10:09, 04/09/2012

Dần đi vào quên lãng

Theo dòng chảy thời gian, những chiếc máy chữ đã được thay thế bởi máy vi tính. Hình ảnh những người trung niên ngồi bên chiếc máy chữ tróc sơn, cặm cụi gõ lách cách vào bàn phím rồi sẽ chỉ còn trong hoài niệm…

Theo dòng chảy thời gian, những chiếc máy chữ đã được thay thế bởi máy vi tính. Hình ảnh những người trung niên ngồi bên chiếc máy chữ tróc sơn, cặm cụi gõ lách cách vào bàn phím rồi sẽ chỉ còn trong hoài niệm…

Chuyện nghề

Khoảng 10 năm trở lại đây, người làm nghề đánh máy chữ thuê trên vỉa hè đã lần lượt giải nghệ, nhường chỗ cho các tiệm photocopy và đánh máy vi tính. Đến nay, trên địa bàn Nha Trang chỉ còn 2 người đánh máy chữ thuê. Đó là bà Phạm Thị Anh Thư (40 tuổi, nhà ở Nguyễn Bỉnh Khiêm), ngồi tại góc đường Phan Bội Châu - Hàn Thuyên (làm nghề từ năm 1988) và ông Võ Thanh Hùng (55 tuổi, phường Phước Tân, Nha Trang), ngồi ở đường Nguyễn Trãi, làm nghề được 6 năm.

Bà Phạm Thị Anh Thư cho biết, ngày trước, người đánh máy chữ thuê tập trung nhiều nhất ở đường Thống Nhất và quanh Tòa án tỉnh, như: ông Sĩ, ông Lâm (đường Thống Nhất), ông Hải (Nguyễn Trãi), ông Hai Thuận (Phan Đình Phùng), ông Nguyên (Phan Bội Châu)... và đương nhiên có 3 thế hệ trong gia đình bà: Ông ngoại (làm nghề từ năm 1960), mẹ bà rồi đến bà. Trong ký ức của bà Thư, những năm 80 và 90 của thế kỷ trước là thời điểm nghề đánh máy chữ rất phát đạt. “Hồi đó, ngoài đánh máy văn bản, giấy tờ, người làm nghề đánh máy chữ còn đánh máy thơ, truyện ngắn cho văn nghệ sĩ, viết thư thuê gửi đi nước ngoài... Cả 2 mẹ con tôi cùng làm nghề nên còn nhận đánh máy giấy tờ cho các đơn vị điện lực, nhờ đó thu nhập khá cao...”, bà Thư chia sẻ.

Bà Phạm Thị Anh Thư viết đơn cho khách.

Bà Phạm Thị Anh Thư viết đơn cho khách.

Ông Võ Thanh Hùng cho biết: “Trước khi đến với nghề này, tôi từng làm thợ hồ, chạy xe ôm. Khi ông Hải (đánh máy chữ, làm đơn thuê gần Tòa án nhân dân TP. Nha Trang) nghỉ làm, thấy nhiều người hỏi tìm người đánh máy chữ để làm đơn nên tôi chuyển sang nghề gõ chữ mưu sinh”. Theo ông Hùng, tuy nghề đánh máy chữ thuê không còn thịnh nhưng cũng sống được. Khách hàng giờ chủ yếu là người lao động bình dân, chủ yếu thuê đánh máy đơn tranh chấp đất đai, ly hôn, di chúc... Người đánh máy chữ thuê cũng cần trang bị thêm kiến thức pháp luật, hàng ngày đọc báo để nắm tin tức, hiểu thêm về pháp luật mới phục vụ tốt cho việc làm đơn thuê. Hiện mỗi lá đơn thông thường đánh máy thuê được trả 10.000 - 30.000 đồng. Người làm nghề máy chữ thu nhập trung bình khoảng 100.000 đồng/ngày.

Chữ “tâm” của người làm nghề

26 năm ngồi bên chiếc máy chữ làm đơn thuê, bà Thư đã gặp đủ hạng người tốt, xấu trong xã hội. Tuy vất vả mưu sinh nhưng không phải ai thuê gì, người làm nghề gõ chữ cũng làm. Bà kể: Một lần, có người đàn bà ở gần bến Cầu Đá (Vĩnh Nguyên, Nha Trang) đến thuê bà làm đơn xin giảm án phạt tù cho con trai bị tuyên tội cướp giật. Hỏi ra mới biết, cậu này từng có tiền án, còn trong thời gian thử thách lại phạm tội cướp giật. Thấy người phạm tội mà không ăn năn, bà đã từ chối làm đơn thuê. Bà Thư tâm sự, mấy chục năm làm nghề, bà ngại nhất là viết đơn ly hôn: “Mình viết đơn thuê thì có tiền, nhưng biết đâu từ lá đơn đó, cả một gia đình bị tan nát, con cái lìa xa cha mẹ...”. Vì vậy, mỗi khi có khách thuê làm đơn ly hôn, bà lại thành người hòa giải: Hỏi chuyện cặn kẽ, nếu thấy hôn nhân còn có thể cứu vãn thì lựa lời khuyên nhủ.

Tuy không nhiều tuổi nghề như bà Thư, nhưng ông Hùng cũng có nhiều kỷ niệm với nghề. Ông nhớ lại, có lần, có người thuê ông làm đơn kiện bố mẹ để tranh giành đất đai, ông vừa làm đơn vừa khuyên giải nhưng họ không nghe nên trong lòng ông rất khó chịu. Vài tháng sau, khách lại đến thuê làm đơn từ bố mẹ, ông đã từ chối khéo vì không muốn tiếp tay cho đứa con bất hiếu. Hoặc thấy có người còn rất trẻ đến thuê làm đơn ly hôn, làm đơn xong, ông khuyên họ suy nghĩ thật chín chắn trước khi gửi đơn. “Mỗi lần có người làm đơn xin rút đơn ly hôn, tôi lại thấy vui vui”, ông Hùng tâm sự.

Tuy làm đơn thuê để kiếm sống nhưng điều đó không có nghĩa người gõ chữ kiếm tiền bằng mọi giá. Khi gặp người nghèo khổ, hoàn cảnh éo le, họ thường lấy giá rẻ, có khi chỉ làm giùm. “Mỗi khi có người nghèo làm đơn xin từ thiện, đơn kêu cứu vì oan sai, tôi không lấy tiền, coi như mình đã làm một việc thiện”, bà Thư tâm sự.

Cùng với sự phổ biến của máy vi tính, tiếng lách cách của chiếc máy chữ cũng thưa dần. Những người làm nghề đánh máy chữ cũng ý thức được, rồi sẽ có ngày, họ phải bỏ nghề. Nhưng lúc này, họ vẫn níu nghề, để kiếm sống và giúp ích chút ít cho đời.

XUÂN THÀNH