07:11, 07/11/2012

Ấm tình hữu nghị Việt - Nga

Đất nước Nga xinh đẹp với những người bạn nồng hậu vốn gắn bó với đất nước và con người Việt Nam suốt những năm dài trong mối quan hệ hữu nghị Việt - Nga. Ở Nha Trang, tình cảm gắn bó đó cũng hiển hiện trong những người Việt và người Nga…

Đất nước Nga xinh đẹp với những người bạn nồng hậu vốn gắn bó với đất nước và con người Việt Nam suốt những năm dài trong mối quan hệ hữu nghị Việt - Nga. Ở Nha Trang, tình cảm gắn bó đó cũng hiển hiện trong những người Việt và người Nga… 

Vẹn nguyên ký ức Nga

Trong căn hộ ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật (Nha Trang) của Đại tá Trần Quang Bỉ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga Chi nhánh ven biển (Nha Trang) còn lưu giữ những kỷ vật của hơn 9 năm học ở các học viện quân sự của Liên Xô (trước đây) và thời gian làm việc với các đồng sự Nga ở Nha Trang sau này. Năm 1960, khi 21 tuổi, ông được cử đi học ở Liên Xô đến năm 1969. Cuộc sống xa quê hương ở xứ lạnh của ông được sưởi ấm bởi tình cảm chân thành, nồng hậu, chu đáo của các thầy cô giáo và nhân dân Liên Xô dành cho học sinh, sinh viên Việt Nam.

Các cán bộ Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga thảo luận với các nhà khoa học Nga về đề tài hợp tác nghiên cứu.
Các cán bộ Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga thảo luận với các nhà khoa học Nga về đề tài hợp tác nghiên cứu.

Mấy chục năm đã qua, Đại tá Trần Quang Bỉ vẫn không quên sự ân cần và chu đáo của các y, bác sĩ đã chăm sóc ông trong trận ốm năm nào. Một mùa Đông lạnh lẽo ở Ki-ep, chàng sĩ quan trẻ Trần Quang Bỉ ốm nặng; các bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư và phải mổ. May mắn, có vị giáo sư rất giỏi của Pháp công tác ở Ki-ep. Hội đồng y khoa phía bạn đã liên lạc để vị giáo sư lưu lại mổ. Sau 8 giờ, ca mổ thành công. Thật may vì đó là khối u lành tính. Tuy nhiên, bệnh nhân Trần Quang Bỉ cũng mất đến 3 tháng nằm viện và ngắm tuyết rơi bên cửa sổ. Suốt tháng đầu, trong phòng hậu phẫu, các bác sĩ phân công y tá trực suốt ngày đêm. “Các cô y tá thay nhau bắc ghế ngồi phía đầu giường, đút cho tôi từng muỗng nước. Mỗi bữa ăn lại đưa thực đơn cho mình chọn món hợp khẩu vị để mau lại sức” - Đại tá Bỉ nhớ lại.

Đại tá Trần Quang Bỉ thuộc thế hệ đầu công tác tại Trung tâm Nhiệt đới Việt - Xô (nay là Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga), được thành lập vào năm 1988. Có thời điểm, Trung tâm có gần 60 cán bộ khoa học phía bạn cùng gia đình sang làm việc, sinh sống. Lúc bạn khó khăn, lượng cán bộ khoa học Nga sang ít hơn. Đại tá Trần Quang Bỉ chia sẻ: “Họ vẫn trụ lại với Trung tâm, đó thật là điều đáng quý. Chúng tôi đã cùng các cán bộ khoa học Nga chia ngọt sẻ bùi trong thời điểm khó khăn ấy. Đó thực sự là những nhà khoa học tâm huyết, trung thực, đầy trách nhiệm, chân thành, cởi mở và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm”.

Bà Nguyễn Thị Bửu Tình (thứ hai từ phải qua) cùng biểu diễn các ca khúc Nga trong đêm giao lưu kỷ niệm 95 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.

Bà Nguyễn Thị Bửu Tình (thứ hai từ phải qua) cùng biểu diễn các ca khúc Nga trong đêm giao lưu kỷ niệm 95 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.

Bà Đinh Thị Lượng (từng công tác ở Viện Hải dương học) không thể ngờ sau khi nghỉ hưu lại được trở về với công việc mình từng yêu thích và theo đuổi thời trẻ: Dạy tiếng Nga. Bà bảo, bản thân đến với tiếng Nga thật sự là cái duyên, khi đã 23 tuổi. Tiếng Nga giúp bà được theo nghề giáo yêu thích, được tiếp xúc và yêu văn học Nga. Khi tiếng Nga không còn được nhiều người theo học, rời giảng đường, bà chuyển sang làm công tác hợp tác quốc tế ở Viện Hải dương học. Bẵng đi mấy chục năm, thời gian đã phủ bụi lên những quyển sách Nga... Rồi từ năm ngoái, lượng khách Nga đến Nha Trang bỗng nhiên tăng đột biến, khiến tuổi 60 của bà trở nên bận rộn hơn với các lớp dạy tiếng Nga tại trung tâm ngoại ngữ và công ty. Nâng niu mấy cuốn sách cũ, bà Lượng cười hạnh phúc: “Không hiểu sao, khi chuyển công tác từ Đại học Hải Phòng vào Nha Trang, tôi chỉ mang theo sách Nga, dù không còn đứng trên bục giảng nữa. Ai ngờ, tuổi 60 lại được tiếp tục truyền tình yêu tiếng Nga, nước Nga, người Nga đến các bạn trẻ...”.

Trong đêm giao lưu kỷ niệm 95 năm Cách mạng Tháng Mười Nga do Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh tổ chức, bà Nguyễn Thị Bửu Tình (hiện ở 28 Ngô Thời Nhiệm, Nha Trang) như trẻ hơn nhiều so với tuổi 63 khi hòa giọng cùng những người đã từng có thời gian học tập, công tác ở Liên Xô (trước đây) và nước Nga ngày nay trong những giai điệu Nga rộn ràng. Năm 1967, trong số học sinh miền Nam theo bố mẹ tập kết ra Bắc được đi học ở Liên Xô có cô gái Nguyễn Thị Bửu Tình, khi ấy mới 18 tuổi. Gần 7 năm ở Nga, bà theo học về sản xuất linh kiện bán dẫn, điện tử. Bà Tình kể: “Ngày mới sang, chúng tôi dự kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, mấy đứa bị lạc đoàn, rồi gặp một người dân, được dẫn về nhà chơi, nấu cho ăn uống và đưa về trường. Hồi ấy, cứ nghe nói đến Việt Nam là người Nga thương lắm... 40 năm trôi qua, tôi mới có dịp trở lại Nga khi cùng đoàn Việt Nam sang dự Đại hội hữu nghị Nga - Việt. Đọng mãi trong tôi là tình cảm người dân Liên Xô, người dân Nga mến khách và nồng hậu...”

Người Nga ở Nha Trang

9 giờ sáng một ngày đầu tháng 11, tại Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga Chi nhánh ven biển (Nha Trang), chúng tôi gặp nhóm cán bộ khoa học Nga đang thảo luận công việc rất sôi nổi với ông Nicolai Philichep - Đồng Giám đốc Trung tâm. Người cán bộ khoa học Nga này đã làm việc ở Nha Trang 12 năm. Trước khi sang Việt Nam công tác, ông chỉ biết đến Việt Nam qua phim ảnh, tin tức thời sự. Ông cười hồn hậu: “Lúc ấy, trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ đến hình ảnh một đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh. Nhưng tôi đã nhầm, tôi rất ngạc nhiên trước sự phát triển ở nơi này. Ấn tượng nhất vẫn là tình cảm của người Việt Nam. Những cán bộ Nga xa gia đình lâu không thể không nhớ nhà nhưng nhờ sự đón tiếp nồng ấm, mối quan hệ mật thiết với các bạn Việt Nam mà chúng tôi thấy ấm lòng”. Hơn 10 năm, cùng với sự phát triển của thành phố biển, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga cũng ngày càng lớn mạnh. Trung tâm được đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật nhiều hơn. Nơi ăn chốn ở, đời sống văn hóa tinh thần của các cán bộ khoa học Nga được quan tâm hơn để các bạn có thể hiểu hơn về đời sống văn hóa Việt Nam. Ông Nicolai Philichep chia sẻ: “Thời gian rỗi, tôi và các thành viên gia đình thường thích đi dạo, ngắm cuộc sống, sinh hoạt của người dân Việt Nam, hay đến thăm bạn bè, đồng nghiệp những dịp lễ, Tết”. Tiến sĩ Sadrin A.M, chuyên gia về ngư loại học đã quá quen thuộc Nha Trang vì làm việc ở Trung tâm từ năm 1991. Đến nay, ông đã có hơn 20 đợt (mỗi đợt từ 1 - 3 tháng) sang Việt Nam nghiên cứu về ngư loại học. Theo Tiến sĩ  Sadrin A.M, đây là khu vực lý tưởng để các nhà ngư loại học nghiên cứu.

Tình yêu Việt Nam của ông nội, vốn là chuyên gia quân sự đã công tác ở Việt Nam năm 1970 - 1975 và một người bà con từng cùng các thiếu nhi Liên Xô đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng, khiến chàng trai trẻ Novoselov Anton quyết đến Việt Nam cho bằng được. Năm 1999, khi du lịch sang Việt Nam, bằng sự nhanh nhạy của tuổi trẻ, anh đã tìm thấy cơ hội cho mình và anh đã chọn Nha Trang vì “bạn bè nói Nha Trang là điểm đến lý tưởng”. Năm 2008, anh đã trở lại để đầu tư kinh doanh.

Chúng tôi gặp ông chủ trẻ Novoselov Anton tại nhà hàng - bar Check Point (đường Nguyễn Thiện Thuật), khi anh vừa dắt xe cho khách, vừa phát tờ rơi cho một khách Nga đi qua. Đây là nhà hàng chuyên về các món ăn Nga và được trang trí khá đặc biệt, được du khách Nga và nhiều người Việt từng học tập, sinh sống ở Nga tìm đến để thưởng thức những món ăn quen thuộc như salat Nga, thịt muối, xúp bắp cải, củ cải đỏ...  Từ một thực khách trở thành bạn của Anton, chị Minh vẫn nhớ hình ảnh ông chủ này những ngày đầu chạy xe máy ra tận sân bay Cam Ranh để phát những tờ rơi phảng phất hình ảnh những tờ báo thời kỳ Xô-viết. Chị Minh bảo: “Ban đầu, tuy món ăn không ngon lắm nhưng chúng tôi vẫn định kỳ quay lại để thỏa nỗi hoài niệm về món ăn Nga. Dần dà, Anton đã nỗ lực không ngừng để các món ăn ngày càng ngon hơn”.

4 năm sống ở Nha Trang, giờ anh Anton đã là chủ 2 công ty, 1 nhà hàng và 1 cửa hàng. Anh luôn biết ơn những người bạn Việt Nam đã động viên tinh thần, cho anh những lời khuyên giá trị, dạy anh kiên nhẫn để vượt qua khó khăn, hòa nhập với cuộc sống ở Việt Nam. Anh đã dần yêu những món ăn của Việt Nam như nem rán, lẩu, canh chua, phở... “Điều mà tôi thích nhất ở Nha Trang - Việt Nam là giá trị gia đình được đề cao, trân trọng. Dù căng thẳng, mệt mỏi đến mấy, khi trở về với gia đình là cảm thấy thư thái, thanh thản”- anh Anton chia sẻ. Yêu Nha Trang như quê hương thứ hai của mình, anh Anton mong muốn chất lượng dịch vụ, đội ngũ nhân viên du lịch được tốt hơn, giá cả minh bạch để khách quốc tế, trong đó có nhiều đồng hương của anh đến và sẽ trở lại Nha Trang.

KHÁNH NINH