10:11, 28/11/2012

Về lâu dài, cần được chuẩn hóa

 

Với lợi thế có nhiều vịnh, đảo, cửa sông… sâu, kín gió, Khánh Hòa rất thuận lợi khi xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão. 

Với lợi thế có nhiều vịnh, đảo, cửa sông… sâu, kín gió, Khánh Hòa rất thuận lợi khi xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão (KNĐTTTTB). Tuy nhiên, về lâu dài, các khu này cần được đầu tư đúng chuẩn để đảm bảo neo đậu an toàn cho tàu cá.

Cơ bản đảm bảo an toàn

Những ngày ảnh hưởng của bão số 7 và 8, Cảng cá Hòn Rớ (Nha Trang) và các KNĐTTTTB ở Khánh Hòa đón nhận hàng trăm tàu cá của các địa phương trong cả nước. Ông Đỗ Trung Hiệp - Trưởng Ban Quản lý Cảng cá Hòn Rớ cho biết, Cảng Hòn Rớ được quy hoạch làm cảng cá cấp khu vực và là KNĐTTTTB cấp vùng. Thời gian qua, cùng với việc nâng cấp cảng cá, KNĐTTTTB (nằm cách cảng 200m) cũng được nạo vét luồng lạch, bảo đảm cho tàu bè vào ra tránh trú bão an toàn. KNĐTTTTB này có khả năng chứa được tới 1.000 tàu thuyền đến tránh trú bão...



Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Bình Tây (Ninh Hòa) được đầu tư đúng chuẩn.
Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Bình Tây (Ninh Hòa, Khánh Hòa) được đầu tư đúng chuẩn.

 

Thị xã Ninh Hòa cũng vừa hoàn thành cơ bản việc đầu tư KNĐTTTTB Bình Tây (phường Ninh Hải) với số vốn 29 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: nạo vét luồng tàu, xây dựng trụ neo độc lập, xây dựng cầu cảng, nhà điều hành, hệ thống cấp nước, điện và hệ thống thông tin liên lạc theo chuẩn. Ông Nguyễn Hai, một chủ tàu cá ở Ninh Thủy (Ninh Hòa) cho biết, sông Bình Tây kín gió, tàu thuyền neo đậu tại đây khá an toàn trong mùa mưa bão.

Theo ông Trần Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã đảo Cam Bình (TP. Cam Ranh), hiện nay, Bình Ba cũng là địa điểm được tỉnh chọn để xây dựng KNĐTTTTB. Khu neo đậu có mực nước sâu (6m), kín gió, có khả năng chứa hơn 200 tàu thuyền tới tránh trú bão.

Theo Quyết định số 1349 ngày 9-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch KNĐTTTTB, Khánh Hòa có 9 KNĐTTTTB tại: đảo Đá Tây (Trường Sa) sức chứa 200 tàu quy mô 600CV; Hòn Rớ (Nha Trang) 1.200 tàu 300CV; vịnh Cam Ranh 1.000 tàu 600CV; Vũng Me (Nha Trang) 700 tàu 300CV; Đầm Môn (Vạn Ninh) 300 tàu 300CV (kết hợp Cảng cá Đầm Môn); Vĩnh Lương (Nha Trang) 400 tàu 300CV (cảng cá Vĩnh Lương); Bình Tây (Ninh Hòa) 300 tàu 300CV (Cảng cá Ninh Hải); Đại Lãnh (Vạn Ninh) 300 tàu 300CV (Cảng cá Đại Lãnh); Cam Bình (Cam Ranh) 300 tàu 300CV (Cảng cá Bình Ba). Ngoài các khu trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão tỉnh cũng đưa ra danh mục các KNĐTTTTB như: Vũng Rô (Phú Yên), Vũng Ké (Vạn Ninh); hạ lưu cầu Hiền Lương và cầu Tréo (Vạn Ninh); cửa sông Cái (Nha Trang) và Bích Đầm, Đầm Bấy (Nha Trang). Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong điều kiện hiện nay, về cơ bản, các KNĐTTTTB vẫn đảm bảo độ an toàn cho các tàu thuyền ra vào tránh trú trong mùa mưa bão.

Cần được đầu tư

Tiêu chuẩn KNĐTTTTB (theo Quyết định 1349):

Cấp vùng: Gần ngư trường trọng điểm; vùng biển có tần suất bão cao; có điều kiện thiên nhiên thuận lợi, đảm bảo an toàn cho tàu cá neo đậu, tránh trú bão; có khả năng neo đậu 800 - 1.000 tàu cá trở lên.

Cấp tỉnh: Gần ngư trường truyền thống của địa phương, đáp ứng thời gian di chuyển nhanh của tàu vào tránh trú bão; có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đảm bảo an toàn cho tàu cá neo đậu tránh trú bão; đáp ứng cho các tàu cá địa phương và các địa phương khác neo đậu tránh trú bão.

Ông Quách Thanh Sơn - Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình (Sở NN-PTNT) cho biết, các KNĐTTTTB trên địa bàn tỉnh vẫn còn hoang sơ, luồng lạch chưa được thông thoáng, thường xuyên bị dòng chảy bồi lắng; không có vị trí cố định để neo đậu nên tàu thuyền dễ bị va đập, dẫn đến hư hỏng. Một số vấn đề liên quan đến hàng hải, thông tin liên lạc cũng cần được đầu tư bảo đảm hướng dẫn hàng hải... Vì vậy, về lâu dài, các KNĐTTTTB ở Khánh Hòa cần được đầu tư bài bản, bảo đảm đúng tiêu chuẩn như: Có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại với công trình hỗ trợ neo đậu tàu, cập tàu, công trình dịch vụ hậu cần gắn với khu neo đậu; hệ thống thông tin liên lạc tại khu neo đậu được tự động hóa, tin học hóa đạt trình độ ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực... Ông Trần Văn Hóa cũng đề nghị, tỉnh cần sớm đầu tư kè từ bãi Vẽ đến mũi cầu Nhật (thôn Bình Ba, xã đảo Cam Bình) để đảm bảo có nơi neo đậu đúng chuẩn cho tàu thuyền (sâu 10 - 13m, dài 200m).

Cũng theo ông Quách Thanh Sơn, hiện nay, KNĐTTTTB Hòn Rớ và Bình Tây đã được đầu tư; trong đó Hòn Rớ đã tiến hành cải tạo, nạo vét luồng lạch, khơi thông dòng chảy; Bình Tây đã đầu tư cơ bản của một KNĐTTTTB cấp tỉnh; một số khác kết hợp giữa cảng cá với khu neo đậu cũng đã được đầu tư nâng cấp như: Đá Bạc, Cam Bình (Cam Ranh); Vĩnh Lương (Nha Trang), Đại Lãnh (Vạn Ninh). Chỉ có Đầm Môn, Vũng Me và Đá Tây là chưa được đầu tư. Tuy nhiên, về lâu dài các KNĐTTTTB cấp vùng, cấp tỉnh cần được đầu tư bảo đảm các yêu cầu của tiêu chí KNĐTTTTB. Được biết, về vấn đề vốn hiện rất khó khăn, chưa biết khi nào các KNĐTTTTB mới được đầu tư. Theo Quyết định 1349, nhu cầu vốn đầu tư cả nước cho các KNĐTTTTB đến năm 2020 là 11.230 tỉ đồng; trong đó giai đoạn 2010 - 2015 là 6.393 tỉ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 4.837 tỉ đồng. Trung ương sẽ đầu tư khu neo đậu cấp vùng, địa phương đầu tư khu neo đậu cấp tỉnh. 

Q.V