06:10, 01/10/2012

Ngổn ngang trăm mối

Thực hiện Quyết định 146 của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng tỉnh tiến hành bóc tách đất rừng của các nông - lâm trường giao cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất.

Kỳ 1: Hợp thức hóa đất cho dân

Thực hiện Quyết định 146 của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng tỉnh tiến hành bóc tách đất rừng của các nông - lâm trường giao cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nghèo thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết diện tích đất được bóc tách chỉ là hợp thức hóa phần đất người dân đã xâm canh trước đó, còn các hộ thiếu đất vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Đất thực giao không nhiều

Giai đoạn 2006 - 2008, toàn tỉnh đã thực hiện bóc tách hơn 5.106ha, giải quyết đất sản xuất cho 1.743 hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất thuộc các địa phương: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và Ninh Hòa. Trong đó, huyện Khánh Sơn bóc tách được hơn 2.342ha, giao cho 826 hộ; Khánh Vĩnh gần 3.964,7ha, giao cho 800 hộ; Ninh Hòa 104,7ha, giao cho 108 hộ. Tuy nhiên, theo thống kê của Ban Dân tộc, cuối năm 2008 (thời điểm kết thúc đợt bóc tách), toàn tỉnh có 652 hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất, tổng diện tích đất sản xuất thiếu khoảng 376ha, thế nhưng chỉ có 255 hộ được giao đất với 104ha, số còn lại vẫn chưa được giải quyết. Sau khi kết thúc đợt bóc tách, do mục tiêu đề ra không đạt, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ rừng tiếp tục thực hiện việc bóc tách để giao đất cho các hộ nghèo. Thế nhưng, từ năm 2008 đến 2010, số hộ nghèo thiếu đất sản xuất vẫn chưa được giải quyết, thậm chí các địa phương, đơn vị chủ rừng phớt lờ chủ trương này.

Thực tế tại thời điểm này, huyện Khánh Sơn có 370 hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất, nhưng chỉ có khoảng 150 hộ được nhận đất, còn lại chủ yếu là hợp thức hóa quyền sử dụng đất. Khi tiến hành bóc tách, Ban quản lý Rừng phòng hộ không kiểm tra thực tế, chỉ dựa trên bản đồ để giao cho huyện nên nhiều diện tích bóc tách đất không hợp lý. Đơn cử như xã Ba Cụm Nam, diện tích đất bóc tách lên đến 1.383ha, trong khi nhu cầu của người dân chỉ cần khoảng 400ha. Mặt khác, các địa phương như: Sơn Bình, Sơn Hiệp đang thiếu đất trầm trọng lại không thực hiện việc bóc tách... Đối với huyện Khánh Vĩnh, diện tích đất được bóc tách gần 3.964,7ha; trong đó, UBND tỉnh mới có quyết định thu hồi khoảng 2.658,8ha đất giao cho 800 hộ dân sản xuất. Trong khi đó, diện tích đất của 2 công ty lâm sản trên địa bàn thực hiện bóc tách giao cho địa phương quản lý chủ yếu là đất đã có chủ sử dụng lâu năm, đang canh tác ổn định; còn 700ha đất giao cho các xã: Liên Sang, Khánh Thượng người dân không nhận vì xa khu dân cư, đất không sản xuất được. Vì vậy, diện tích này đang bỏ hoang. Trong khi đó, đồng bào nghèo thiếu đất sản xuất ở các xã: Khánh Hiệp, Khánh Bình, Khánh Trung, Khánh Đông không được giao đất. Theo đánh giá của địa phương, phương án giao đất cho các hộ đồng bào nghèo thực sự thiếu đất đến nay chưa được giải quyết.

 Do thiếu đất sản xuất, người dân xã Ninh Tây (Ninh Hòa) phá rừng căm xe lấy đất trồng mía
  Do thiếu đất sản xuất, người dân xã Ninh Tây (Ninh Hòa, Khánh Hòa) phá rừng căm xe lấy đất trồng mía

Không có đất để bóc tách?

Ban đầu, kế hoạch của thị xã Ninh Hòa thực hiện bóc tách khoảng 180ha đất thuộc lâm phần Ban quản lý Rừng phòng hộ Ninh Hòa để giao cho 80 hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất. Thế nhưng, từ năm 2006 đến nay, địa phương, đơn vị chủ rừng không thực hiện việc bóc tách đất cho dân. Thực tế, 104,7ha giao cho 108 hộ trên địa bàn Ninh Hòa là quỹ đất được địa phương nhận bàn giao từ Công ty Cổ phần Bò giống miền Trung. Hiện nay, số hộ nghèo thiếu đất ở Ninh Hòa tập trung chủ yếu ở 3 xã: Ninh Tây, Ninh Sơn, Ninh Thượng. Do không được cấp đất sản xuất, tình trạng phá rừng chiếm đất trên các địa bàn này đang diễn ra khá phức tạp, đặc biệt là khu vực xã Ninh Tây. Theo báo cáo của Ban quản lý Rừng phòng hộ, từ năm 2003 đến nay, đơn vị đã tiến hành bóc tách hơn 3.403ha giao lại cho các địa phương quản lý. Tuy nhiên, đối với các xã có ĐBDTTS thiếu đất sản xuất, hiện trạng đất tại đây đã hết đất bằng, không có khả năng sản xuất nông nghiệp... để giải quyết cho hộ nghèo theo tinh thần Quyết định 146.

Theo quy hoạch 3 loại rừng, toàn tỉnh hiện có 284.459,4ha đất lâm nghiệp. Trong đó, rừng đặc dụng 19.094,14ha; rừng phòng hộ 134.520,58ha; rừng sản xuất gần 130.844,7ha. Đến cuối năm 2011, tổng diện tích đất rừng được UBND tỉnh giao cho các đơn vị chủ rừng Nhà nước quản lý gần 189.670ha. Trong đó, Công ty Lâm sản Khánh Hòa và Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương được giao quản lý 86.556,12ha; các ban quản lý rừng phòng hộ được giao gần 100.114ha. Thời gian qua, do công tác quản lý lỏng lẻo, diện tích đất tại hầu hết các đơn vị chủ rừng đều bị lấn chiếm mà không xác định được diện tích bị lấn chiếm, xâm canh là bao nhiêu. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ và phát triển rừng tại các đơn vị chủ rừng còn nhiều bất cập, diện tích rừng bị phá hoại hàng năm rất lớn. Mặt khác, tình trạng tranh chấp đất giữa các đơn vị chủ rừng với các hộ dân vẫn thường xuyên xảy, chưa được giải quyết triệt để nên việc quản lý đất rừng ở các địa bàn gặp rất nhiều khó khăn...

Sau nhiều năm triển khai, đến thời điểm này, tình trạng ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất tại các địa phương vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân được xác định là việc bóc tách đất rừng không hợp lý, không đúng đối tượng, thậm chí các nông - lâm trường không muốn giao đất. Những bất cập này bắt nguồn từ phía chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và các đơn vị chủ rừng.

ANH TUẤN

Kỳ 2: Bóc tách đất để chủ rừng dễ quản lý

.