Nhờ một người quen ở xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) giới thiệu trước, chúng tôi mới được anh Hà Bà Xỉa cho đi cùng vào rừng lấy măng. Một ngày theo chân vợ chồng anh Hà Bà Xỉa và nhóm người ở thôn Giang Biên, xã Sơn Thái đi tìm măng khắp rừng Gia Le, chúng tôi phần nào hiểu được những vất vả, nguy hiểm trong cuộc mưu sinh.
Nhờ một người quen ở xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) giới thiệu trước, chúng tôi mới được anh Hà Bà Xỉa cho đi cùng vào rừng lấy măng. Một ngày theo chân vợ chồng anh Hà Bà Xỉa và nhóm người ở thôn Giang Biên, xã Sơn Thái đi tìm măng khắp rừng Gia Le, chúng tôi phần nào hiểu được những vất vả, nguy hiểm trong cuộc mưu sinh.
Chuẩn bị dụng cụ trước khi lên núi tìm măng. |
Vượt núi tìm măng
Tờ mờ sáng, khi mặt trời chưa soi tỏ mặt người, chúng tôi đã lên đường tìm măng. Đeo trên lưng chiếc gùi, cây rựa, một ít cơm cho bữa trưa trong rừng, anh Hà Bà Xỉa chỉ tay về phía những cánh rừng xa tít đang vùi mình trong làn sương sớm mờ đục nói: “Khắp rừng Gia Le, Gia Răng, không chỗ nào là không có măng, chưa chỗ nào ở đó mà chân tao chưa đến. Hàng năm, cứ đến mùa này, chúng tao lại lên rừng bẻ măng, đi riết thành quen. Giống như tao, hàng chục người khác ở đây cũng tranh thủ mùa mưa đi hái măng về bán để kiếm thêm tiền mua gạo”.
Chị Cà Dơi hái những búp măng trong rừng Gia Le. |
Sau hơn 3 giờ băng rừng, chúng tôi mới đến được dốc Gia Le. Cùng chúng tôi dừng chân nghỉ mệt dưới con dốc còn có một nhóm 7 người khác ở thôn Giang Biên cũng vào rừng tìm măng. Thấy chúng tôi có vẻ ái ngại khi nhìn đôi chân trần vượt núi của mình, bà Mà Nga (đã hơn 60 tuổi) chia sẻ: “Đã mấy chục năm nay, đôi chân trần của tao cứ đi hết từ rừng này sang rừng khác để tìm măng, tìm sa nhân, chặt đót... Năm nay mùa mưa đến sớm, từ đầu tháng 8, tao đã lên rừng Gia Le tìm măng, mỗi ngày cũng hái được 10 - 12kg, bán được 40 - 50 nghìn đồng”. Cũng theo lời bà Nga, hàng năm, mùa măng sẽ kéo dài từ khoảng tháng 7 đến giữa tháng 12 âm lịch. Đến gần Tết, khi măng hết, hoa đót nở, bà và những người trong thôn lại rủ nhau lên núi hái đót. Tựa lưng vào cây, thở dốc vì mệt, anh Hà Lưu nói: “Nhiều gia đình ở thôn Giang Biên sinh sống chủ yếu dựa vào nương rẫy. Như nhà tao, trồng được 6 sào mì và mấy sào bắp; nhưng mì thì thối củ, bắp bị hư nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Để có tiền mua gạo cho mấy miệng ăn trong gia đình, tao phải lên rừng hái măng”.
Bữa trưa của vợ chồng người hái măng. |
Đoàn người đi hái măng hành quân vượt qua dốc Gia Le. Lên đến đỉnh dốc, nhóm của Hà Lưu đi về cánh rừng Gia Răng, còn chúng tôi cùng vợ chồng Hà Bà Xỉa và 2 người nữa rẽ theo lối mòn sang rừng Gia Le. Len lỏi trong rừng lồ ô um tùm xen lẫn với những bụi mây rừng đầy gai, chúng tôi cũng tìm được những đọt măng. Dưới tán rừng, những búp măng nhọn hoắt còn đọng nước đâm lên khỏi đám mùn khô, hoặc những đọt măng to đã bắt đầu vươn mình lên cao. Phải thật tinh mắt, những người tìm măng mới thấy được, bởi màu búp măng mới mọc cũng tựa như màu của lá rừng. Vừa bẻ măng, anh Hà Bà Xỉa vừa cười nói: “Mấy hôm nay mưa, măng lồ ô to và nhiều. Trong chuyến đi này, vợ chồng tao sẽ hái được nhiều, sợ không có sức mà gùi về”.
Gùi măng vượt dốc. |
Đối diện nhiều nguy hiểm
Đang tìm măng, chị Cà Dơi (vợ Hà Bà Xỉa) bỗng giật mình lùi lại. Chị thông báo có con rắn to chừng nửa bắp tay, dài hơn 1m đang vắt vẻo ngang cây lồ ô. Cà Dơi phóng cây rựa về phía con rắn, chờ nó đi khỏi, chúng tôi mới dám bước tiếp. Theo Cà Dơi, đây là con rắn rất độc, nếu bị nó cắn sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Len lỏi hái được hơn nửa gùi măng, Hà Bà Xỉa bật dậy khi đằng xa vọng lại tiếng “hú” - tín hiệu của những người hái măng báo cho nhau khi gặp nguy hiểm. Biết có chuyện không hay, Hà Bà Xỉa vội bỏ gùi măng và lao về hướng có tiếng hú. Những người cùng đi nghe tiếng cũng chạy đến. Tới nơi, cả đám thở phào khi biết chị Cà Già - một người trong nhóm hái măng chỉ bị xây xước nhẹ do trượt chân té từ trên sườn núi xuống. Chị Cà Già kể, khi đang với tay bẻ đọt măng thì bị trượt chân té ngã. Rất may, chị đã bám được vào cây lồ ô, nếu không sẽ té xuống tảng đá lớn cách đó không xa.
Với những người đi hái măng rừng, điều sợ nhất là bị rắn độc cắn, trượt chân bất thình lình hay vô tình dính phải bẫy thú... Hà Bà Xỉa tâm sự: “Đã có người ở thôn tao gặp nạn khi đi hái măng rừng. Tuy biết nguy hiểm rình rập, nhưng để có thêm tiền trang trải cuộc sống, chúng tao vẫn phải đi hái măng”...
Phải bảo vệ thì rừng mới cho “lộc”
Những người hái măng nghỉ mệt sau khi vượt qua một con dốc. |
Mặt trời đã lên đỉnh đầu, những người hái măng cũng lần lượt quay lại đầu dốc Gia Le. Trên lưng họ là những gùi măng đầy ắp. Đem gói cơm với mấy con cá khô mang theo ra ăn, Hà Bà Xỉa tâm sự: “Hôm nay, vợ chồng tao hái được khoảng 30kg măng tươi, sẽ bán được hơn 100 nghìn đồng. Nhờ “lộc” rừng nên 4 miệng ăn cả nhà tao mới qua được những lúc khó khăn”. Theo lời chị Cà Dơi, măng sau khi gùi về nhà sẽ cắt bỏ bớt phần già, lột vỏ, đem luộc, sau đó bán cho những người làm măng khô với giá 4 nghìn đồng/kg (cứ khoảng 15kg măng tươi sẽ làm được 1kg măng khô, măng khô có giá 160 nghìn đồng/kg). Mùa măng này, các thương lái ở xã Sơn Thái có thể thu gom được hàng chục tấn măng tươi; người hái không thể trữ măng khô để bán, do họ phải bán gấp để lo tiền gạo cá hàng ngày...
Bà Mà Nga chia sẻ: “Cả đời tao gắn bó với rừng, sống được cũng nhờ rừng nên phải bảo vệ thì rừng mới cho “lộc”. Do vậy, khi đi hái măng, chúng tao chỉ hái những đọt măng non chứ không chặt phá lồ ô, cây rừng”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, người dân Sơn Thái không chỉ tận thu măng rừng mà mùa nào thức ấy, lúc thì sa nhân, khi thì nấm linh chi, đót... Không ít gia đình ở xã Sơn Thái đã cải thiện thu nhập nhờ “lộc” của rừng. Theo lãnh đạo xã Sơn Thái, toàn xã hiện có 421 hộ dân với hơn 1.800 nhân khẩu; trong đó có đến 236 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hiện nay, đời sống của nhiều gia đình đang gặp khó khăn khi các loại cây trồng như: mì, bắp bị hư hại do thời tiết. Vì vậy, hàng trăm người dân địa phương đã vào rừng hái măng để cải thiện thu nhập, giúp nhiều gia đình giải quyết khó khăn trong cuộc sống, nhất là mùa giáp hạt.
Rời thôn Giang Biên khi trời đã về chiều, đâu đó trong bếp lửa của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã dậy lên mùi hăng nồng của nồi măng luộc, xen lẫn với đó là mùi thơm của nồi cơm đang sôi. Chúng tôi cảm nhận được một ngày lên núi tìm măng tuy vất vả, hiểm nguy nhưng đã giúp họ bớt phần khốn khó.
B.L - N.T
Ông Võ Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thái cho biết: “Xác định được vai trò của rừng đối với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi đã không ngừng tuyên truyền người dân địa phương phải biết quý trọng và bảo vệ rừng, nhất là hướng dẫn bà con trong việc thu hái các loại “lộc” để rừng cho sản vật bền vững”.