2 tuyến đường nội đồng được bê tông hóa với kinh phí gần 3 tỷ đồng, nhưng chỉ sau 2 tháng đưa vào sử dụng đã bắt đầu xuống cấp...
2 tuyến đường nội đồng được bê tông hóa với kinh phí gần 3 tỷ đồng, nhưng chỉ sau 2 tháng đưa vào sử dụng đã bắt đầu xuống cấp...
Mới đây, dư luận xã Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) râm ran việc chính quyền cơ sở tắc trách trong việc làm các tuyến đường nội đồng số 10 và 11 ở thôn Tây, xã Sông Cầu. Có ý kiến còn cho rằng, UBND xã đã thông thầu; khi nghiệm thu công trình thì đại khái, bỏ qua nhiều sai sót. Trong quá trình thi công, đơn vị thi công đã không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, dẫn tới công trình mới làm xong đã xuất hiện hàng loạt vết nứt.
Nhiều vết nứt, gãy
Ông Nguyễn Thu - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Sông Cầu cho biết: “UBND xã có biết việc một số cá nhân nặc danh gửi tin nhắn đến lãnh đạo các cấp, phản ánh về việc thông thầu trong công trình xây dựng đường số 10 và 11 ở thôn Tây. Đây là công trình có tổng vốn đầu tư dưới 5 tỉ đồng, thuộc dạng chỉ định thầu, do đó, việc tố cáo UBND xã thông thầu là không chính xác. Còn vấn đề công trình xuống cấp thì hiện nay chúng tôi chưa nhận được phản ánh. UBND xã sẽ cho kiểm tra lại”.
Chương trình xây dựng nông thôn mới về đâu nếu các công trình đều sớm xuống cấp thế này? |
Theo quan sát của chúng tôi, tại đường bê tông nội đồng số 10 đã có hàng loạt vết nứt, gãy. Trên con đường dài hơn 800m, chúng tôi đếm được 31 vết nứt, gãy ngang đường. Trong đó, có khá nhiều vết nứt được đơn vị thi công gia cố lại bằng cách trám xi măng, đổ nhựa đường. Nhiều đoạn, mặt đường bị bong tróc. Ông Trần Văn Toản, một người dân địa phương nói: “Khi thi công công trình, đơn vị thi công làm cả những lúc trời mưa. Hơn nữa, cát để làm đường không được sàng lọc, còn khá nhiều tạp chất. Nhìn con đường bắt đầu nứt, chúng tôi thấy lo lắng về tuổi thọ của công trình”.
Trên đường nội đồng số 11, trong gần 500m chiều dài, chúng tôi cũng đếm được 16 vết nứt ngang. “Con đường này trước kia rất lầy lội nên khi được Nhà nước bê tông hóa, người dân mừng lắm. Nhưng làm xong được mấy bữa đã thấy nứt. Sau đó, đơn vị chức năng có bít xi măng nhưng không ăn thua. Bây giờ mưa còn ít, mai mốt mưa nhiều, không biết đường còn hư thế nào nữa. Đây là đường nội đồng nên thường xuyên có các xe tải chở mía đi qua, đến mùa thu hoạch mía, chắc sẽ còn hỏng nặng hơn. Không biết đến lúc đó, ai đứng ra sửa chữa?” - ông Thái Văn Hào (người dân thôn Tây) lo lắng.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đơn vị thi công 2 con đường này là Công ty TNHH Nguyên Hùng và Công ty TNHH Thành Tiến (đều có trụ sở tại Khánh Vĩnh). Công ty THHH một thành viên Tư vấn xây dựng Thành Hoàng Dũng (trụ sở ở Khánh Vĩnh) và Công ty TNHH Xây dựng Thịnh Đạt (trụ sở đóng ở Diên Khánh) được thuê giám sát.
Lý giải việc đường sớm bị xuống cấp, ông Nguyễn Thu phỏng đoán: “Cốt nền của 2 con đường này khá yếu, toàn là đất ruộng, lầy lội. Có khả năng trong quá trình thi công, đơn vị thi công không làm tốt cốt đường nên mới xảy ra nứt, gãy”. Quan điểm này cũng trùng với băn khoăn của một số người dân khi thấy đơn vị thi công đường số 10 sử dụng loại xe lu nhỏ, không biết có đủ làm chắc cốt đường.
Còn ông Ngô Quốc Tuấn, cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Nguyên Hùng lại giải thích: “Đường bị nứt, gãy là do trong thời gian thi công, có nhiều xe chở mía chạy vào khi bê tông chưa kịp đông kết. Ngoài ra, có một số điểm bị nứt là do trời mưa, khiến quá trình thi công bị gián đoạn làm phần ráp nối giữa lần đổ bê tông trước và lần đổ bê tông sau không kết dính. Khi nghiệm thu chỉ phát hiện 4 điểm nứt, đơn vị chúng tôi đã cho khắc phục”.
Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Hùng lại đỗ lỗi cho đơn vị thiết kế: “Đơn vị thiết kế lên thiết kế không chuẩn. Đường bê tông dùng cho xe tải trọng dưới 15 tấn chạy nhưng bê tông chỉ dày 15cm là quá mỏng, rất dễ bị nứt. Mỗi ô đường lại tới 5m là quá dài, điều này cũng là nguyên nhân khiến đường bị nứt, gãy”. Còn ông Hứa Thành Trí, quản lý Công ty TNHH Thành Tiến lại nhìn nhận: “Đường bê tông bị nứt là bình thường. Đường bê tông nào làm xong cũng co giãn cả. Không tin, các anh cứ đi kiểm tra các đường khác, cũng có tình trạng nứt như vậy”.
Chúng tôi cũng đã liên lạc với các đơn vị giám sát thi công. Sau nhiều lần liên lạc, chiều 30-10, chúng tôi đã nối được điện thoại với ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty THHH một thành viên Tư vấn xây dựng Thành Hoàng Dũng. Tuy nhiên, câu trả lời mà chúng tôi nhận được cũng hoàn toàn trùng khớp với nội dung trả lời của đơn vị thi công đã nêu ở trên. Về phía Công ty TNHH Xây dựng Thịnh Đạt, do không có được số điện thoại nên chúng tôi không thể liên lạc.
Ông Lê Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh nhấn mạnh: “Công trình này được giao cho xã làm chủ đầu tư, do đó, xã phải có trách nhiệm giám sát và giải quyết các vấn đề liên quan. UBND xã phải có trách nhiệm xử lý khi đường bị hỏng hóc. UBND huyện sẽ yêu cầu UBND xã báo cáo để có hướng xử lý”.
Hiện nay, tuy 2 con đường vẫn trong thời gian bảo hành song kinh phí bảo hành (5% vốn xây dựng) có lẽ sẽ chẳng thấm vào đâu nếu công trình bị hỏng nặng.
ĐÌNH LÂM
Đường nội đồng số 10 và 11 (xã Sông Cầu) có tổng kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, được thiết kế dành cho các loại xe có tải trọng 15 tấn trở xuống, để vận chuyển nông sản. Trong đó, Nhà nước bỏ ra 90% kinh phí, người dân đóng góp 10%. Đường số 10 dài hơn 800m, đường số 11 dài gần 500m, chiều rộng mặt đường là 3,5m.
Ông Huỳnh Kỳ Trầm - Trưởng Ban Quản lý dự án Các công trình trọng điểm Khánh Hòa: Đường bê tông thiết kế cho xe có tải trọng dưới 15 tấn thì lớp bê tông dày 15cm là không đáp ứng được. Theo tiêu chuẩn thiết kế, lớp bê tông phải dày 25cm và phải là bê tông tươi, lập trạm trộn tự động. Nếu trộn bê tông bằng các máy trộn loại nhỏ thì sau này, đường dễ bị nứt.