06:10, 30/10/2012

Triển khai còn rất chậm

Theo quy hoạch đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 5 khu công nghiệp và 11 cụm công nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ có 1 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp đi vào hoạt động.

Theo quy hoạch đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 5 khu công nghiệp (KCN) và 11 cụm công nghiệp (CCN). Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ có 1 KCN và 2 CCN đi vào hoạt động.

Quy hoạch tràn lan

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 5 KCN đã thành lập gồm: Suối Dầu, Nam Cam Ranh, Bắc Cam Ranh, Ninh Thủy, Vạn Thắng, với tổng diện tích trên 887ha. Đến thời điểm này, chỉ có KCN Suối Dầu đi vào hoạt động với quy mô 44 doanh nghiệp (DN), hoạt động trên các lĩnh vực: chế biến thủy sản, song mây, thức ăn gia súc, đá ốp lát, chế phẩm sinh học, hàng may mặc... Trong đó, có 18 DN có vốn đầu tư nước ngoài, 26 DN trong nước với tổng vốn đăng ký 76 triệu USD và 1.300 tỷ đồng, thu hút gần 7.000 lao động. Ngoài ra, theo quy hoạch đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh còn có 11 CCN, trong đó có 6 cụm được thành lập, 5 cụm chưa thành lập. Tuy nhiên, hiện chỉ có CCN Diên Phú (Diên Khánh), CCN Đắc Lộc (Nha Trang) đi vào hoạt động, thu hút 43 DN với tổng vốn đăng ký gần 720 tỉ đồng, trong đó mới có 30 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn trên 650 tỉ đồng.

1
 Cụm công nghiệp Tân Lập (Cam Lâm) thành lập năm 2010, đến nay chỉ mới dừng ở khâu thẩm định đồ án.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp (CN) trong các CCN ước đạt 150 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 2.500 lao động địa phương. 6 tháng đầu năm 2012, do các DN khó khăn về tài chính và thị trường, giá trị sản xuất CN chỉ đạt 62 tỷ đồng, giảm 8,8% so với năm 2011. Hiện nay, một số DN trong KCN, CCN đang hoạt động cầm chừng hoặc không có khả năng tiếp tục thực hiện dự án, có xu hướng chuyển nhượng cho các đơn vị khác. Điều đáng nói, khi chủ trương thành lập CCN được UBND tỉnh phê duyệt, UBND các huyện, thành phố đều thực hiện các bước như thu hồi đất, giải tỏa mặt bằng, đền bù xong rồi “treo” vì không có vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng. Người dân bất bình vì họ phải nhường đất cho KCN, CCN nhưng chờ mãi, các dự án này không triển khai, đất thì bỏ hoang mà người dân không có đất sản xuất.

Cần nhìn vào thực tế

Thực tế cho thấy, Khánh Hòa có hạ tầng chưa hoàn thiện để phát triển mạnh KCN, CCN. Ngân sách tỉnh và các địa phương cũng còn hạn chế nên việc bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng và các hạng mục trong KCN, CCN được thực hiện chậm và chưa đồng bộ. Một số công trình, hạng mục thiết yếu như đường giao thông, hệ thống thoát nước, trạm xử lý nước thải tập trung đều thiếu vốn đầu tư. Bên cạnh đó, Khánh Hòa là địa phương không có nhiều tài nguyên, khoáng sản có giá trị trong phát triển CN; còn ít các DN tư nhân có tiềm lực về tài chính và quy mô sản xuất lớn; thiếu các nhà quản lý giỏi và công nhân kỹ thuật lành nghề, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đáng chú ý, các KCN, CCN được thành lập chưa xem xét đồng bộ với điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội, khả năng và nhu cầu phát triển thực tế, dẫn đến tình trạng nhiều đất đai bị bỏ hoang hóa, lãng phí, đặc biệt khi hầu hết các KCN, CCN được thành lập đều nằm trên những vùng đất thuận tiện về vị trí, địa hình bằng phẳng, có nhiều diện tích đất hoa màu, nuôi trồng thủy sản, trồng cây lâu năm...

Đánh giá một cách khách quan, hạ tầng các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ nên khó đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Những năm gần đây, việc thu hút các nhà đầu tư vào KCN, CCN Khánh Hòa hết sức khó khăn. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 07 chấn chỉnh công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, CCN trên địa bàn cả nước. Theo đó, Khánh Hòa sẽ tạm dừng bổ sung quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN cho đến khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Điều này có nghĩa, một số CCN trên địa bàn tỉnh phải tạm dừng, không được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Vì thế, việc lãng phí đất đai, tiền của và nhân lực là khó tránh khỏi. Mặt khác, các chính sách ưu đãi đầu tư đối với các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh không cao hơn các địa phương khác trong cả nước. Do đó, khó thu hút các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các KCN, CCN.

Để các KCN, CCN phát triển xứng tầm, tỉnh cần có nhiều giải pháp tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh. Song song đó, phát triển và hoàn thiện hạ tầng KCN, CCN nhằm thu hút các nhà đầu tư với công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch; hỗ trợ DN phát triển thông qua việc tạo quỹ đất sạch, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ. Chú trọng phát triển ngành nghề, dịch vụ phụ trợ cho hoạt động CN, hỗ trợ các DN trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, ưu tiên đầu tư phát triển các KCN, CCN có khả năng cao trong thu hút đầu tư; kêu gọi những DN có tiềm lực, ổn định trong đầu vào, đầu ra. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng thí điểm một số KCN, CCN nhằm thu hút các DN có vốn đầu tư nước ngoài trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, chỉ đạo ngành chức năng, địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết, nâng cao hiệu quả sử dụng đất CN, phát triển quỹ đất dịch vụ, nhà ở công nhân, tạo điều kiện cho DN đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động; huy động nhiều nguồn vốn để tập trung xây dựng các hạng mục công trình, làm tới đâu dứt điểm tới đó.

CHÂU AN KHÁNH

Ông Trần Sơn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa: Hiện nay, ngoài 2 CCN Diên Phú, Đắc Lộc hoạt động ổn định, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai xây dựng CCN Sông Cầu (Khánh Vĩnh), CCN và chăn nuôi Khatoco (Ninh Hòa). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các đơn vị kinh doanh cơ sở hạ tầng CCN, chủ đầu tư là các huyện, sở, ngành chậm triển khai, đến nay vẫn chưa hoàn thành. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị kinh doanh hạ tầng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng CCN. Trường hợp đơn vị kinh doanh hạ tầng không đủ năng lực, sẽ xem xét thu hồi và giao đơn vị khác tiếp tục triển khai. Đối với dự án đầu tư trong KCN, CCN, nếu không triển khai đúng tiến độ cam kết, hoặc sang nhượng dự án cho đơn vị khác, tỉnh sẽ rút giấy phép đầu tư.