Theo quy định của TP. Nha Trang, việc trùng tu, sửa chữa đình làng trên địa bàn được thực hiện theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tuy nhiên, việc trùng tu đang gặp khó khăn vì thiếu kinh phí đối ứng từ người dân.
Theo quy định của TP. Nha Trang, việc trùng tu, sửa chữa đình làng trên địa bàn được thực hiện theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tuy nhiên, việc trùng tu đang gặp khó khăn vì thiếu kinh phí đối ứng từ người dân.
Đình làng xuống cấp
Đình làng Bình Tân (phường Vĩnh Trường) là ngôi đình lâu đời nhất trên địa bàn TP. Nha Trang với hơn 300 năm tuổi. Đình từng được các vua triều Nguyễn (từ đời vua Minh Mạng đến đời vua Khải Định) ban tặng 10 sắc phong. Đình thờ Thành hoàng làng, thờ Ngũ hành thần nữ, thờ ông Nam Hải, thờ Tiền hiền, Hậu hiền. Hàng năm, dân làng tổ chức lễ cúng đình vào ngày 2-2 và tháng 10 (âm lịch). Năm 2006, đình được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh. Tuy nhiên, hiện nhiều hạng mục của ngôi đình đang xuống cấp nghiêm trọng: cổng chào bị đứt gãy; nhà Võ Ca dùng để biểu diễn hát bội vào mỗi dịp lễ cúng đình cũng đã bị nghiêng lệch mái ngói về phía Đông; trên dải bờ ngói nhiều chỗ đã bị vỡ gãy; những hạng mục được làm bằng gỗ đã bị mối mọt, mục nát gần hết; nền nhà nứt nẻ. Tại gian chính điện, nhiều mảng tường bị bong tróc, bàn thờ Thành hoàng làng bị nứt, các họa tiết rồng không còn nguyên vẹn. Tại các gian thờ Tiền hiền, Hậu hiền, thờ ông Nam Hải, tình trạng xuống cấp còn nghiêm trọng hơn. Mới đây, bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền bị vỡ, người dân phải tự góp kinh phí làm lại. Tuy có người chăm sóc nhưng ngôi đình vẫn xuống cấp nhanh chóng.
Việc trùng tu đình làng Bình Tân đang gặp khó vì thiếu kinh phí đối ứng của người dân. |
Theo ông Đinh Văn Cường - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin (VHTT) TP. Nha Trang, trên địa bàn thành phố, không chỉ có đình Bình Tân bị xuống cấp, nhiều ngôi đình như: Xương Huân (phường Xương Huân), Vạn Thạnh (phường Vạn Thạnh), Ngọc Hội (phường Ngọc Hiệp), Thái Thông (xã Vĩnh Thái), Phú Vinh (xã Vĩnh Thạnh), Phước Hải (phường Phước Hải)... đều cần được trùng tu. Nhưng tất cả chưa thể thực hiện được vì thiếu kinh phí đối ứng từ phía người dân.
Tỷ lệ đối ứng cao, người dân khó đóng góp
Việc trùng tu đình làng được thực hiện theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm; cụ thể: ngân sách địa phương sẽ đảm bảo 60% kinh phí, người dân đối ứng 40%. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề kinh phí, người dân đều tỏ ra bất lực. Chẳng hạn, với đình làng Bình Tân, theo hồ sơ thiết kế và dự toán, kinh phí trùng tu các hạng mục của ngôi đình đến hơn 1 tỷ đồng. Nghĩa là, người dân nơi đây phải quyên góp đối ứng khoảng 400 triệu đồng. Đây là điều không dễ. “Đình làng Bình Tân đã xuống cấp từ nhiều năm nay, người dân ở đây rất mong đình được trùng tu cho khang trang hơn. Tuy nhiên, do người dân ở đây chủ yếu là ngư dân nghèo, nên việc quyên góp số tiền lớn như thế để trùng tu đình là không thể”, ông Đỗ Xuân Thương - Trưởng ban Quản lý đình Bình Tân cho biết. Về vấn đề này, bà Võ Thị Kim Yến - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trường cho biết thêm: “Phường đã có 3 cuộc họp với lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Phòng VHTT và đề nghị điều chỉnh giảm kinh phí đối ứng của người dân xuống tỷ lệ khoảng 20%, nhưng không được chấp thuận. Với hơn 700 hộ dân, để đóng góp 400 triệu đồng là điều rất khó”.
Tương tự, các ngôi đình khác dự kiến trùng tu trong năm 2012 như đình: Vĩnh Châu (xã Vĩnh Hiệp), Xương Huân (phường Xương Huân), Vạn Thạnh (phường Vạn Thạnh) đến nay cũng chưa thể triển khai. Thực trạng này còn gián tiếp dự báo khó khăn trong việc trùng tu đình làng ở những năm tiếp theo. “Theo kế hoạch, năm 2012 có 4 ngôi đình cần được trùng tu, nhưng đến nay chưa triển khai được đình nào. Chúng tôi đang lo những ngôi đình dự kiến được trùng tu năm 2013 cũng sẽ rơi vào tình cảnh tương tự”, ông Đinh Văn Cường chia sẻ. Cũng theo ông Cường, để khắc phục tình trạng trên, Phòng VHTT dự định kiến nghị lãnh đạo thành phố cho phép cấp kinh phí sửa chữa những ngôi đình xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu kiến nghị này được chấp thuận thì cũng chỉ là giải pháp mang tính tình thế.
Nên chăng, bên cạnh việc cho phép giảm tỷ lệ vốn đối ứng, cần có giải pháp cấp bách hơn để cứu lấy những di tích có giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố.
NHÂN TÂM