02:09, 22/09/2012

Ô nhiễm do xả thải nước dằn tàu

Những năm gần đây, do lượng tàu thuyền trong khu vực vịnh Nha Trang liên tục tăng cả về số lượng và kích cỡ nên lượng nước dằn tàu xả ra biển cũng gia tăng.

Những năm gần đây, do lượng tàu thuyền trong khu vực vịnh Nha Trang liên tục tăng cả về số lượng và kích cỡ nên lượng nước dằn tàu xả ra biển cũng gia tăng. Nước dằn tàu (nước biển được bơm vào hầm hàng hoặc két ballast để cân bằng tàu trong quá trình hoạt động) rất  cần thiết cho quá trình hoạt động tàu đại dương nhưng thường chứa hóa chất và sinh vật lạ, có khả năng gây ô nhiễm môi trường.

Nghiên cứu của Viện Tài nguyên và môi trường biển cho thấy, trong nước dằn tàu có hàng ngàn loài thủy sinh như: các loài vi khuẩn, vi trùng; trứng và các loài động vật không xương sống nhỏ; các nang, ấu trùng tồn tại. Khi nước dằn tàu được xả ra môi trường, các loài sinh vật này có thể phát triển bùng phát do sự thay đổi của môi trường sống, gây ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái ở khu vực xả thải. Do lượng nước dằn tàu rất lớn, thường chiếm 30 - 40% trọng tải tàu nên các đội tàu vượt đại dương lại trở thành nguồn phát tán các loài sinh vật biển. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến môi trường nước trong vịnh Nha Trang bị ô nhiễm nghiêm trọng, kéo theo nguy cơ gây hại đến việc tồn tại của các loài san hô, cỏ biển, động vật thủy sinh trong khu vực vịnh.

A.T