Trong chuyến tham quan tại Khu du lịch Hòn Tằm Nha Trang, một cháu bé đã bị rơi xuống hồ bơi dành cho người lớn dẫn tới ngạt nước nặng và tử vong tại bệnh viện.
Trong chuyến tham quan tại Khu du lịch Hòn Tằm Nha Trang (KDLHTNT), một cháu bé đã bị rơi xuống hồ bơi dành cho người lớn dẫn tới ngạt nước nặng và tử vong tại bệnh viện (BV). Gia đình nạn nhân cho rằng tai nạn một phần do hồ bơi thiết kế không an toàn, lực lượng cứu hộ tại chỗ tắc trách…
Nạn nhân thiệt mạng, gia đình bức xúc
Sáng 15-7-2012, cháu Vũ Bích Hợp (sinh năm 2005, trú thôn Phú Nông, xã Vĩnh Ngọc, Nha Trang) đi tham quan cùng gia đình bà Vũ Thị Thuận (là cô của cháu, trú 46A Huỳnh Thúc Kháng, Nha Trang) tại KDLHTNT. Tại đây, trong một thoáng lơ là của người lớn, cháu Hợp bị trượt chân, rơi xuống hồ bơi dành cho người lớn. Khi những khách bơi quanh đó phát hiện, cháu đã bất tỉnh vì ngạt nước nặng. Tuy các y, bác sĩ BV 87 và BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực cứu chữa, nhưng nạn nhân đã tử vong ngày 19-7-2012 tại BV Đa khoa tỉnh.
Giữa hồ bơi trẻ em (phía trên) và hồ bơi người lớn (phía dưới) không có lan can ngăn cách. |
Theo đơn khiếu nại gửi Báo Khánh Hòa, bà Vũ Thị Thuận cho biết: Hôm đó, gia đình bà cùng cháu Hợp mua vé của TuHai Tradinh & Tourist Co., Ltd để đến tham quan KDLHTNT. Đến khoảng 8 giờ 30 thì xảy ra sự cố. Bà thừa nhận, việc cháu Hợp bị tai nạn trước hết là do gia đình bà thiếu chú ý; song phần khác là do hồ bơi tại KDLHTNT quá sâu, lại không có người trông coi, không có cứu hộ tại chỗ và các vật dụng sơ cấp cứu... Do đó, phía KDLHTNT phải chịu một phần trách nhiệm. Nhưng từ khi cháu Hợp qua đời, gia đình bà đã nhiều lần gọi điện báo KDLHTNT, nhưng đơn vị này vẫn không hề thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân, kể cả việc hướng dẫn người nhà nạn nhân làm thủ tục bảo hiểm.
Quan sát thực tế
Chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Công ty CP Hòn Tằm Biển (Công ty mẹ của KDLHTNT) và được hẹn sẽ sắp xếp thời gian làm việc với phóng viên, nhưng 2 tuần sau vẫn không thấy hồi âm. Vì thế, phóng viên Báo Khánh Hòa đã đến hiện trường để tìm hiểu.
Theo quan sát của chúng tôi, KDLHTNT có 4 hồ bơi, được bố trí theo dạng bậc thang. Thấp nhất là hồ có mực nước sâu 1,6m, rồi đến hồ sâu 1,4m (đều dành cho người lớn), trên cùng là hồ nước nông dành cho trẻ em và hồ sục khí massages (cho cả người lớn và trẻ em). Các hồ ngăn cách với nhau bằng một bờ tràn, không có lan can. Đáng nói là ngay phía dưới hồ dành cho trẻ em là hồ dành cho người lớn có mực nước sâu 1,4m. Với kiểu thiết kế này, cho dù trẻ em tắm đúng ở hồ dành cho trẻ em mà thiếu sự cảnh giới của người lớn và lực lượng bảo vệ, vẫn có thể trượt chân rơi xuống hồ dành cho người lớn, nếu các em đùa nghịch ở vị trí bờ hồ giáp ranh.
Một em bé không mặc áo phao và tắm tại hồ dành cho người lớn. |
Hôm chúng tôi có mặt, quanh các hồ bơi đều có rất nhiều áo và phao tắm, nhưng từ 9 giờ 30 đến 11 giờ, không hề có mặt lực lượng cứu hộ tại khu vực khách tắm. Tại hồ có độ sâu 1,6m, hơn chục nam thanh niên, chơi trò nhào lộn từng đôi một từ trên bờ xuống hồ trong hàng giờ liền, trông rất nguy hiểm, nhưng không thấy ai nhắc nhở. Cạnh hồ này, chị H., một khách du lịch, cũng khá vất vả khi vừa phải giữ đồ cho cả đoàn, vừa phải để mắt đến con gái Lan Anh 4 tuổi thỉnh thoảng lại lẫm chẫm ra sát bờ hồ. Chị H. nói: “Ở đây có cả hồ tắm cho trẻ em mà không có lực lượng bảo vệ, nguy hiểm quá!”. Chị H. cũng tỏ ra ngạc nhiên khi được biết ở đây có nhà trông trẻ, bởi chưa hề được ai thông báo.
Buổi sáng ngồi ở hồ bơi, chúng tôi còn thấy một bé trai xuống hồ này bằng tay vịn, nhưng thấy hồ quá sâu nên bé lại tự leo lên, và một vài trường hợp không an toàn khác.
Phản hồi của Khu Du lịch
Ông Nguyễn Hùng Vỹ - Trưởng bộ phận Bảo vệ an ninh KDLHTNT cho biết, tại đây có 8 nhân viên bảo vệ, cứu hộ tại các hồ bơi và bãi tắm. Về vụ tai nạn, ông giải thích: “Ở đây có nhà giữ trẻ miễn phí dành cho trẻ em dưới 12 tuổi, nhưng người nhà cháu Hợp đã không gửi. Thấy cháu Hợp theo người nhà ra bờ hồ dành cho người lớn, lực lượng bảo vệ đã nhắc nhở người nhà phải để ý, nhưng do họ lơ là, sự cố mới xảy ra. Vì thế, trách nhiệm trước hết thuộc về người nhà nạn nhân. Tuy nhiên, khi sự việc xảy ra, đích thân tôi và 1 y tá đã sơ cứu, rồi cùng người nhà cháu Hợp tức tốc đưa cháu vào đất liền bằng ca nô cao tốc. Trên bờ, xe của chúng tôi đã đợi sẵn để chuyển nạn nhân đến BV. Tại BV 87, tôi là người đứng ra làm thủ tục cấp cứu, nhập viện cho nạn nhân, đồng thời đóng viện phí và mua các dụng cụ y tế mà BV yêu cầu. Ngay sau đó, anh Nguyễn Thiên Thanh (Trưởng phòng Nhân sự KDLHTNT - P.V) cũng đến BV 87 Hải quân cùng tôi và nhân viên y tá của KDL túc trực ở BV để theo sát tình hình của nạn nhân. Khi cháu Hợp tỉnh lại, cử động được tay chân, tôi và anh Thanh mới về”.
Ông Nguyễn Thiên Thanh cũng cho biết: “Mấy ngày sau khi tai nạn xảy ra, có người gọi điện cho tôi, xưng là người nhà nạn nhân, báo tin cháu Hợp đã mất và đề nghị chúng tôi đến đưa tang cháu, nhưng không nói rõ địa chỉ cụ thể nên chúng tôi không đến được. Thời gian đó, Khu du lịch đang tổ chức Lễ hội đảo, có rất nhiều việc, hơn nữa, Công ty mới thay đổi Tổng Giám đốc nên đến hôm nay, chúng tôi cũng chưa thể đến thăm hỏi cũng như đề xuất Công ty có chế độ hỗ trợ cho gia đình nạn nhân”.
Về vấn đề bảo hiểm đối với khách hàng gặp nạn, ông Thanh nói: “Những khách hàng mua vé tham quan tại Công ty chúng tôi đều được bảo hiểm nếu xảy ra tai nạn trên đường đi, về do tàu của Công ty vận chuyển và tại khu tham quan. Nhưng đoàn của bà Thuận lại mua vé của Công ty Du lịch Tứ Hải và do Công ty này chở đến tham quan, sau đó xảy ra tai nạn tại KDLHTNT nên bà Thuận có thể liên hệ với Công ty Tứ Hải để làm thủ tục bảo hiểm cho nạn nhân”.
NAM ANH