Bài hát kết thúc với những tiếng vỗ tay, những bó hoa…không dành cho họ. Lặng lẽ đứng sau vinh quang cùng bao trăn trở, buồn nhiều hơn vui trong cuộc sống, những nhạc công vẫn say sưa dệt nên những giai điệu đẹp, cho tiếng hát thêm sâu lắng, ngân vang.
Bài hát kết thúc với những tiếng vỗ tay, những bó hoa…không dành cho họ. Lặng lẽ đứng sau vinh quang cùng bao trăn trở, buồn nhiều hơn vui trong cuộc sống, những nhạc công vẫn say sưa dệt nên những giai điệu đẹp, cho tiếng hát thêm sâu lắng, ngân vang.
Bức tranh chấm phá về giới nhạc công
Mùa cưới lại về cũng là lúc các nhạc công đang tất bật với các show diễn. Địa chỉ quen thuộc của họ là các nhà hàng như Ponagar, Yasaka Sài Gòn Nha Trang, Angella, Viễn Đông…Bên cạnh đó, nhạc công cũng là những người không thể thiếu của các quán bar, cà phê nhạc sống, tụ điểm ca nhạc như Sailing Club, Hòn Kiến, Phú Sĩ…
Một đêm biểu diễn âm nhạc tại quán cà phê Phú Sĩ vào cuối tuần. |
Được biết, đa số nhạc công tại Nha Trang được đào tạo bài bản qua trường lớp: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh và các trường tại địa phương như trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật & Du lịch Nha Trang, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang…
Ngoài ra, một số nhạc công vào nghề bằng năng khiếu bẩm sinh, rồi tự tập luyện, trưởng thành nhờ lớp người đi trước truyền kinh nghiệm và chuyên cần học hỏi qua sách vở, băng đĩa, đồng nghiệp. Tay guitar Phan Thành với hơn 40 năm trong nghề cho biết, nhạc công kỳ cựu ở Nha Trang như anh Huy (guitar), Nam (trống), Trí (kèn trumpet, organ), Phước (organ, phong cầm), Đông (trống, sáo)…
Từ việc “biết chơi nhạc cụ” đến trở thành một nhạc công chuyên nghiệp là cả một quá trình học hỏi và tự nghiên cứu. Nhạc công phải tạo được sự hòa quyện giữa giọng ca và tiếng đàn như một nhạc sĩ phối khí thực thụ. Nếu chơi trong ban nhạc thì còn khó hơn. “Với nhiều nhạc cụ khác nhau: organ, guitar, trống, violon…, để có thể hòa âm trong một bản nhạc là cả một nghệ thuật, đòi hỏi các nhạc công phải tốn nhiều thời gian tập luyện cùng với nhau”- anh Thành chia sẻ.
Được biết, hiện nay, tại Nha Trang, có khoảng 20 ban nhạc. Mỗi ban nhạc thường gồm 4 nhạc công và 1 MC (người dẫn chương trình). Bên cạnh những thành viên trong ban nhạc, còn có đông đảo nhạc công làm việc độc lập, riêng lẻ. Tuy số lượng nhạc công tương đối nhiều, nhưng thường xuyên xảy ra tình trạng khan hiếm vào cuối tuần, nhất là những tháng cao điểm mùa cưới.
Nỗi niềm trăn trở…
Tuy nhu cầu về nhạc công là có thực nhưng đa số lại không sống được với nghề, phải kiếm thêm việc khác. Ông Hình Phước Liên, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Nguyên nhân chính là thu nhập thấp, bấp bênh. Đời sống nhạc công, kể cả những người trong Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, gặp nhiều khó khăn so với các lĩnh vực biểu diễn khác. Ngoài các chương trình ca múa nhạc quần chúng hiếm hoi, họ tìm nguồn thu nhập từ việc biểu diễn tại các đám cưới và quán cà phê.”
Địa chỉ quen thuộc của nhạc công là các tiệc cưới tại nhà hàng. |
Được biết, nhạc công nhận khoảng 230.000 đồng/suất diễn đám cưới 2 giờ tại nhà hàng trong thành phố và khoảng 180.000 đồng ở khu vực ngoại thành. Với 1 đêm diễn cho quán cà phê, nhạc công được trả khoảng 180.000 đồng. Đôi khi, họ được thuê đệm đàn liên tục từ sáng đến 2-3 giờ chiều với giá khoảng 700.000 đồng. Nếu qua người môi giới, thì số tiền đến tay nhạc công còn thấp hơn. “Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thực hiện đúng như giao ước trong hợp đồng. Thời gian biểu diễn thường kéo dài, chúng tôi phải diễn cho đến khi người khách cuối cùng ra về.” – nhạc công Long Phước cho biết.
“Một tháng tại Nha Trang với cả trăm đám cưới, nhưng đa số tập trung 2 ngày, thứ bảy và chủ nhật, còn những ngày khác thì phải chịu cảnh ngồi không. Chúng tôi muốn làm nhiều hơn cũng không được”- anh Thành tâm sự. Vì thế, thu nhập của nhạc công có “đắt sô” cũng chỉ đủ sống. Bên cạnh đó, Nha Trang có ít tụ điểm ca nhạc, quán cà phê nhạc sống và các buổi biểu diễn cũng thường vào cuối tuần.
Ngoài ra, để giảm chi phí, nhiều chương trình văn nghệ sử dụng bản nhạc phối sẵn thay cho ban nhạc. Do đó, để đủ trang trải cho cuộc sống, đa số nhạc công đều phải làm thêm nghề khác như thu băng đĩa, mở lớp dạy đàn, hớt tóc… “Làm nghề này cốt yếu là để thỏa mãn niềm đam mê”- anh Phước chia sẻ.
Để tạo được uy tín đối với các “bầu sô”, nhạc công không chỉ nhận biểu diễn ở khu vực thành phố mà còn không ngại về các vùng quê tại Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh…thậm chí đi ra các đảo. Chưa kể vào những ngày mưa gió, nhạc cụ khi vận chuyển đường xa dễ bị mưa ướt, hư hỏng trong khi những nhạc cụ này có giá thành tương đối cao: organ (khoảng 30 triệu đồng), bộ guitar điện (khoảng 15 triệu đồng)…
Tốn nhiều thời gian, công sức đi lại cộng với những rủi ro, các buổi biểu diễn xa như thế này nhiều lúc coi như “lỗ vốn”. Kể về những phút không vui trong nghề, anh Phước trải lòng: “Có những khán giả muốn phải đệm theo ý của mình nhưng hát sai, lại đổ lỗi cho đệm nhạc không tốt. Những lời nói khó nghe nhiều lúc làm chúng tôi buồn, cảm thấy bị tổn thương”.
Mở lớp dạy đàn là một cách cải thiện cuộc sống của nhiều nhạc công. |
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định (NĐ) số 79/2012/NĐ-CP, quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Đặc biệt, NĐ có nhắc tới việc cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn. Đây là một tín hiệu vui với các nhạc công và người yêu nghệ thuật. Từ trước tới nay, nhiều nhạc công bị thiệt thòi bởi ca sĩ chỉ cần thu âm bản phối sẵn rồi cầm đĩa đó “chạy sô” khắp nơi.
Hy vọng rằng, khi NĐ có hiệu lực thi hành (ngày 1-1-2013), nhạc công chân chính sẽ có “đất dụng võ”, khẳng định tài năng của mình. Và hơn thế, người yêu nhạc được thưởng thức âm nhạc từ chính các nhạc công biểu diễn trực tiếp. “Mong mỏi chung là thu nhập của anh em ngày càng ổn định hơn để có thể dồn tâm sức cho nghề nghiệp”- anh Phước tâm sự.
Đi sớm, về trễ, thu nhập bấp bênh và đôi khi những trái khoáy trong nghề làm họ bị tổn thương, nhưng dường như “duyên nợ không thể dứt bỏ được”. Dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn, hàng đêm, những nhạc công vẫn say với ánh đèn sân khấu bởi ở đó họ tìm thấy mình qua những giây phút phiêu du đầy ngẫu hứng.
Như Thảo