09:09, 19/09/2012

Cần trau dồi kỹ năng thực hành

Tuy đã được tỉnh quan tâm đào tạo, phát triển nhưng thời gian qua, nguồn nhân lực ngành Công nghệ thông tin vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng.

Tuy đã được tỉnh quan tâm đào tạo, phát triển nhưng thời gian qua, nguồn nhân lực (NNL) ngành Công nghệ thông tin (CNTT) vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng.

Số lượng nhiều

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, hiện nay, Khánh Hòa có khoảng 270 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực CNTT với đội ngũ chuyên viên, kỹ thuật viên dồi dào, chủ yếu làm các công việc như: sửa chữa, lắp ráp máy móc, thiết kế trang web, đồ họa... Bên cạnh đó, còn có các chuyên viên kỹ thuật, quản trị mạng làm việc tại các cơ quan hành chính, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Vì vậy, Khánh Hòa được coi là mảnh đất hứa hẹn nhiều công việc ổn định cho sinh viên (SV) ngành CNTT khi ra trường; NNL ngành CNTT cũng được đánh giá khá dồi dào.

: Nhân lực công nghệ thông tin của tỉnh cần được đào tạo thêm kỹ năng thực hành.

Nhiều sinh viên phải học thêm kỹ năng chuyên ngành tại Trung tâm ITT - Công ty TNHH Tin học TH Nha Trang

Tiến sĩ Đỗ Như An - Trưởng khoa CNTT Trường Đại học Nha Trang cho biết: “Mỗi năm, khoa CNTT của trường có khoảng 100 SV tốt nghiệp. Ngoài Đại học Nha Trang, một số trường khác cũng đào tạo về CNTT như các trường: Sĩ quan Thông tin, Đại học Thái Bình Dương, Cao đẳng Nghề Nha Trang... Vì vậy, có thể nói, số lượng SV ngành CNTT ra trường hàng năm rất lớn”.

Chất lượng thực hành chưa cao

Tuy nhiên, một số nhà tuyển dụng ngành CNTT cho biết, trên thực tế, nhiều SV ra trường yếu về kỹ năng thực hành; đội ngũ kỹ thuật viên có tay nghề cao, được đào tạo chuyên sâu rất ít. Ông Trần Phước Hải, cán bộ phụ trách nhân sự Công ty TNHH Tin học TH Nha Trang nhận xét: “Phần lớn SV Công ty chúng tôi tuyển dụng rất giỏi lý thuyết nhưng lại yếu ở kỹ năng xử lý, khả năng thực hành. Chúng tôi thường phải đào tạo lại cho họ một số kỹ năng chuyên ngành. Theo tôi, trong thời gian học ở nhà trường, SV cần thực hành nhiều và tham gia diễn đàn CNTT, tiếp cận những công nghệ mới để đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng”. Trao đổi về chất lượng NNL ngành CNTT, Tiến sĩ Đỗ Như An khẳng định: “Nhu cầu xã hội và những tiến bộ của khoa học công nghệ luôn phát triển nhanh hơn so với chương trình đào tạo. Vì vậy, trên thực tế, có những SV khi đã ra trường vẫn còn lúng túng, khó khăn khi tiếp cận với công việc. Họ cần có thời gian để thích ứng về kỹ năng chuyên ngành và các kỹ năng mềm khác. Trong quá trình đào tạo, chúng tôi luôn cố gắng tổ chức những buổi hướng nghiệp và giới thiệu công nghệ mới cho SV”.

Để đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng, sau khi ra trường, nhiều SV đã đầu tư thời gian và tiền bạc học thêm tại các trung tâm, cơ sở đào tạo CNTT. Ông Lê Anh Tuấn, kỹ thuật viên chuyên lắp ráp và cài đặt thiết bị của một công ty trên đường Nguyễn Trãi (Nha Trang) cho biết: “Tôi từng học trung cấp CNTT. Nhưng trong thời gian làm việc, tôi phải học thêm các chứng chỉ về quản trị mạng, một số kỹ năng chuyên ngành khác. Đặc biệt, trong thời đại CNTT phát triển nhanh và mạnh như hiện nay, các kỹ thuật viên phải tìm hiểu thêm những công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

Thực tế chất lượng NNL CNTT hiện nay đặt ra vấn đề: mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Nhà trường cần nắm bắt rõ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp để tránh tốn thời gian đào tạo thêm hoặc đào tạo lại cho SV mới ra trường. Doanh nghiệp và các nhà tuyển dụng cũng cần phối hợp với nhà trường trong các buổi hướng nghiệp, giới thiệu công nghệ mới để góp phần giúp SV dễ thích ứng với công việc sau khi ra trường.

MAI HOÀNG