11:09, 21/09/2012

Tăng diện tích để phát triển kinh tế - xã hội

Quy hoạch sử dụng đất từ nay đến năm 2020 không chỉ làm cơ sở để công tác quản lý đất đai tại Khánh Hòa ngày càng hiệu quả mà còn góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Quy hoạch (QH) sử dụng đất (SDĐ) từ nay đến năm 2020 không chỉ làm cơ sở để công tác quản lý đất đai tại Khánh Hòa ngày càng hiệu quả mà còn góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Sử dụng đất còn hạn chế

10 năm qua, trên địa bàn tỉnh, việc tổ chức triển khai QH và điều chỉnh quy hoạch (ĐCQH) SDĐ đã có những kết quả khả quan. Quá trình SDĐ đã đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, phát triển đô thị, phù hợp với đặc thù của tỉnh và cả nước. Trong đó, tính đến năm 2010, đất nông nghiệp thực hiện được hơn 314.445,9ha, bằng 96% so với chỉ tiêu ĐCQH được duyệt; đất phi nông nghiệp thực hiện hơn 98.185ha, bằng 89,4% so với chỉ tiêu; đất chưa sử dụng còn 109.134,5ha, bằng 76,6% so với chỉ tiêu. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu SDĐ trong đất nông nghiệp đạt kết quả cao. Cụ thể, đất trồng lúa nước chuyển sang đất trồng cây lâu năm đạt 135,1ha, bằng 540,4% so với chỉ tiêu QH và ĐCQH được duyệt (đây là những khu vực trồng lúa 1 vụ, địa hình cao, thiếu nước tưới); đất rừng sản xuất chuyển sang đất nông nghiệp không phải là rừng 2.260,9ha, gần bằng 368,9% so với chỉ tiêu; đất rừng phòng hộ chuyển sang đất nông nghiệp không phải là rừng 444,5ha, bằng 211,5% so với chỉ tiêu...

Tuy nhiên, trên thực tế, một số chỉ tiêu trong QH SDĐ và thực hiện chuyển mục đích SDĐ vẫn còn bất cập. Bên cạnh một số chỉ tiêu SDĐ thực hiện đã vượt so với chỉ tiêu ĐCQH, vẫn còn một số chỉ tiêu thực hiện chưa đạt. Nhiều vùng đất nông nghiệp QH trồng mới và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên chưa thực hiện được. Việc khai thác đất chưa sử dụng vào mục đích nông nghiệp và phi nông nghiệp đạt thấp do vốn đầu tư cho ngành Lâm nghiệp còn hạn chế; do thiếu vốn đầu tư cho xây dựng đường giao thông và các hồ chứa nước nên một số công trình lớn chưa được triển khai...

 Khu Kinh tế Vân Phong sẽ có thêm diện tích lấn biển để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Lấn biển để làm đường giao thông tại thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh.

 Khu Kinh tế Vân Phong sẽ có thêm diện tích lấn biển để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Lấn biển để làm đường giao thông tại thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguồn vốn đầu tư là nguyên nhân chính dẫn đến việc thực hiện QH và ĐCQH nhanh hay chậm. Những năm qua, tình hình kinh tế cả nước và khu vực có nhiều biến động. Điều này ảnh hưởng đến quá trình phát triển KT-XH của tỉnh. Giai đoạn 2008 - 2009, việc thu hút các nhà đầu tư vào Khánh Hòa có hạn chế. Nhiều nhà đầu tư đã được cấp phép nhưng không có tiềm lực, dẫn đến dự án triển khai chậm tiến độ. Việc chậm đưa đất vào sử dụng theo kế hoạch đã gây ra lãng phí và không nâng cao được hiệu quả SDĐ...

Điều chỉnh trong sử dụng đất

Mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh đến năm 2020 là GDP tăng 14% (giai đoạn 2016 - 2020). Vì vậy, việc sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ công cuộc phát triển KT-XH đang được quan tâm. Tỉnh đang tận dụng mọi lợi thế về địa hình để nâng cao hiệu quả QH SDĐ. Theo đó, đến năm 2020, tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh sẽ đạt gần 522,798,5ha, tăng gần 1.033ha so với năm 2010. Có được diện tích này là nhờ việc lấn biển gần 539,7ha tại các dự án đầu tư xây dựng trong Khu Kinh tế Vân Phong, lấn biển 15ha để phát triển đô thị tại TP. Nha Trang và lấn biển 650ha phát triển đô thị khu vực ven vịnh Cam Ranh.

Vừa qua, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04 thông qua QH SDĐ đến năm 2020 và Kế hoạch SDĐ 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) của tỉnh. Đồng thời, giao UBND tỉnh thực hiện 4 giải pháp gồm: Đầu tư; khoa học công nghệ; bảo vệ, cải tạo đất và bảo vệ môi trường; tổ chức thực hiện. Theo ông Lê Mộng Điệp - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh đang chờ Chính phủ xem xét, phê duyệt QH SDĐ đến năm 2020 và Kế hoạch SDĐ 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) của tỉnh để làm căn cứ pháp lý triển khai thực hiện.

L.H.T

Quy hoạch đất của tỉnh đến năm 2020

- Diện tích đất nông nghiệp sẽ tăng thêm 9.517ha so với năm 2010. Trong đó, đất trồng lúa giảm gần 3.485,4ha; đất rừng phòng hộ tăng hơn 11.504,7ha; đất rừng đặc dụng tăng hơn 2.977,8ha; đất rừng sản xuất tăng hơn 8.750,6ha; đất làm muối giảm gần 438,2ha; đất nuôi trồng thủy sản giảm gần 2.438ha; các loại đất nông nghiệp còn lại giảm 7.867,5ha.

- Đất phi nông nghiệp 86.354ha, giảm 11.831ha.

- Đất chưa sử dụng gần 112.481,5ha, tăng hơn 3.346,9ha.

- Đất đô thị hơn 98.180,6ha, tăng gần 43.590,2ha…