09:11, 27/11/2012

Còn nhiều khó khăn

Theo số liệu tổng cân vào tháng 6-2012, toàn tỉnh Khánh Hòa có 93.574/95.874 trẻ dưới 5 tuổi được cân (97,6%).

Theo số liệu tổng cân vào tháng 6-2012, toàn tỉnh Khánh Hòa có 93.574/95.874 trẻ dưới 5 tuổi được cân (97,6%). Kết quả, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống mức 10,51% (so với 16,5% năm 2010); tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi cũng giảm mạnh từ 27,2% (năm 2010) xuống 12,42% (năm 2012); tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi đạt so với mục tiêu Chiến lược đề ra là dưới 5%... Tuy nhiên, bên cạnh đó, hiện công tác này vẫn gặp không ít khó khăn, hạn chế.

Những khó khăn


Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cụ thể, tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh còn ở mức cao trên 35% (năm 2010). Đây là mức rất cao theo xếp loại của Tổ chức Y tế Thế giới. Tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu của tỉnh đạt thấp (1%, so với toàn quốc là 19,6%). Nguyên nhân là do cấp ủy Đảng, chính quyền và cộng đồng ở một số địa phương chưa quan tâm hoặc chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng. Việc triển khai hoạt động, theo dõi, đánh giá, tổng kết vẫn chủ yếu do ngành Y tế thực hiện. Nhận thức của một bộ phận người dân về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng hợp lý còn hạn chế. Việc đầu tư nguồn lực cho công tác dinh dưỡng chưa đáp ứng nhu cầu triển khai toàn diện. Đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng chưa ổn định, chất lượng cán bộ còn nhiều hạn chế. Kinh phí đầu tư cho công tác dinh dưỡng mới tập trung cho công tác phòng, chống SDD trẻ em dưới 5 tuổi, mà chủ yếu là phòng, chống SDD thể nhẹ cân. Còn nhiều vấn đề về dinh dưỡng quan trọng khác như phòng, chống SDD thể thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Việc phối hợp liên ngành trong một số hoạt động còn mang tính hình thức, kinh phí dành cho hoạt động dinh dưỡng còn hạn chế.

Đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng ở cộng đồng còn thiếu và yếu về số lượng lẫn chất lượng. Số cán bộ mới thay thế chưa được đào tạo một cách hệ thống. Kiến thức, thực hành dinh dưỡng chưa hợp lý còn phổ biến ở các bà mẹ và các thành viên trong gia đình, đặc biệt ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thực hiện vệ sinh, an toàn thực phẩm nhiều nơi, nhiều lúc chưa tốt, ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng của người dân...

Giải pháp

Cải thiện tình trạng SDD là trách nhiệm của các cấp, các ngành và mỗi hộ gia đình. Bảo đảm dinh dưỡng cân đối, hợp lý, sử dụng, chế biến tốt các thực phẩm sẵn có tại địa phương, hộ gia đình là yếu tố quan trọng nhằm hướng tới cải thiện tầm vóc, thể chất, trí tuệ của mỗi con người và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong các hoạt động dinh dưỡng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, huy động sự tham gia đầy đủ của các tổ chức xã hội, của mỗi người dân, ưu tiên vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, đối tượng bà mẹ, trẻ em.

Định hướng chính của Chương trình phòng, chống SDD trẻ em dưới 5 tuổi trong thời gian tới là sẽ giải quyết đồng bộ các vấn đề sức khỏe có liên quan đến dinh dưỡng, trong đó ưu tiên hạ tỷ lệ SDD chung, đặc biệt là thể thấp còi ở trẻ em thông qua các can thiệp dinh dưỡng sớm đối với phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai và trẻ nhỏ. Hoạt động dinh dưỡng cần có các giải pháp can thiệp đặc thù cho các vùng, miền, các nhóm đối tượng cụ thể và kết hợp chặt chẽ với các chương trình y tế khác. Truyền thông vận động là giải pháp quan trọng nhằm đưa chỉ tiêu giảm tỷ lệ SDD thành một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong nghị quyết của tổ chức Đảng và HĐND các cấp. Tǎng cường xã hội hóa, sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư trong triển khai Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng.

PHƯƠNG THẢO (Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe)