Trong quá trình bóc tách đất rừng, các địa phương đều không đạt mục tiêu chung là giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất, mà chỉ giải tỏa khó khăn cho các nông - lâm trường trong công tác bảo vệ rừng.
Kỳ 2: Bóc tách đất để chủ rừng dễ quản lý
Trong quá trình bóc tách đất rừng, các địa phương đều không đạt mục tiêu chung là giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nghèo thiếu đất sản xuất, mà chỉ giải tỏa khó khăn cho các nông - lâm trường trong công tác bảo vệ rừng.
Người thiếu đất có được thực nhận?
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước khi có Quyết định 146, Sở đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định bóc tách hơn 3.397ha đất rừng; sau khi có Quyết định 146 đã thực hiện bóc tách hơn 5.106ha. Như vậy, tổng diện tích mà các địa phương, đơn vị chủ rừng thực hiện bóc tách (đến cuối 2008) đã lên đến 8.503ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các địa phương cũng không thống kê được có bao nhiêu đất bóc tách với tính chất hợp thức hóa cho người dân đã xâm canh, đất không có khả năng sản xuất, đất tư nhân khai thác sử dụng, đất cán bộ, công nhân lâm trường đang sở hữu...
Năm 2012, trên cơ sở rà soát lại quy hoạch 3 loại rừng, ngành Nông nghiệp dự kiến tiếp tục bóc tách hơn 1.353ha để giao cho ĐBDTTS nghèo ở huyện Khánh Vĩnh có đất sản xuất. Trong đó, Công ty Lâm sản Khánh Hòa bóc tách 1.068ha giao cho các xã: Khánh Phú, Khánh Thành, Cầu Bà, Giang Ly và Khánh Thượng; Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương bóc tách hơn 285ha giao cho các xã: Khánh Bình, Khánh Trung, Khánh Hiệp và Khánh Nam. Nếu tính tổng 2 đợt, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đã bóc tách hơn 5.317ha. Tuy nhiên, liệu có bao nhiêu hộ nghèo thiếu đất được nhận đất sạch đợt này, không phải nhận chính diện tích người dân đang sở hữu? Bởi giai đoạn 2006 - 2010, trong gần 800 hộ thuộc địa bàn huyện Khánh Vĩnh, có 193 hộ nghèo thiếu đất sản xuất, nhưng chỉ có 9 hộ được chia đất; số còn lại là hợp thức hóa diện tích đất đã canh tác trước đó. Ngoài ra, việc tranh chấp 200ha đất của 56 hộ dân ở xã Khánh Hiệp với cán bộ, công nhân Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Chính vì thế, việc sản xuất của rất nhiều hộ dân ở khu vực này đang gặp khó khăn.
Do thiếu đất sản xuất, nhiều năm qua, tình trạng phá rừng ở Khánh Sơn diễn biến phức tạp |
Những bất cập
Diện tích đất giao cho các chủ rừng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trên tài liệu, sổ sách được lập từ lâu. Do đó, ranh giới được giao và hiện trạng thực tế có nhiều khác biệt. Mặt khác, diện tích đất của các đơn vị này chủ yếu quản lý trên bản đồ là chính, chưa được đo đạc, đóng cột mốc ngoài thực địa. Vì vậy, tình trạng xen kẽ đất của người dân canh tác từ trước tới nay nằm trong diện tích đất các lâm trường quản lý vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát lại quỹ đất và tình hình sử dụng đất ở từng địa phương lại phát hiện việc quy hoạch, đo đạc và cấp GCNQSDĐ chưa gắn kết với mục tiêu đề ra theo Quyết định 146.
Mới đây, đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát việc bóc tách đất rừng tại 3 địa phương: Ninh Hòa, Khánh Vĩnh và Khánh Sơn. Qua giám sát, đoàn kết luận, chính quyền từ huyện đến xã chưa phân định rõ trách nhiệm rà soát hộ nghèo thực sự thiếu đất sản xuất. Do đó, việc tổng hợp, thống kê các đối tượng hộ nghèo chưa cụ thể, dẫn đến việc giao đất không đúng quy trình, ngược với tiêu chí đặt ra. Mặt khác, trong quá trình thực hiện, các địa phương đều không đạt mục tiêu chung là giao đất cho ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất, mà chỉ giải tỏa khó khăn cho các nông - lâm trường trong công tác bảo vệ rừng. Việc bóc tách đất của các lâm trường chưa tuân thủ đầy đủ Quy định 146 về tăng giảm tài sản khi Nhà nước thu hồi đất. Cụ thể, một số lâm trường chưa lập thống kê hiện trạng tài sản trên đất, định giá tài sản trên đất, kinh phí bồi thường... Các lâm trường giao đất cho UBND huyện quản lý chủ yếu trên giấy tờ, không sát thực tế đã dẫn đến tình trạng tranh chấp đất giữa người dân và các lâm trường xảy ra phổ biến. Đến thời điểm này, tuy đã được giao đất sản xuất ổn định nhiều năm, nhưng người dân chưa được cấp GCNQSDĐ...
Ông Nguyễn Lạc - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng: Để công tác bóc tách đất rừng thời gian tới phát huy hiệu quả, các địa phương cần tiến hành rà soát, kê khai đầy đủ đối tượng nghèo thiếu đất sản xuất. Trên cơ sở đó, có phương án cụ thể để cấp đất cho các đối tượng theo từng cụm dân cư. Ngoài ra, các địa phương tiếp tục rà soát và dừng ngay việc giao đất, cấp GCNQSDĐ đối với những trường hợp không thuộc đối tượng theo tiêu chí của Quyết định 146. Chính quyền địa phương cùng các ngành liên quan cần định hướng cho ĐBDTTS sản xuất ổn định lâu dài trên diện tích đất được cấp, tránh tình trạng cấp quá hạn mức, lợi dụng việc cấp đất để mua bán, sang nhượng bất hợp pháp, gây khó khăn cho chính quyền trong công tác quản lý sử dụng đất. Bởi khi hết đất sản xuất, người dân sẽ tiếp tục lấn chiếm đất của các lâm trường để làm nương rẫy, gây ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, ảnh hưởng trực tiếp tới công tác xóa đói, giảm nghèo.
ANH TUẤN