Sinh ra và lớn lên ở đầu nguồn suối Giót (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), anh Mang Hoàng (34 tuổi, thôn Suối Lau 1) mang theo khát vọng đổi đời khi chuyển về khu tái định cư Suối Lau (xã Suối Cát).
Sinh ra và lớn lên ở đầu nguồn suối Giót (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), anh Mang Hoàng (34 tuổi, thôn Suối Lau 1) mang theo khát vọng đổi đời khi chuyển về khu tái định cư (KTĐC) Suối Lau (xã Suối Cát). Thế nhưng, đã hơn 10 năm qua, khát vọng ấy vẫn không trọn vẹn, bởi gia đình anh an cư nhưng chưa thể lạc nghiệp. Đó cũng là nỗi niềm của hàng trăm hộ dân nơi đây.
Nhọc nhằn mưu sinh
Nhà đông con, thiếu đất sản xuất nên cuộc sống của gia đình anh Mang Hoàng gặp nhiều khó khăn. |
Đến KTĐC Suối Lau một ngày tháng 8, trước mắt chúng tôi là những mảng xám của đất đồi nham nhở, lác đác màu xanh của vài bụi chuối, luống rau… cằn cỗi. Tất cả như nói lên cuộc sống thiếu thốn, cơ cực của người dân nơi đây. Không có nghề nghiệp ổn định, thiếu đất sản xuất, phần lớn người dân ở đây đều gặp khó khăn trong việc tìm kế mưu sinh.
Trong căn nhà trống hoắc, bà Cao Thị Dâng (80 tuổi, thôn Suối Lau 3) đang cặm cụi thái những củ mì đã luộc chín. Thấy khách, bà nén tiếng thở dài: “Nhà tôi có 8 miệng ăn. Nguồn sống của gia đình chủ yếu dựa vào 600m2 ruộng lúa nước. Những tháng giáp hạt như thế này, cả nhà phải ăn củ mì thay cơm vì đã hết gạo. Nhiều khi túng quẫn, tôi phải đào cả củ mì non về ăn. Người lớn không sao, chỉ thương cho mấy đứa nhỏ bữa đói, bữa no…”. Vừa nói bà vừa chỉ tay về phía đứa cháu ngoại (khoảng 3 tuổi) bị gãy chân, đang nằm ở góc nhà. Thay vì được chăm sóc tại bệnh viện, được bồi bổ thuốc thang, em bé này lại phải nằm nhà, ăn cháo rau tạm bợ. Hàng ngày, ngoài công việc đồng áng, bà Dâng cùng vợ chồng con gái lên rẫy (cách nhà 15km) để làm thuê, làm mướn với khoản tiền công vài chục nghìn đồng.
Ngày nào, bà Cao Thị Dâng cũng thái mì ăn thay cơm. |
Cùng cảnh ngộ với gia đình bà Dâng, vợ chồng anh Mang Hoàng và 5 đứa con gái sống trong căn nhà chỉ khoảng 15m2. Bước vào, chúng tôi không biết phải ngồi đâu giữa căn nhà chật chội, bụi bặm và ẩm thấp. Với 800m2 ruộng được Nhà nước cấp, gia đình anh cũng chỉ đủ gạo ăn nửa năm, thời gian còn lại phải ăn bắp, mì thay cơm. Anh Hoàng bộc bạch: “Hồi mới đến KTĐC và có nhà ở, chúng tôi rất mừng. Việc đi lại, học hành của con cái đều thuận lợi. Thế nhưng về đây lại thiếu đất canh tác, chúng tôi không biết làm gì để sống. Cứ ngỡ về đây cuộc sống sẽ đỡ cực khổ hơn, không ngờ cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi”.
Không chỉ chống chọi với đói nghèo, hơn 10 năm qua, hàng trăm người dân KTĐC Suối Lau còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng. Tiếp xúc với chúng tôi, bà Cao Thị Minh (thôn Suối Lau 1) không khỏi lo lắng: “Ở làng này, nhà nào cũng dùng nước giếng bị nhiễm phèn. Nước bẩn, trẻ con bị mẩn ngứa, còn phụ nữ bị bệnh viêm nhiễm…”.
Cũng như bao gia đình khác, hàng ngày, chị Mang Thị Kim Trang (thôn Suối Lau 1) sử dụng nước giếng bị nhiễm phèn để sinh hoạt. |
Cuộc sống thiếu thốn trăm bề đã lấy đi cơ hội đến trường của nhiều trẻ em ở KTĐC Suối Lau. Đa số các em cũng chỉ theo đến lớp 7, lớp 8 rồi nghỉ học. Mới tờ mờ sáng, nhiều đứa trẻ đã phải lao vào cuộc mưu sinh. Mặc cho nắng gió, đám trẻ vẫn mải mê lặn ngụp trên dòng sông, khe suối nhặt nhạnh từng con ốc, con sò để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Những đứa trẻ lớn hơn đi chăn bò thuê trên những đồi cao. Ông Cao Thanh Liễu - Trưởng thôn Suối Lau 3 cho biết: “Ở thôn này, bình quân mỗi hộ sinh 3, 4 con; cá biệt một số nhà sinh 6, 7 con. Khi cái ăn còn là vấn đề nan giải thì chuyện đi học của con em ở hơn 150 hộ gia đình nơi đây bị trễ nải, đứt đoạn là chuyện hiển nhiên…”.
Mong chính quyền xã quan tâm hơn
Mới 14 tuổi, em Cao Long Trọng (thôn Suối Lau 3) phải nghỉ học đi chăn bò thuê. |
Trong khi đời sống của hàng trăm người dân KTĐC Suối Lau từng ngày, từng giờ phải đối mặt với khốn khó thì ông Lương Đức Huệ - Chủ tịch UBND xã Suối Cát lại nhìn nhận: “Nhìn chung, hiện nay, đời sống của bà con 3 thôn ở KTĐC Suối Lau tương đối tốt và ổn định, không còn cảnh thiếu ăn. Nhiều nhà có kinh tế khá giả; nhà nào cũng có xe máy, ti vi…”. Sau đó, ông Chủ tịch xã còn liệt kê một số hộ làm ăn khá giả trong KTĐC. Nhưng khi được hỏi thu nhập bình quân của các hộ này là bao nhiêu, ông Huệ lại không đưa ra được con số cụ thể. Trên thực tế, 3 hộ dân được ông Huệ giới thiệu làm ăn khá giả đã có đến 2 hộ là trưởng, phó thôn Suối Lau 1. Hộ dân còn lại là gia đình bà Mang Thị Nhì (thôn Suối Lau 1) chẳng khấm khá hơn so với đời sống người dân trong thôn. “Hiện nay, gia đình tôi còn thiếu nợ Nhà nước 10 triệu đồng. Với 900m2 ruộng lúa nước, lúc giáp hạt không đủ gạo ăn cho 4 người thì nói gì đến chuyện khá giả” - bà Nhì tâm sự.
Nguồn sống của người dân Suối Lau chủ yếu dựa vào diện tích lúa nước ít ỏi. |
Chưa hết, là người đứng đầu chính quyền xã, vậy nhưng khi chúng tôi hỏi về dân số của 3 thôn ở Suối Lau hiện nay, ông Lương Đức Huệ cũng bảo rằng: “đợi báo cáo”. Ông phải nhờ đến “viện trợ” của một cán bộ chuyên trách để có số liệu. Tuy nhiên, những số liệu mà người cán bộ này cung cấp lại mâu thuẫn với nhận xét ban đầu của ông Huệ, bởi theo số liệu, trung bình cả 3 thôn, số hộ nghèo chiếm hơn 80%. Chẳng biết ông Chủ tịch xã căn cứ vào đâu để nhận xét đời sống người dân KTĐC tốt và tương đối ổn định?
Đem những bức xúc của người dân KTĐC Suối Lau về tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu nước sạch trình bày với lãnh đạo xã, chúng tôi cũng chỉ nhận được câu trả lời rất chung chung. “Địa phương rất quan tâm đến đời sống của đồng bào KTĐC. Xã đã kiến nghị với huyện quy hoạch vùng đất rộng 10ha để chia cho bà con sản xuất; còn về nước sạch, sang năm huyện sẽ triển khai hệ thống nước sạch đến các thôn” - ông Lương Đức Huệ cho biết. Hơn thế, tuy đã được hẹn trước nhưng sau một vài câu trả lời theo kiểu xã giao, vị Chủ tịch này viện cớ phải tham gia một cuộc họp và vội vàng chấm dứt buổi làm việc. Tuy nhiên, một cán bộ xã Suối Cát khẳng định với chúng tôi: “Hôm nay, tại UBND xã không có cuộc họp nào”.
Rời KTĐC Suối Lau, hình ảnh những đứa trẻ nheo nhóc, bỏ học, lầm lũi theo cha mẹ lên nương rẫy để mưu sinh; người dân ăn mì thay cơm trong mùa giáp hạt; hay thái độ làm việc thiếu trách nhiệm của lãnh đạo xã Suối Cát cứ đeo đuổi chúng tôi…
ĐĂNG KHOA - MAI HOÀNG
Theo số liệu, hiện nay, thôn Suối Lau 1 có 102 hộ nghèo/115 hộ dân; thôn Suối Lau 2 có 159 hộ nghèo/220 hộ dân; thôn Suối Lau 3 có 148 hộ nghèo/164 hộ dân.