Những ngày này, trên địa bàn toàn tỉnh Khánh Hòa có mưa liên tục, hiện tượng triều cường, nước sông dâng cao, báo hiệu một mùa mưa bão mới. Đây cũng chính là thời điểm các khu dân cư ven biển từng ngày thấp thỏm lo âu…
Những ngày này, trên địa bàn toàn tỉnh Khánh Hòa có mưa liên tục, hiện tượng triều cường, nước sông dâng cao, báo hiệu một mùa mưa bão mới. Đây cũng chính là thời điểm các khu dân cư ven biển từng ngày thấp thỏm lo âu…
Sóng dữ “nuốt đất”
Năm nào cũng vậy, cứ bước vào mùa mưa bão là những khu dân cư ven biển trên địa bàn tỉnh lại đứng trước nguy cơ nhà bị tốc mái, hoặc sóng biến đánh sập. Ở TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh hay các huyện Ninh Hòa, Vạn Ninh, địa phương nào cũng có các khu dân cư ven biển đang đứng trước hiểm họa thiên tai. Trong số đó, cấp thiết nhất có lẽ là trường hợp của 198 hộ dân ở phía Đông đường Lê Hồng Phong và Trần Hưng Đạo thuộc thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh. Đã nhiều năm nay, người dân nơi đây nơm nớp lo âu mỗi khi mùa mưa bão tới. Ông Đỗ Ngọc Hiệp - cán bộ phụ trách xây dựng của UBND thị trấn lo lắng: “Mấy năm gần đây, nước biển liên tục xâm thực vào khu vực này. Qua mỗi đợt mưa bão, mặt nước biển lại lấn sâu vào đất liền cả mét. Năm nào cũng có ít nhất vài căn nhà bị sập. Năm ngoái, tình hình mưa bão không phức tạp nhưng vẫn có 3 - 4 căn nhà tốc mái, 1 căn bị sập”. Bà Phạm Thị Chút (trú tổ 2, thị trấn Vạn Giã) ái ngại: “Mỗi khi mùa mưa bão đến, cả gia đình chúng tôi đứng ngồi không yên. Hễ biển có sóng lớn là hàng mét đất bị cuốn trôi, nhà cửa luôn trong nguy cơ bị đánh sập. Không biết mùa mưa bão năm nay, căn nhà này có thể trụ lại được không”.
Những căn nhà chồ tại phường Vĩnh Nguyên đang đối mặt với nguy hiểm trong mùa mưa bão. |
Để đối phó với tình trạng sập nhà, lở đất, nhiều gia đình phải tự bỏ tiền ra để xây bờ kè, làm bao cát be chắn dọc bờ biển. Tuy nhiên, những bờ kè tạm bợ chỉ trụ được vài năm lại bị sóng dữ cuốn phăng. Đã có hơn 10 hộ bỏ nhà đi thuê nhà ở nơi khác. Ông Nguyễn Công Bằng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vạn Giã cho biết: “Khu vực dân cư ven biển ở thị trấn Vạn Giã sóng biển đang xâm thực nghiêm trọng. Mỗi mùa mưa bão lại xảy ra tình trạng sập nhà, sạt lở bờ kè. Hàng năm, địa phương tốn khá nhiều kinh phí để phục vụ công tác di dời khi có bão, lũ tràn về. Hiện UBND huyện đang kiến nghị UBND tỉnh sớm di dời khu dân cư này trong 2 năm 2013 và 2014”.
Triều cường cuốn nhà
Cũng lâm vào tình trạng tương tự là khu nhà chồ của 74 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu thuộc phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang. Khu dân cư ven biển này tồn tại đã hơn 50 năm với những căn nhà làm theo kiểu nhà sàn, đóng cột gỗ xuống bờ cát ven biển. Cách đây 10 năm, khu nhà chồ cách khá xa mép nước, song do quá trình xâm thực liên tục của biển nên đến nay nước biển đã tràn đến khu vực nền của nhà chồ. Chị Trần Thị Hồng Nhung (một người dân sống ở đây) cho biết: “Cứ vào mùa mưa bão là biển động rất mạnh. Căn nhà của gia đình tôi đã nhiều lần bị sóng biển đánh sập. Mỗi lần có bão là cả gia đình lại phải dọn lên UBND phường tá túc. Chúng tôi dùng bao cát xếp xung quanh cột chống, nhưng nếu sóng lớn vẫn không giữ được nhà”.
Đối phó với triều cường, sóng lớn và bão lũ, đã nhiều năm nay lực lượng tại chỗ của phường Vĩnh Nguyên luôn phải sẵn sàng để sơ tán dân và gia cố các nhà chồ. Tuy nhiên, do nhà quá tạm bợ lại ở sát mép nước nên không tránh được thiệt hại. Trận bão năm 1993, gần 50 căn nhà chồ nơi đây đã bị cuốn trôi xuống biển. Mùa mưa lũ năm 2009, gần 30 căn nhà chồ đổ sập hoàn toàn. Đến mùa mưa bão năm 2010, dù đã được chuẩn bị ứng phó, sóng biển vẫn đánh bay 6 căn nhà. Ông Dương Quốc Việt - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên cho biết: “Mỗi lần có đợt triều cường hay mưa bão đều có lực lượng cưỡng chế di dời các hộ dân bị ảnh hưởng sóng, bão. Hàng năm, UBND phường đều động viên người dân và kiến nghị lên UBND thành phố sớm di dời các hộ dân ở đây đi nơi khác, đồng thời thực hiện dự án xây dựng bờ kè”.
Người dân ven biển ở thị trấn Vạn Giã tự bỏ tiền để xây bờ kè chống sạt lở. |
Để đảm bảo cho tính mạng người dân ở khu vực ven biển, Nhà nước cần có những phương án di dời và thực hiện các dự án kè chắn sóng.
ĐÌNH LÂM