03:10, 25/10/2012

Sự thật về “Phật hiện hình trên gốc cây”

Hơn 1 tuần nay, cứ vào khoảng 6 giờ chiều, hàng trăm người từ khắp nơi, trong và ngoài tỉnh, kéo đến Miếu Bà Long Nữ, thôn Tân Thủy, xã Ninh Lộc, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa), để xem Phật hiện hình trên gốc cây cổ thụ...

Hơn 1 tuần nay, cứ vào khoảng 6 giờ chiều, hàng trăm người từ khắp nơi, trong và ngoài tỉnh Khánh Hòa, kéo đến Miếu Bà Long Nữ (MBLN), thôn Tân Thủy, xã Ninh Lộc, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa), để xem Phật hiện hình trên gốc cây cổ thụ. Trong vai người dân hiếu kỳ, chúng tôi đến tận nơi để xem câu chuyện thực hư thế nào.

Thần linh xuất hiện?

Chúng tôi đi theo Quốc lộ 1, khi qua khu vực chợ Lương Sơn, mặc dù còn khá xa nhưng câu chuyện kỳ bí trên bắt đầu râm ran từ các quán nước ven đường. Đến thôn Tân Thủy, bất kỳ người nào trong khu vực này cũng đều biết về gốc cây kỳ lạ. Chính họ hoặc người thân đã ít nhất 1 lần chen chân mục sở thị.

Cô bán nước tên D ngay tại ngã rẽ từ Quốc lộ 1 vào MBLN khoe: “Tôi cũng đi xem và chụp được hình nữa. Khoảng 2 tuần nay, số lượng người đến Miếu ngày càng đông, nhất là vào chiều tối. Có những lúc đông quá không đi xe vào được, họ còn để xe tại đây và nhờ tôi trông hộ.”

Tỏ ra bí hiểm, chị N.T.N, Vĩnh Hải, Nha Trang nói: “Nếu không có lòng tin, thì sẽ không thấy!? Hình Phật rõ lắm, nhất là qua các tấm ảnh, nhưng ban ngày không thấy đâu, chỉ ban đêm thì Phật mới hiển linh hiện hình”. Nhiều bà con ở các địa phương lân cận và các tỉnh xa bỏ công ăn, việc làm kéo về đây để xem, khiến cho MBLN lâu nay vốn vắng lặng trở nên tấp nập người ra vào. Có người còn dùng điện thoại chụp hình rồi chuyền tay nhau.

Được biết, tin đồn trên xuất phát từ Nha Trang, sau đó lan ra một số địa phương lân cận và tiếp tục được đồn thổi khiến một số người hiếu kỳ ở tận các tỉnh Đắc Lắc, Đồng Nai, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh... cũng lặn lội tìm đến.

 

k
Nhiều người hiếu kỳ chen lấn đến miếu chỉ để coi gốc cây rồi về.

 

Chỉ là mắt cây bình thường

Đoạn đường nhỏ rẽ từ Quốc lộ 1 vào MBLN khoảng hơn 3km, ngoằn nghèo, quanh co, đất đá chởm lởm, có những đoạn lầy lội, trơn trợt, đường nhỏ chỉ đủ vừa cho 1 xe máy lách qua. Có đoạn, chúng tôi phải đi bộ vì đường trơn, đầy nước sau cơn mưa. Đi từng đoạn, chúng tôi phải dừng lại hỏi thăm đường.

Phía trước cổng MBLN là tượng Nàng Tiên cá. Men theo bậc thang đi lên, bên trái là bàn thờ 5 Bà Ngũ hành. Bên phải, trên cao là Điện thờ chính, gọi là Thủy Long Bích Điện, thờ Bà Long Nữ. Bên dưới chính điện là tượng Ông Hổ nằm bên cạnh gốc cây cổ thụ “kỳ lạ”. Tiếp chúng tôi là ông Phan Trọng, mọi người thường gọi là Ông Năm, và hai vợ chồng con gái ông. Ông Năm là người duy nhất trông coi, lo việc thờ cúng và ở luôn trong ngôi miếu này. Ông không có chức sắc gì, chỉ là người được dân làng tín nhiệm, giao cho trông giữ ngôi miếu từ những năm 90.

 

Gốc cây gạo, nơi có tin đồn mang hình Phật.
Gốc cây gạo, nơi có tin đồn mang hình Phật.


Rót nước mời chúng tôi, ông từ tốn bắt đầu câu chuyện: “Mấy ngày nay, thật sự tôi rất mệt vì hàng ngày phải tiếp quá nhiều khách từ khắp nơi. Họ đã đến thì mình phải tiếp cho tử tế. Nhiều người hiếu kì, chen lấn đến đây chỉ để coi gốc cây rồi về. Liên tục mấy đêm nay, người đến đông quá không thể tưởng được. Thật ra, hình Phật mà tin đồn nói đến chỉ là một mắt cây, hoàn toàn không có gì đặc biệt, nhưng người ta đồn thổi lên thành hiện tượng kỳ bí rồi kéo nhau đến xem. Bản thân tôi hoàn toàn không biết gì về hiện tượng này. Những tấm hình Phật cũng là của khách chụp rồi đưa cho tôi xem.”

Theo chỉ dẫn của ông, men theo bậc thang, chúng tôi đến bên cây gạo to, có hàng trăm năm tuổi. Hình Phật theo lời đồn là một mắt cây nổi trên thân gốc, cách mặt đất chừng 1m. Hình mắt cây uốn lượn thành hình tượng Phật hướng về phía chính điện, theo trí tưởng tượng của nhiều người. “Cũng chụp bằng điện thoại tại gốc cây đó nhưng mỗi người hình dung ra mỗi kiểu: hình người, hình tề thiên, hình Phật và các vị thần khác nữa. Mắt cây này có lẽ đã có từ lâu, tôi cũng không để ý và cũng không biết vì những cây đại thụ có những sẹo, u nần là chuyện bình thường”- ông Năm diễn giải.

Khi hỏi về nguồn gốc tin đồn, ông khẳng định từ một người ở Nha Trang. Cách đây khoảng 2 tuần, người này đến Miếu thắp hương, rồi một ngày nọ, quay trở lại với tấm hình trong tay nói với ông: “Ông Năm xem, đây là hình ông thần”. Ông đáp: “Thần thánh gì ở trong cây mà nói ẩu vậy”. Câu chuyện xuất phát chỉ có vậy, nhưng thông tin về gốc cây mang hình Phật nhanh chóng lan truyền. Thế rồi 2-3 ngày sau, khách tứ phương ùn ùn kéo đến, ban đầu chỉ là người dân địa phương, khu vực lân cận, sau đó là cả những người ở các tỉnh khác. “Câu chuyện này được thêu dệt thêm ly kỳ chứ sự thật thì chẳng như trong tin đồn. Tôi ở đây trên 20 năm cũng chẳng có hiện tượng gì kỳ bí như vậy.”- ông khẳng định.

Lý giải về tin đồn, ông Năm cho biết đây là điều hết sức bình thường. Hình ảnh này do ánh đèn từ phía sau gốc cây chiếu đến tạo thành cái bóng giống hình người, cộng thêm trí tưởng tưởng phong phú nên mỗi người nghĩ ra một kiểu. Cũng vì thế mà ban ngày nhìn chẳng ra hình gì cả.

Theo chúng tôi tìm hiểu, có thể loại trừ khả năng ông Năm tung tin này hoặc lợi dụng tin đồn này để trục lợi vì bản thân ông và những người trong gia đình ông đều không hề nhận bất kỳ khoản tiền biếu nào của khách và luôn khẳng định đây là tin phao đồn, không chính xác.

Cảnh giác với những tin đồn thất thiệt

Ông Lê Ngọc Hải, Trưởng Công an xã Ninh Lộc cho biết: “Từ khi xuất hiện tin đồn, lúc đầu số người đến tham quan Miếu khoảng 30-40, sau đó tăng đột biến, đặc biệt là trong tuần này, lên đến trên 200 người hàng đêm, đi bằng nhiều phương tiện, xe máy, ô tô, thậm chỉ cả ghe, tàu. Đường vào Miếu thì nhỏ, dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy, ném đá... Nhiều người bị té xuống ao. Nếu tình hình này cứ tiếp diễn, kẻ xấu dễ lợi dụng trà trộn vào đám đông để trộm cắp, cướp giật”.

“Tôi mong muốn sớm chấm dứt tình trạng lộn xộn tại khu vực miếu như hiện nay. Chính quyền địa phương đã cử lực lượng công an của thôn, xã, huyện phối hợp với Bộ đội Biên phòng đến khu vực này để bảo vệ an ninh, trật tự.” - Ông Năm chia sẻ.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng nhờ đến những người cao tuổi có uy tín đến tận nơi giải thích, giúp bà con nhận ra đây hoàn toàn chỉ là hiện tượng tự nhiên, tin đồn thêu dệt theo trí tưởng tượng. Đồng thời, chính quyền địa phương đang cân nhắc các phương án giải quyết, trong đó có việc sơn trắng tất cả các cây cổ thụ trong khu vực MBLN. Biện pháp này được ông Năm đồng tình và đang chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Trước mắt, lực lượng công an, dân phòng túc trực liên tục hàng đêm tại khu vực miếu và toàn bộ tuyến đường Quốc lộ 1 rẽ vào để giữ an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho người dân đồng thời giải thích và vận động họ giải tán, quay trở về. Do lượng người đến quá đông, kẻ xấu dễ lợi dụng tình trạng lộn xộn để xô đẩy, móc túi, trấn lột. Lợi dụng niềm tin của người dân, đặc biệt là những người hiếu kỳ, cả tin, một số người có biểu hiện đồn thổi tin “giật gân, huyền bí” để trục lợi qua các dịch vụ trông giữ xe, đưa đón… Người dân cần cảnh giác và tỉnh táo trước các tin đồn thất thiệt để không tự làm mất thời gian, công sức, thậm chí còn rước họa vào thân.

Như Thảo


 

k
Ông Năm, người trông coi Miếu Bà Long Nữ.

 

k
Đường vào Miếu có những đoạn dất đá lởm chởm, trơn trợt.