09:10, 17/10/2012

Cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền

Kết quả của Đề tài thí điểm thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở TP. Cam Ranh đã giúp việc xử lý rác dễ dàng và tiết kiệm kinh phí, góp phần bảo vệ môi trường.

Kết quả của Đề tài thí điểm thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở TP. Cam Ranh đã giúp việc xử lý rác dễ dàng và tiết kiệm kinh phí, góp phần bảo vệ môi trường (BVMT).

Hiệu quả về môi trường

Vừa qua, Đề tài thí điểm thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở TP. Cam Ranh do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu đạt loại khá. Được triển khai từ năm 2010, mục tiêu của Đề tài là triển khai thí điểm mô hình phân loại tại nguồn các loại rác hữu cơ và vô cơ nhằm nâng cao hiệu quả xử lý rác, làm cơ sở khoa học cho việc triển khai phân loại rác ở các xã, phường của TP. Cam Ranh và tỉnh. Nhóm thực hiện đề tài đã triển khai thí điểm 2 mô hình phân loại rác tại phường Cam Lộc và xã Cam Thịnh Đông với tổng số hộ dân của 2 địa bàn hơn 3.830 hộ. Thạc sĩ Lê Thị Thu Hồng - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT, Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Trước khi tiến hành thí điểm, chúng tôi đã điều tra, phỏng vấn người dân để đánh giá hiện trạng công tác thu gom và phân loại rác tại nguồn ở địa phương nghiên cứu nhằm xây dựng kế hoạch triển khai phân loại rác phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Kết quả điều tra cho thấy, lượng rác thải trung bình của mỗi hộ gia đình khoảng từ 0,5 đến 1kg/ngày, trong đó một số hộ dân ở phường Cam Lộc có lượng rác thải hơn 1kg/ngày. Chúng tôi đã tổ chức tập huấn về cách phân loại rác vô cơ, hữu cơ và phát túi nilon, thùng rác cho người dân”.

Sau 2 năm thực hiện, đề tài đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo báo cáo gửi Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh, lượng rác khó phân hủy ở phường Cam Lộc đã giảm xuống còn 20% tổng khối lượng rác thu gom (trước khi triển khai là 30%); 90% hộ dân bỏ rác vào các túi, thùng đựng rác đúng như hướng dẫn. Ở xã Cam Thịnh Đông, rác thải được người dân phân loại đúng quy định và được tổ dịch vụ môi trường thu gom hàng ngày. Hơn 500 thùng rác bằng nhựa composite do nhóm nghiên cứu đề tài phát cho người dân Cam Thịnh Đông được sử dụng hiệu quả. Bà Lê Thị Mỹ Châu - tổ dân phố Lộc Trường, phường Cam Lộc chia sẻ: “Trước đây, tôi thường bỏ chung các loại rác thải sinh hoạt với nhau. Tuy nhiên, sau khi được UBND phường, cán bộ khoa học hướng dẫn cách phân loại rác và phát túi nilon, thùng đựng rác, tôi đã phân loại rác thải. Khi đưa rác ra thùng công cộng, tôi cũng bỏ theo từng loại rác...”.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Phân loại rác tại nguồn không chỉ giúp cho việc xử lý rác dễ dàng, tiết kiệm kinh phí, công sức cho nhân viên vệ sinh môi trường mà còn giảm lượng rác thải, góp phần BVMT. Khi thực hiện phân loại, người dân có thể tận dụng một số rác thải có khả năng tái sử dụng như: giấy loại, bao bì carton, bao bì bằng nhựa PE, lon nhôm... Tuy nhiên, trên thực tế, khi đề tài kết thúc, mô hình phân loại rác thải tại nguồn hoạt động kém hiệu quả. Hiện nay, chỉ còn một số hộ dân ở phường Cam Lộc thực hiện việc phân loại rác; còn ở xã Cam Thịnh Đông, phần lớn người dân đã quay về thói quen bỏ chung rác như trước đây. Lý giải điều này, một số hộ dân ở xã Cam Thịnh Đông cho rằng, việc phải sử dụng 2 túi nilon, 2 thùng đựng rác gây tốn kém. Hơn thế, đối với xã ngoại thành như Cam Thịnh Đông, người dân có thể vứt rác dễ phân hủy ở sân vườn, gốc cây... Bà Lê Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ TP. Cam Ranh cho biết: “Đề tài phân loại rác thải tại nguồn mang lại hiệu quả và lợi ích lâu dài trong việc BVMT. Để người dân thực sự ý thức được lợi ích đó, chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó cần nêu cao vai trò của Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước về kinh phí mua túi nilon, thùng đựng rác... cũng sẽ góp phần nhân rộng mô hình này. Tuy nhiên, mô hình phân loại rác tại nguồn cũng cần nghiên cứu đối tượng áp dụng cho phù hợp như: các phường nội thị, địa điểm công cộng...”.

Lợi ích thiết thực của Đề tài đối với đời sống người dân TP. Cam Ranh và vấn đề BVMT là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để kết quả đề tài đi vào cuộc sống, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đồng thời phối hợp với Công ty Môi trường đô thị để việc phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt được hiệu quả hơn.

MAI HOÀNG