Ngoài thời gian đến trường, nhiều sinh viên phải nhọc nhằn mưu sinh, vượt qua những khó khăn về vật chất để tiếp cận tri thức. Các sinh viên Võ Duy Khương và Nguyễn Trung Tĩnh là hai trong số những người như thế.
Ngoài thời gian đến trường, nhiều sinh viên (SV) phải nhọc nhằn mưu sinh, vượt qua những khó khăn về vật chất để tiếp cận tri thức. Các SV Võ Duy Khương và Nguyễn Trung Tĩnh là hai trong số những người như thế.
Vẽ tranh nuôi ước mơ họa sĩ
Một ngày cuối tuần, chúng tôi gặp Võ Duy Khương (quê Cam Ranh) - SV năm 3 Trường Cao đẳng (CĐ) Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch (VHNT-DL) Nha Trang tại khu vực chợ đêm đường Trần Phú. Giữa dòng người nô nức đón Tết Trung thu, hình ảnh Khương với nước da đen sạm, bộ quần áo bạc màu, tay ôm xấp giấy vẽ ngồi một góc vỉa hè, trước mặt là vài bức vẽ chân dung và tấm biển quảng cáo: “Vẽ chân dung (10 phút)” làm mọi người chú ý. Đôi mắt buồn trĩu nặng suy tư của chàng SV trẻ đủ nói lên nhiều điều về gánh nặng mưu sinh.
Do gia đình nghèo nên khi được tin đỗ vào Khoa Mỹ thuật Trường CĐ VHNT-DL Nha Trang, việc đầu tiên Khương tính đến là kiếm việc làm thêm. Em bắt đầu bằng công việc giữ xe ở quán cà phê với mức lương 660 nghìn đồng/tháng; sau đó là trông coi điện thoại, phục vụ quán cơm, đổi sức lao động để nhận 2 bữa cơm mỗi ngày. Không có phương tiện đi lại, Khương phải cuốc bộ hơn 2 cây số từ nhà trọ ở khu vực Tháp Bà đến trường. Từ Hè 2012, Khương bắt đầu với “nghề” vẽ tranh chân dung, đồng thời góp vốn với các SV năm nhất làm móc khóa để bán. “Thời gian đầu, em phải mượn xe đạp của bạn cùng khu trọ để đi làm, về sau mới dành dụm mua được chiếc xe đạp cũ”, Khương tâm sự.
Vượt lên mọi khó khăn, Khương luôn phấn đấu hết mình vì niềm đam mê hội họa và ước mơ trở thành họa sĩ. Không có tiền tham gia lớp vẽ tranh sơn dầu như các bạn, Khương mày mò tự học ở nhà. Hè 2012, Khương cho ra mắt những bức vẽ sơn dầu đầu tiên và được thầy cô đánh giá khá cao. Khi ký gửi ở phòng tranh, một trong số tranh sơn dầu của Khương đã được bán với giá 1 triệu đồng. Nhờ đó, Khương có tiền mua một chiếc máy ảnh cũ để chụp ảnh tư liệu. Tuy nhọc nhằn gánh nặng mưu sinh nhưng 2 năm học qua, Khương đều đạt thành tích học tập khá, giỏi, được nhận học bổng của trường. Khương còn là Bí thư Chi đoàn lớp, Bí thư Đoàn khoa Mỹ thuật, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường.
Sinh viên Võ Duy Khương miệt mài với những bức vẽ chân dung để có tiền ăn học |
Vượt khó học tốt
Khi thi đỗ vào Trường Đại học Nha Trang và CĐ Sư phạm Nha Trang, Nguyễn Trung Tĩnh (quê Cam Lâm) đã xác định phải tự lo bởi gia đình không thể chu cấp cho Tĩnh đi học. Từ khi bị tai nạn giao thông (năm 2002), cha mẹ Tĩnh không thể lao động nặng, chỉ dựa vào xe bánh mì, mỗi ngày thu nhập khoảng 70 - 80 nghìn đồng. Ngoài ra, gia đình còn lo chăm sóc anh trai kế của Tĩnh bị tật nguyền; chưa kể phải lo trả dần số tiền vay nợ để điều trị sau tai nạn.
Biết là sẽ khó khăn nhưng với mong ước trở thành nhà giáo, Tĩnh quyết tâm theo học tại Trường CĐ Sư phạm Nha Trang. Để trang trải cho việc học, ban đầu Tĩnh xin đi khuân vác, phục vụ ở các tiệc cưới. Thấy Tĩnh luôn ham học và cầu tiến, thầy cô ai cũng thương nên giới thiệu các mối dạy kèm. Hiện nay, Tĩnh làm gia sư cho 2 học sinh với thu nhập khoảng 1 triệu đồng/tháng. Tĩnh còn tham gia các công việc thời vụ như: chạy bàn, ráp rạp sân khấu, phục vụ các sự kiện, chương trình... khi có thời gian.
Sinh viên Nguyễn Trung Tĩnh (phải) thăm, tặng quà cho người già neo đơn tại xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm) |
Hàng ngày, cậu SV nghèo phải nhịn ăn sáng để dành tiền mua sách vở, giáo trình. Số tiền vay ngân hàng (3,3 triệu đồng/1 học kỳ), Tĩnh dành trang trải phí ở ký túc xá, còn bao nhiêu gửi về cho gia đình. Với bản tính chân chất, hòa đồng, Tĩnh nhận được nhiều sự yêu thương, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, nhờ đó khó khăn từng bước qua đi. Dù vất vả mưu sinh, Tĩnh vẫn luôn giữ được thành tích học tập khá, nằm trong tốp dẫn đầu lớp; đồng thời năng nổ, xông xáo, có nhiều đóng góp cho hoạt động đoàn thể nên được tín nhiệm giữ chức Bí thư Chi đoàn lớp, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn khoa Tự nhiên, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường. Chi đoàn lớp của Tĩnh thường tổ chức đi thăm, tặng quà, làm từ thiện giúp đỡ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Đầu năm học, Tĩnh được nhận học bổng “SV nghèo vượt khó” của trường, hiện em đang được Đoàn khoa đề cử nhận giải thưởng “SV xuất sắc”. “Thời gian tới, em sẽ phải làm việc nhiều hơn, chi tiêu tiết kiệm hơn để dành dụm tiền đi thực tập, thực tế. Tuy nhiều khó khăn nhưng em không nản lòng, vì chỉ cần tích lũy nhiều tri thức, mình sẽ sớm có được thành công” - Tĩnh chia sẻ.
NGỌC THẢO