Hàng loạt công trình cấp nước sinh hoạt được xây dựng trong giai đoạn 1994 - 2007 đã không phát huy tác dụng, nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp và thậm chí bị... lãng quên. Đây là thực trạng đang diễn ra trên địa bàn tỉnh.
Hàng loạt công trình cấp nước sinh hoạt (NSH) được xây dựng trong giai đoạn 1994 - 2007 đã không phát huy tác dụng, nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp và thậm chí bị... lãng quên. Đây là thực trạng đang diễn ra trên địa bàn tỉnh.
Vừa sử dụng đã thành phế tích
Công trình nước tại thôn 5 Ninh Sơn bị lãng quên, trở thành phế tích. |
Ngày mới khởi công hệ thống cung cấp nước tập trung Ninh Sơn, đặt tại thôn 5, xã Ninh Sơn (Ninh Hòa, Khánh Hòa) có số vốn xấp xỉ 1 tỷ đồng, ai cũng hy vọng hệ thống cung cấp nước này sẽ góp phần giảm tải cho trạm bơm thôn 4 đang “héo hon” vì chất lượng nước quá kém. Thế nhưng không ngờ, chỉ sau vài ngày hoạt động, công trình này đã trở thành... phế tích. Khó khăn lắm chúng tôi mới đến được nơi phế tích “yên nghỉ” trên đỉnh ngọn đồi ven bờ kênh chính Đông (hệ thống thủy lợi Đá Bàn), bởi cây cối, dây leo, gai góc đã bủa vây chằng chịt, chẳng còn lối đi. Công trình nằm đó với một hệ thống bể lắng, lọc đồ sộ, kiên cố, mỗi cái đều có dung tích 40m3, nhưng đã lặng lẽ “yên nghỉ” từ lâu.
Nơi đặt máy bơm tại công trình nước ở thôn Quảng Phúc (Cam Thành Nam) chỉ còn lại mấy ống nhựa cắm sâu. |
Không chỉ những công trình cấp nước tập trung có giá trị đầu tư cả tỷ đồng bị quên lãng, mà ngay cả những hệ thống cấp nước nối mạng nhỏ cũng chung số phận. Cách đây khoảng 10 năm, xã Cam Thành Nam (Cam Ranh, Khánh Hòa) được Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (gọi tắt là Trung tâm) đầu tư 3 công trình nước tự chảy tại 3 thôn: Quảng Hòa, Quảng Phúc và Hòa Do 7, nhưng chỉ có hệ thống tại thôn Quảng Hòa là còn hoạt động, lại rất ì ạch. Ông Trần Ngọc Khánh, thôn trưởng thôn Hòa Do 7, dẫn chúng tôi ra công trình nay chẳng còn gì ngoài chiếc khung gạch bảo vệ chiếc mô tơ bị sứt mẻ. “Ngày vận động người dân ra đào đường, lắp đặt đường ống, kéo nước về nhà ai nấy đều phấn khởi, nhưng chẳng được mấy ngày, cả hai nơi khoan xuống đều trắc trở, nơi thì gặp đá bàn không có nước, nơi có nước lại nhiễm phèn. Nước không xử lý được, cuối cùng hệ thống cũng bỏ luôn...” - ông Khánh nói. Công trình NSH tại thôn Quảng Phúc cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng. Ngoài tàn tích là mấy chiếc ống nhựa cắm sâu được chủ nhà tận dụng lại, chiếc bồn đặt trên khung sắt cao bị hoen gỉ có thể đổ sập bất cứ lúc nào. “Công trình thiết kế cho 40 hộ sử dụng, khi đăng ký được 14 hộ thì bắt đầu khởi công. Nhưng khi bơm nước chỉ được 3 ngày là “đứt nước”. Chúng tôi đã báo cho cán bộ Trung tâm đến được 1 lần rồi thôi, để lại như thế này đây...” - ông Đào Văn Trung, thôn trưởng thôn Quảng Phúc, bức xúc.
Công trình nước tại thôn Hòa Do 7 (Cam Thành Nam) chỉ còn lại dấu vết của khung gạch |
Ở thôn 3 (Diên Đồng, Diên Khánh, Khánh Hòa), khi chúng tôi đến, chị Võ Thị Hương mở hết vòi nước nhưng chẳng có giọt nào chảy ra. Chị giải thích bể có nước là nhờ hứng nước mưa mấy ngày qua. “Không có nước cực lắm, trời nắng phải ra sông gánh nước xa 2km, nhưng bây giờ nước sông dơ lắm, do mấy trại heo đầu nguồn xả xuống; mua nước lọc thì đắt (12 ngàn đồng/bình) nên cả nhà tôi chỉ dám uống dè xẻn. Còn hệ thống nước tự chảy thì đã lâu không có nước...”, chị Hương than.
Anh Sửu lo lắng cho dàn sắt nâng bể nước bị gỉ sét có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. |
Hàng loạt công trình khác cũng không thể phát huy tác dụng sau thời gian ngắn hoạt động. Có công trình bỏ dở giữa chừng vì khoan không có nước, hoặc có nước nhưng hỏng mạch; có công trình bị xì phèn, nhiễm mặn nhưng không có hệ thống xử lý nên chẳng ai quan tâm; có công trình do thiếu kinh phí sửa chữa nên bỏ hoang; có hệ thống nước tập trung đầu tư tiền tỷ rồi bị bỏ rơi do lỗi kỹ thuật, tính toán hoặc quản lý kém.
Trạm bơm thôn 4 vẫn chưa thể hoàn thành sứ mệnh. |
Nỗi lòng người quản lý
Công trình NSH bị hư hỏng, không sử dụng được, bị lãng quên đã đành, nhưng có nhiều công trình vẫn đang sử dụng được nhưng bị xuống cấp, để lại bao nỗi lo. Ông Nguyễn Đức Hổ, người trực tiếp quản lý hệ thống NSH tại xã Ninh Sơn bày tỏ: “Trạm bơm thôn 4 cung cấp NSH cho 250 hộ, do xây dựng quá lâu nên nước không bảo đảm, chất lượng kém. Khi có công trình tại thôn 5, ai cũng mong ngày có nước sạch. Bàn giao xong, tôi bơm 3 ngày nước mới đầy bể, tiền điện tốn hết 3,7 triệu đồng. Thế là vứt, bao nhiêu hao hụt người nhận thầu như tôi phải chịu. Đã vậy, tôi còn phải bỏ tiền ra mua máy bơm đến 3 lần vì máy thường xuyên bị mất cắp, tổng cộng tôi chi 28 triệu đồng nhưng xã chỉ hỗ trợ 10 triệu đồng...”, ông Hổ than.
Chị Hương (thôn 3, Diên Đồng) mở hết vòi nhưng không có nước chảy ra |
Tuy đến giờ, hệ thống nước nối mạng thôn Quảng Hòa (Cam Thành Nam, Cam Ranh) vẫn còn hoạt động nhưng người được giao quản lý - anh Bùi Đức Sửu - vẫn chưa hết ngán ngẩm: “Hệ thống vẫn còn hoạt động nhưng nước nhiễm mặn nên ít người dùng, nay chỉ còn 2 - 3 hộ. Hàng ngày, tôi có trách nhiệm bơm nước, cuối tháng thu tiền nhưng khi hệ thống hư, gọi cán bộ Trung tâm không được”. Anh Sửu lo lắng vì dàn sắt giữ bể nước lâu ngày sét gỉ có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào và anh cũng không biết làm thế nào để thanh lý.
Tương tự, ông Võ Văn Thọ (thôn 3, Diên Đồng) đứng ra cáng đáng công trình nước của thôn. Năm 2003, thôn được đầu tư 2 hệ thống nối mạng cung cấp nước cho 60 hộ nhưng hiện chỉ còn 40 hộ tạm dùng. Do tải xa, nước sâu, máy bơm cũ nên tiền điện hao hụt ngày càng lớn. Hiện chỉ có xóm 1 và 2 có nước, xóm 4 ở xa không có nước. Mỗi tháng ông Thọ phải “gánh” tiền điện hao hụt vài trăm ngàn đồng, một năm nay người thôn trưởng này phải bỏ ra tiền triệu để thanh toán khoản điện... vượt trần.
Giải pháp?
Hàng chục tỷ đồng bỏ hoang như vậy nhưng mỗi khi hỏi việc này có lãng phí hay không thì không ai chịu thừa nhận. Mọi người đều cho đó là do nguyên nhân khách quan. “Cam Thành Nam được đầu tư 3 hệ thống thì nay còn một hệ thống NSH vẫn đang hoạt động. Nguyên nhân bỏ hoang là do hỏng mạch, đứt nước. Lúc đầu, UBND xã bỏ tiền ra sửa mô tơ nhưng sau không thể sử dụng được nữa nên bỏ luôn”, ông Trần Đức Thánh - Chủ tịch UBND xã Cam Thành Nam cho biết. Lý giải vì sao hệ thống cung cấp nước tập trung Ninh Sơn (Ninh Hòa) trở thành phế tích, ông Đặng Văn Ba - Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã cho rằng, trạm bơm không cung cấp đủ nước là do điện áp không bảo đảm, phải lắp đặt hệ thống điện 3 pha mới đủ công suất đẩy nước lên đồi cao. Tuy nhiên, do không có kinh phí nên xã không thể kéo điện mà chờ đấu nối điện của hệ thống thủy lợi Đá Bàn đang đầu tư. Tiếp đó, thị xã sẽ triển khai dự án cung cấp nước sạch cho 7 xã, phường trong đó có Ninh Sơn nên việc đầu tư này không còn ý nghĩa...
Lý giải cho hiện tượng lãng phí tiền của, vật chất của các hệ thống NSH, ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho rằng, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan là do các công trình chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm, nhất là hệ thống nối mạng nhỏ, sau một thời gian nước bị nhiễm phèn, mặn nên không thể hoạt động; các công trình đầu tư đã lâu nên khi mở mang cơ sở hạ tầng như giao thông, nhà ở đã làm ảnh hưởng đến hoạt động của đường ống. Về chủ quan, do ảnh hưởng của thời tiết, địa tầng, việc xây dựng hạ tầng đã tác động xấu đến công trình; việc phân cấp quản lý, khai thác còn nhiều bất cập... Ông Hùng cũng không thừa nhận là có sự lãng phí trong đầu tư các công trình cấp nước sạch.
Theo ông Hùng, về nguyên tắc sau khi bàn giao người quản lý phải có trách nhiệm quản lý, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng công trình; trường hợp không sử dụng được nữa, cần thanh lý thì trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết. Để quản lý, vận hành có hiệu quả, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng nước, cần chuyển đổi mô hình quản lý phù hợp, mang tính chuyên nghiệp, đủ năng lực quản lý vận hành...
H.A
Từ năm 1994 - 2007, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã đầu tư 53 hệ thống nước tập trung, tổng kinh phí hơn 41 tỉ đồng, bình quân gần 0,8 tỉ đồng/công trình; 207 hệ thống nối mạng nhỏ, tổng kinh phí gần 9 tỉ đồng, bình quân 42 triệu đồng/công trình. Đến nay, chỉ còn 38 hệ thống nước tập trung và 113 hệ thống nối mạng nhỏ còn hoạt động.
Ông Đào Công Thiên - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thời gian trước, việc khảo sát, thiết kế công trình nước sạch chưa bảo đảm yêu cầu, chỉ phục vụ cho vùng thiếu nước là chính, gây lãng phí. Bây giờ, chúng tôi yêu cầu xây dựng công trình nước theo hướng “pháo đài” (công trình nước sạch theo chuẩn y tế), nhưng do kinh phí đầu tư quá lớn nên đến nay các công trình nước sạch theo chuẩn y tế mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.