10:10, 29/10/2012

Đang dần thu hẹp khoảng cách

Những năm gần đây, các định kiến, phân biệt, đối xử bất bình đẳng giới giữa nam và nữ trong lao động, việc làm đang dần được thu hẹp về khoảng cách.

Những năm gần đây, các định kiến, phân biệt, đối xử bất bình đẳng giới giữa nam và nữ trong lao động, việc làm đang dần được thu hẹp về khoảng cách.

Những hoạt động thiết thực

Chị Nguyễn Thị Nhung - công nhân Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa cho biết, từ ngày được vào làm việc tại Công ty, mọi chế độ, chính sách, quyền lợi giữa lao động nữ và nam đều được đơn vị thực hiện khá đầy đủ. Tùy theo vị trí làm việc, người lao động được hưởng các chính sách ngang bằng nhau. Không những thế, đối với lao động nữ còn được Công ty quan tâm tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa gắn với những ngày lễ như: sinh nhật, ngày Quốc tế Phụ nữ (PN) 8-3, ngày PN Việt Nam 20-10... Từ những hoạt động đó, tôi thấy khoảng cách phân biệt về giới trong lao động, việc làm, đang dần được thu hẹp”. 

Cùng với các cấp, ngành, doanh nghiệp (DN) thực hiện bình đẳng giới trong lao động, việc làm, những năm qua, Hội Liên hiệp PN tỉnh đã tích cực tạo điều kiện giúp đỡ hội viên PN vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Hội đã liên kết với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân hơn 679,9 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh giải ngân hơn 84,6 tỷ đồng để giúp 55.239 hộ vay vốn phát triển sản xuất. Đồng thời, các cấp Hội còn phát động phong trào “PN giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”. Qua đó đã vận động 402 chị giúp cho 164 PN nghèo với số tiền hơn 545 triệu đồng đầu tư phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, các cấp Hội PN còn mở 113 lớp bồi dưỡng, tập huấn, nói chuyện chuyên đề hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm rơm, nuôi tôm, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho 5.540 PN; mở 26 lớp nữ công gia chánh, thêu, làm tóc cho 1.173 PN. Đặc biệt, các cấp Hội phối hợp với nhiều DN trên địa bàn tỉnh giới thiệu việc làm cho 10.596 PN với mức thu nhập bình quân từ 1 đến 2,5 triệu đồng/tháng.

 Cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới trong lao động, việc làm.
  Cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới trong lao động, việc làm.

Thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và những dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm giai đoạn 2011 - 2015, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã góp phần giúp đỡ, tạo điều kiện cho PN được vay vốn, phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình và tăng cường sự tham gia của PN vào các hoạt động kinh tế - xã hội; đồng thời lồng ghép thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 nhằm bảo đảm hộ nghèo chủ hộ là nữ, nữ người dân tộc thiểu số được thụ hưởng đầy đủ các chính sách giảm nghèo phù hợp. Bên cạnh đó, lồng ghép giới trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ phù hợp với trình độ và năng lực gắn với nhu cầu thực tiễn...

Bà Trịnh Thị Hợp, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Những năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương và DN trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách cho lao động nam và nữ. Bên cạnh đó, xây dựng môi trường làm việc đảm bảo an toàn, vệ sinh; đảm bảo nam và nữ được bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng nơi làm việc. Nhờ đó, khoảng cách về bất bình đẳng giới giữa nam và nữ đang được thu hẹp dần...”.

Cần nâng cao nhận thức về giới

Tuy đạt được những kết quả nhất định nhưng sự bất bình đẳng giới trong lao động, việc làm vẫn tồn tại. Thực tế vẫn có tình trạng DN sử dụng nhiều lao động nữ nhưng ít lập kế hoạch đào tạo nghề dự phòng, không hỗ trợ kinh phí cho PN nuôi con nhỏ. Để tiết kiệm chi phí và thời gian, nhiều DN đã tuyển dụng lao động trẻ khỏe, có tay nghề để thay thế hoặc sa thải lao động nữ. Có nhiều thông báo tuyển dụng lao động chỉ tuyển nam, mà không tuyển lao động nữ. Một bộ phận lao động nữ không được đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, thiếu trang bị bảo hộ lao động mặc dù phải làm việc trong môi trường nặng nhọc. Nhiều DN áp dụng hình thức trả lương sản phẩm, nhưng do định mức cao nên để thực hiện được định mức, nhiều công nhân lao động, trong đó có lao động nữ phải làm việc từ 10 đến 12 giờ/ngày. Nhiều DN chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám phụ khoa cho chị em...

Bà Trịnh Thị Hợp nói: Bình đẳng giới trong lao động, việc làm là điều rất cần thiết. Các cấp, ngành, đơn vị, DN cần nâng cao các kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cho lao động nữ, giúp họ có thể từng bước nâng cao vị trí của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Hiện nay, PN vẫn phải mang gánh nặng bất cân đối việc ở nhà trong khi vẫn dành lượng thời gian khá tương đồng với nam giới để làm việc kiếm sống. Vấn đề này làm cho định kiến giới tồn tại dai dẳng, là một trong những căn nguyên cơ bản của bất bình đẳng giới.

VĂN GIANG

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 85.000 lao động, trong đó có hơn 43.000 lao động nữ.

Luật Bình đẳng giới quy định: Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng lao động, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc, tiền công, tiền thưởng, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác. Bên cạnh đó, bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm được quy định: Bình đẳng về cơ hội việc làm và quyền tự do lựa chọn việc làm; bảo đảm việc làm, chống phân biệt đối xử. Đặc biệt, đối với lao động nữ là quyền được bảo vệ sức khỏe, an toàn lao động, trong đó có chức năng sinh sản và nuôi con...