Chỉ cách thị trấn Khánh Vĩnh khoảng 500m theo đường chim bay nhưng thôn 6 xã Khánh Nam (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vẫn là vùng lõm về điện. Nhiều người dân nơi đây vẫn sống trong cảnh đèn dầu gần 30 năm qua, kể từ ngày đến đây lập nghiệp.
Chỉ cách thị trấn Khánh Vĩnh khoảng 500m theo đường chim bay nhưng thôn 6 xã Khánh Nam (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vẫn là vùng lõm về điện. Nhiều người dân nơi đây vẫn sống trong cảnh đèn dầu gần 30 năm qua, kể từ ngày đến đây lập nghiệp.
Leo lét đèn dầu
Cháu Trần Bảo Anh Tuấn phải học bài dưới ánh đèn dầu. |
18 giờ, khi nhiều gia đình ở những thôn khác đã bật điện sáng choang thì cả khu vực rộng lớn ở thôn 6 xã Khánh Nam đang chìm dần trong đêm tối. Vừa đi đón 2 đứa con nhỏ đi học về đến nhà, anh Trần Kim Nhân (36 tuổi) đã giục vợ dọn cơm tối để các con ăn còn học bài, rồi đi ngủ sớm, tiết kiệm tiền dầu. Trời mưa rả rích, căn nhà tuềnh toàng của vợ chồng anh Nhân càng trở nên hiu hắt dưới ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn dầu. Sau bữa cơm, cháu Trần Bảo Anh Tuấn (con trai anh Nhân) ngồi vào bàn học bài. Bên ánh đèn dầu tù mù, Tuấn chật vật đánh vần từng con chữ... “Ngày thường, tôi dùng bình ắc quy để thắp sáng cho cháu học bài nhưng hôm nay, ắc quy hết điện nên phải học bằng đèn dầu, anh ạ”, anh Nhân giải thích khi thấy tôi nhìn với ánh mắt ái ngại. Theo anh Nhân, suốt mấy chục năm nay, đa phần người dân thôn 6 đều sống dưới ánh đèn dầu, mấy năm gần đây các gia đình có điều kiện mới sắm ắc quy để cho con cái học hành. “Mỗi lần xạc bình ắc quy hết 25.000 đồng, nhưng cũng chỉ dùng cho cháu được khoảng 5 đêm là hết. Cháu Tuấn bị bệnh về mắt nên phải đeo kính từ nhỏ, thế nhưng lại phải học bài trong điều kiện thiếu thốn ánh sáng nên tôi cũng lo lắm”, anh Nhân chia sẻ.
Đang ngồi học bài, cháu Tuấn nói với giọng trẻ con: “Ba ơi, tuần này con có điểm 10, cuối tuần ba cho con xuống nhà bác chơi nhé...”. Hỏi chuyện mới biết, cháu Tuấn rất thích xem ti vi nên đã giao hẹn với bố sẽ cố học được nhiều điểm 10 để cuối tuần bố cho đến nhà bác ở xã Sông Cầu xem ti vi. “Cháu rất thích xem hoạt hình. Cháu cũng muốn nhà mình có ti vi nhưng bố cháu bảo nhà chưa có điện nên chưa mua được...”, Tuấn thật thà kể. Theo anh Nhân, gia đình anh trai của anh trước đây cũng ở thôn này nhưng vì không có điện, đời sống khó khăn nên đã xin một mảnh đất nhỏ của gia đình vợ ở xã Sông Cầu để làm nhà, đưa các con đến đó sinh sống.
Gia đình anh Trần Kim Nhân ăn cơm dưới ánh đèn dầu. |
Cách nhà anh Nhân khoảng 300m, gia đình anh Nguyễn Thái Hùng (40 tuổi) đã 29 năm nay phải sống trong cảnh đèn dầu. Khi chúng tôi đến, cả nhà anh cùng hàng xóm đang xem phim từ chiếc ti vi đen trắng chạy bằng bình ắc quy, hình ảnh chập chờn lúc được lúc không. Ở cái xóm không điện này, chiếc ti vi của nhà anh Hùng là phương tiện giải trí chung của cả mấy hộ gia đình. “Chiếc ti vi này được chị vợ tôi ở Diên Khánh cho 2 năm nay. Mỗi đêm, cả nhà chỉ dám mở khoảng 1 giờ đồng hồ từ 19 - 20 giờ để xem phim. Nhiều khi cũng muốn xem các chương trình tin tức, thời sự nhưng lại lo bình hết điện, không có tiền xạc”, anh Hùng tâm sự. Ngồi bên cạnh, vợ anh Hùng tiếp lời: “Ngày mới từ Diên Phú theo chồng lên đây, tôi tưởng như không thể trụ lại được vì nhà không có điện, không có nước... nhưng sống riết rồi cũng quen. Giờ đây, tôi chỉ mong có điện để con cái còn tiếp tục ở đây, chứ sống mãi như thế này chỉ có nước đi về quê”. Anh Hùng cho biết, trước đây bố mẹ và anh em của anh cũng ở vùng này nhưng vì cuộc sống quá thiếu thốn nên giờ đã bán hết nhà đất về lại quê ở Diên Khánh.
Cùng một giấc mơ
Chiếc ti vi đen trắng chạy bằng bình ắc quy là phương tiện giải trí duy nhất của nhà anh Hùng |
Thôn 6 xã Khánh Nam được hình thành khoảng 30 năm nay bởi những người từ Diên Khánh, Cam Ranh lên đây lập nghiệp, hiện có 53 hộ (trong đó 6 hộ nghèo và 13 hộ cận nghèo). Theo ông Nguyễn Hữu Nhơn - thôn trưởng, đời sống kinh tế của người dân trong thôn không thua kém những địa bàn khác trong xã, nhưng điện, nước, đường sá... thì quá tệ. Việc đường sá đi lại khó khăn, lại thêm thiếu điện khiến việc học tập của trẻ em trong thôn bị ảnh hưởng. “Tôi làm thôn trưởng đã 3 nhiệm kỳ, trong các cuộc họp của xã, những lần tiếp xúc cử tri, tôi đều kiến nghị địa phương sớm quan tâm kéo điện cho thôn 6 nhưng mọi việc vẫn bặt vô âm tín”, ông Nhơn nói.
Vì quá “khát điện”, những năm gần đây một số người dân trong thôn đã tự bỏ tiền kéo dây diện vượt sông Cái từ thị trấn Khánh Vĩnh sang. Mới nhất, có 4 hộ trong thôn đã bỏ ra khoảng 60 triệu đồng để kéo điện về dùng. “Bỏ một số tiền lớn để bắc điện, chúng tôi cũng xót lắm. Nhưng chúng tôi đã chờ điện từ hàng chục năm nay rồi, không lẽ phải chờ đến hết đời”, ông Trần Xẻ, một trong những hộ vừa bắc điện bày tỏ.
Những người có điều kiện để kéo điện như ông Xẻ không nhiều. Thế nên, ước mơ lớn nhất của người dân thôn 6 là sớm có điện để cuộc sống bớt khổ, trẻ em có điều kiện học hành. Cháu Nguyễn Thái Bảo (con trai anh Hùng, học sinh Trường Trung học Cơ sở thị trấn Khánh Vĩnh) đã cảm nhận được sự thua thiệt so với bạn bè cùng trang lứa: “Trong lớp chỉ có nhà em không có điện. Nhiều khi em muốn xem ti vi để mở mang kiến thức nhưng đành chịu”.
Đâu là nguyên nhân?
Điện vẫn là ước mơ lớn nhất của người dân thôn 6 xã Khánh Nam, Khánh Vĩnh. |
Mang theo giấc mơ có điện của người dân thôn 6 xã Khánh Nam, chúng tôi đã tìm gặp lãnh đạo địa phương và ngành Điện để mong có được một lời lý giải. Ông Trần Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nam cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cấp trên để kéo điện lưới quốc gia về thôn 6. Tuy nhiên, đến nay vẫn không có kết quả”. Theo ông Minh, việc ngành Điện không kéo điện về thôn 6 là do địa bàn thôn này rất rộng, dân cư thưa thớt, hiệu quả đầu tư thấp. Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Đức Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, huyện từng đề xuất ngành Điện xây dựng 1 trạm điện tại xã Khánh Trung để điều chỉnh lại hệ thống điện lưới của cả khu vực, đồng thời kéo điện đến thôn 6 xã Khánh Nam nhưng vì kinh phí lớn nên không thực hiện. Ngoài ra, huyện cũng từng đề nghị ngành Điện phủ điện phủ lõm cho thôn 6, tính đến phương án làm thủy điện nhỏ, hạ trạm biến áp từ đường dây truyền tải điện của Nhà máy Thủy điện Sông Giang 2 (đang được xây dựng) nhưng đến nay tất cả đều không khả thi.
Trong khi đó, ông Đặng Niên Thiếu - Trạm trưởng Trạm điện Khánh Vĩnh (Điện lực Diên Khánh - Khánh Vĩnh, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa) tỏ ra bất ngờ với thông tin trên. “Từ trước đến nay, chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ chính quyền địa phương về việc 53 hộ dân ở thôn 6 xã Khánh Nam chưa có điện sinh hoạt. Vì vậy, thôn này không có trong kế hoạch phủ điện vùng lõm, vùng trắng về điện mà Công ty triển khai trước đây. Những khu vực khác xa hơn, ít dân hơn ở xã Khánh Thành, Khánh Hiệp... ngành Điện vẫn đầu tư, không lý gì lại không phủ điện cho khu vực này”, ông Thiếu nói. Theo lãnh đạo Trạm điện Khánh Vĩnh, để người dân thôn 6 sớm có điện, UBND xã Khánh Nam sớm lập danh sách những hộ dân chưa có điện để ngành Điện có phương án khảo sát, cấp điện.
Vì sao đến nay thôn 6 xã Khánh Nam vẫn chưa được cấp điện, người dân ở đây không được biết. Họ chỉ biết họ đã chờ điện quá lâu rồi và vẫn đang tiếp tục phải chờ đợi.
X.T - B.L
Ông Trần Đăng Hiền - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa: “Khi thực hiện chương trình phủ điện vùng lõm ở địa bàn Khánh Vĩnh, địa phương không đưa thôn 6, xã Khánh Nam vào danh sách những khu vực cần phủ điện. Đây là lần đầu tiên chúng tôi nghe phản ánh vấn đề này. Nếu UBND huyện Khánh Vĩnh có kiến nghị, Công ty sẽ tiến hành khảo sát xem khu vực này có thể cấp điện được hay không, bởi còn phải tính đến các yếu tố kỹ thuật, nhu cầu sử dụng điện… Ngoài ra, Công ty còn phải cân đối, tìm kiếm nguồn vốn mới có thể lập dự án đầu tư”.