11:10, 26/10/2012

Nhiều tỉnh lộ xuống cấp nghiêm trọng

Qua nhiều năm sử dụng, lại không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên nhiều tuyến tỉnh lộ quan trọng trên địa bàn tỉnh bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn phải tiếp tục gồng mình “cõng” hàng trăm chuyến xe qua lại.

Qua nhiều năm sử dụng, lại không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên nhiều tuyến tỉnh lộ quan trọng trên địa bàn tỉnh bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn phải tiếp tục gồng mình “cõng” hàng trăm chuyến xe qua lại.

Xuống cấp 

Tối 24-10, chúng tôi đã đi thực tế dọc tuyến Tỉnh lộ 3. Có đi mới thấy hết nỗi khổ của người dân nơi đây. Nhiều đoạn đường đã bị biến dạng hoàn toàn: mặt đường bị cày xới, lởm chởm đá, nhiều chỗ tạo thành vũng sâu; 2 bên lề đường, đất đá lô nhô. Khi trời mưa, đường trơn trượt, khiến phương tiện đi lại hết sức khó khăn. Tuy là tuyến tỉnh lộ nhưng nhiều đoạn đường, bề rộng chỉ đủ 1 làn xe (3,5m) nên khi có ô tô đi qua, các phương tiện khác phải dừng lại nhường đường. Tuy chỉ chạy xe với vận tốc 5 - 10km/giờ nhưng chúng tôi cũng phải điều khiển xe rất khó khăn, vì tránh “ổ gà” bên này lại vấp phải “ổ trâu” bên kia, chưa kể lâu lâu xe lại nhảy chồm lên vì cán phải đá. Đặc biệt, đoạn Km4 - Km6, nhiều chỗ không còn thấy dấu vết của đường nhựa, hai bên đường không ít vũng nước sâu. Chị Ngọc Oanh, một người dân sống gần đây cho biết: “Mỗi lần đi qua đây, chỉ cần lỏng tay lái là té ngay”. Anh Nguyễn Tiến Dũng (Phước Đồng) cũng chia sẻ: “Chúng tôi phải cực khổ hàng ngày đi đi về về trên tuyến đường bong tróc, lởm chởm đá dăm, “ổ gà, ổ trâu” này. Ban ngày đi đã khó, hôm nào có việc phải đi qua đây vào ban đêm càng cực hơn”.

Nước bị ứ đọng do chưa có hệ thống thoát nước là một trong những nguyên nhân làm đường nhanh chóng bị xuống cấp (ảnh chụp tại Tỉnh lộ 2, đoạn qua Diên Khánh).
Nước bị ứ đọng do chưa có hệ thống thoát nước là một trong những nguyên nhân làm đường nhanh chóng bị xuống cấp (ảnh chụp tại Tỉnh lộ 2, đoạn qua Diên Khánh).

Tình trạng này không chỉ xảy ra trên tuyến Tỉnh lộ 3 mà cả ở tuyến Tỉnh lộ 2 (đoạn đi qua huyện Diên Khánh). Tuy tuyến đường này chưa đến mức bị biến dạng mặt đường, nhưng cũng đã xuất hiện khá nhiều “ổ gà”. Người dân ở hai bên đường cho biết, do chưa có hệ thống thoát nước, mỗi khi trời mưa, nước lại bị ứ đọng, gây mất an toàn giao thông. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tuyến đường nhanh chóng xuống cấp. Một số tuyến khác như: Tỉnh lộ 8, Tỉnh lộ 5, Tỉnh lộ 9 (đoạn đi qua TP. Cam Ranh), Tỉnh lộ 7, Tỉnh lộ 1A... cũng thường xuyên bị đọng nước, có “ổ gà”, “ổ trâu”. Được biết, phần lớn các tuyến đường tỉnh quản lý là đường nối liền giữa đồng bằng và miền núi, mặt đường hẹp (Bm =3,5m), chất lượng mặt đường còn thấp. Hiện có tới 400km đường chỉ đạt chất lượng trung bình và xấu...

Thiếu kinh phí 

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng giao thông Khánh Hòa, một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng đường giao thông kém là do sự gia tăng đột biến của lượng xe vận chuyển, đặc biệt là xe vận chuyển quá tải trọng. Tình trạng này càng xấu đi khi các cơ quan chức năng chưa có biện pháp đáng kể nào nhằm hạn chế và chấm dứt hiện tượng xe chở quá tải trọng lưu thông. Ngoài ra, công tác phối hợp quản lý đường giữa địa phương có tuyến đường tỉnh đi qua và đơn vị quản lý đường còn hạn chế. Vì vậy, nhiều diện tích đất dành cho thoát nước mặt đường đã được chính quyền cấp sổ đỏ cho dân, dẫn tới tình trạng đường luôn bị ngập nước, chóng hỏng.

Mặt đường đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng hàng ngày, Tỉnh lộ 3 vẫn phải gồng mình “cõng” rất nhiều xe qua lại (ảnh chụp tại Km4 - Km5).
Mặt đường đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng hàng ngày, Tỉnh lộ 3 vẫn phải gồng mình “cõng” rất nhiều xe qua lại (ảnh chụp tại Km4 - Km5).

Một nguyên nhân quan trọng là kinh phí bảo trì hàng năm thiếu nên các công tác bảo trì (vá, láng...) theo định kỳ không thực hiện được, khiến đường xuống cấp nghiêm trọng. Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, theo định mức bảo trì đường bộ, nhu cầu vốn dành cho bảo trì các tuyến đường tỉnh hàng năm (tính theo thời điểm quý III/2012) khoảng 156 tỷ đồng. Trong đó, vốn dành cho bảo dưỡng thường xuyên là 68 tỷ đồng, vốn dành cho sửa chữa vừa là 88 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2012, vốn ngân sách phân bổ cho công tác bảo dưỡng thường xuyên là 23 tỷ đồng (chỉ đạt 33,8%), vốn ngân sách dành cho sửa chữa vừa là 40 tỷ đồng (đạt 45,4%). Với mức kinh phí này, Sở chỉ có thể đáp ứng được cơ bản nhu cầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa kịp thời các hư hỏng nhằm duy trì hoạt động thông suốt của hệ thống đường tỉnh, chưa thể bảo trì mang tính ổn định lâu dài như: thảm tăng cường bê tông nhựa; láng nhựa bảo vệ mặt đường... đối với các tuyến đường. Được biết, Thông tư số 10 ngày 19-4-2010 của Bộ Giao thông vận tải về quản lý và bảo trì đường bộ quy định: Đối với đường bê tông nhựa, sau 4 năm, phải thực hiện sửa chữa vừa; sau 12 năm, phải sửa chữa lớn. Đối với đường đá dăm láng nhựa, sau 3 năm, phải thực hiện sửa chữa vừa; sau 6 năm, phải sửa chữa lớn. Tuy nhiên, hầu hết các tuyến đường nhựa trên địa bàn tỉnh đến nay đều đã quá niên hạn sửa chữa vừa và sửa chữa lớn nhưng không thể bảo trì theo quy định, nguyên nhân chính là do không có kinh phí.

CẨM VÂN