độ tuổi nghỉ hưu và chính sách tiền lương.
Về thời gian nghỉ sinh của lao động nữ: Từ ngày 1-5-2013, lao động nữ được nghỉ 6 tháng thay cho 4 tháng như hiện nay. Như vậy, từ thời điểm đó, lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Tuy nhiên, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất 4 tháng.
Thời gian làm việc cũng có những điểm mới. Bên cạnh quy định thời gian làm việc không quá 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần, BLLĐ 2012 quy định NLĐ không được làm thêm quá 30 giờ/tháng và 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán hưởng nguyên lương được tăng từ 4 ngày lên 5 ngày. BLLĐ 2012 còn quy định NLĐ có thêm 1 ngày nghỉ không hưởng lương khi ông, bà, anh, chị, em ruột chết, bố, mẹ hoặc anh, chị, em ruột kết hôn.
Tuổi nghỉ hưu của NLĐ cơ bản vẫn giữ như hiện hành (nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi) nhưng BLLĐ 2012 cho phép Chính phủ quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, nhóm lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác, làm cơ sở để trong tương lai điều chỉnh tổng thể tuổi nghỉ hưu. Tuổi nghỉ hưu của lao động nữ chưa điều chỉnh.
Về chính sách tiền lương: BLLĐ 2012 có 2 điểm đáng chú ý: BLLĐ xác định tiền lương là giá cả sức lao động theo nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Mức lương sẽ được tính trên cơ sở thỏa thuận giữa NLĐ với NSDLĐ song vẫn có sự quản lý của Nhà nước. Điều này thể hiện qua việc Nhà nước sẽ tổ chức Hội đồng tiền lương quốc gia để công bố tiền lương tối thiểu. Căn cứ vào đó, NLĐ và NSDLĐ thỏa thuận ký kết hợp đồng lao động. Thứ hai, BLLĐ 2012 quy định tiền lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành.
Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Mức lương tối thiểu ngành được xác định thông qua thương lượng tập thể ngành, được ghi trong thỏa ước lao động tập thể ngành nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.
Ngoài ra, BLLĐ 2012 còn luật hóa nghĩa vụ trích nộp kinh phí Công đoàn bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của NSDLĐ. Đây là điểm thống nhất giữa BLLĐ 2012 và Luật Công đoàn sửa đổi và là cơ sở quan trọng, tạo điều kiện cho các tổ chức Công đoàn hoạt động hiệu quả hơn.
L.M