05:09, 29/09/2012

Hậu quả khó lường

Chỉ từ những tin đồn về khả năng chữa bách bệnh của cây mật nhân và cây “thần dược”, nhiều người dân đã vội vàng đổ xô đi mua, khiến một số đối tượng lợi dụng kiếm lời, trong khi hậu quả nhãn tiền là nguy cơ khai thác cạn kiệt 2 loại cây này và sức khỏe người dân bị đe dọa.

Chỉ từ những tin đồn về khả năng chữa bách bệnh của cây mật nhân và cây “thần dược”, nhiều người dân đã vội vàng đổ xô đi mua, khiến một số đối tượng lợi dụng kiếm lời, trong khi hậu quả nhãn tiền là nguy cơ khai thác cạn kiệt 2 loại cây này và sức khỏe người dân bị đe dọa.

Thuốc hay bởi lời người bán?

Mật nhân thuộc loại cây gỗ tròn, thân mọc thẳng đứng, cao 2 - 8m. Lá mật nhân thuộc loại lá kép, dài chừng hai ngón tay, mặt trên xanh bóng, mặt dưới trắng mốc. Đặc biệt, khi vò mạnh, lá không bị dập nát, thả ra thì lá trở lại bình thường. Cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS - TS Đỗ Tất Lợi (Nhà Xuất bản Y học phát hành năm 2003) viết về cây mật nhân: “Đây là vị thuốc chữa được rất nhiều bệnh. Vỏ dùng để chữa bệnh ăn uống không tiêu, đau mỏi lưng, còn quả dùng chữa lỵ. Tại Campuchia, người ta dùng để chữa ngộ độc và say rượu, trị gan. Lá cây thì dùng để chữa ghẻ, lở ngứa”.

Cây mật nhân được bày bán ngay vỉa hè.
Cây mật nhân được bày bán ngay vỉa hè.

Hiện nay, có thể dễ dàng mua được cây mật nhân ở bất cứ đâu. Anh Nguyễn Văn Hạnh, một người bán cây mật nhân ở khu vực Bình Tân, phường Phước Long (TP. Nha Trang) cho biết, gần 4 tháng qua, loại dược liệu này được đưa từ nhiều nơi về Nha Trang bán. Nguồn hàng chủ yếu được lấy từ các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai… và huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Mấy tháng gần đây, việc mua bán trở nên rầm rộ bởi nhiều người đồn thổi về khả năng chữa bá bệnh của cây mật nhân. Chị Hoàng Thị Tố Như (đường Lê Hồng Phong, phường Phước Hải, TP. Nha Trang) cho hay: “Tôi nghe nói cây mật nhân chữa được các loại bệnh, từ tiểu đường, dạ dày, gan cho tới ung thư nên mua vài kg về để trị tiểu đường. Tuy chưa hề đọc bất cứ tài liệu nào về loại dược liệu này nhưng nghe nói là cây thuốc quý nên tôi cứ mua về uống thử”.

Trước nhu cầu đang tăng, các tư thương đã ồ ạt mang thân, rễ cây mật nhân về Khánh Hòa bán. Giá bán cũng đủ loại, nơi thì 60 ngàn đồng/kg, chỗ giá 40 ngàn đồng/kg. Người bán thì luôn miệng quảng cáo hàng loạt công dụng, thuyết phục người mua như thể đây chính là “thần dược”. Người mua thì cả tin, đa phần dựa vào lời nói truyền miệng từ những người mua trước và vào người bán - đối tượng không hề có kiến thức về Đông y. Hầu hết các điểm bán cây mật nhân ở vỉa hè đều trưng biển thuốc chữa bách bệnh. Trong khi đó, cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS - TS Đỗ Tất Lợi khuyến cáo: “Một số trường hợp không được phép uống cây mật nhân, nhất là với những người có tính hàn. Đối với phụ nữ đang mang thai, nếu sử dụng cây mật nhân sẽ rất nguy hiểm”.

2
Cây “thần dược” ở xã Ninh Vân (Ninh Hòa)

Ngoài mật nhân, gần đây, người ta còn bày bán ở vỉa hè một loại cây lạ, thường gọi là “thần dược” (còn được đồng bào dân tộc Chăm gọi là “thần xạ”), được tìm thấy ở xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa). Nhiều người tìm mua “thần dược” xuất phát từ tin ông Lê Hăng ở xã Ninh Vân dùng cây thuốc này chữa khỏi được bệnh ung thư. Sau khi các phương tiện truyền thông đặt vấn đề tìm hiểu về sự việc này, rất nhiều bệnh nhân từ các huyện, tỉnh lân cận đã về đây tìm mua cây thuốc mà không hề để ý báo chí mới đặt vấn đề nghi vấn, chưa có kết luận chuyên môn. Cầu tăng, tất yếu giá thuốc được đẩy lên chóng mặt, từ mấy chục ngàn đồng/kg, nay có nơi bán với giá 500 ngàn đồng/kg cây khô. Lúc đầu, người ta chỉ có thể mua được cây thuốc này tại Ninh Vân, nhưng sau đó, “thần dược” được bán phổ biến ở cả xã Ninh Thủy, Ninh Phước… (Ninh Hòa), Vạn Hưng (Vạn Ninh).

Tiến sĩ Nguyễn Thướng - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: Theo sách của Bộ Y tế, cây “thần dược” thực chất là cây xáo tam phân. Hiện một số các nhà khoa học đang nghiên cứu công dụng của cây này. Tuy nhiên, đã dùng thuốc thì phải đến bác sĩ hoặc các lương y, không nên mua cây thuốc trôi nổi trên thị trường. Uống thuốc như vậy sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng.

Rất dễ nhầm lẫn

Ông Thái Minh Duyệt (người bán cây “thần dược” ở thôn Xuân Vinh, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) khẳng định: “Hiện cây “thần dược” ở địa bàn Ninh Hòa không còn, lượng cây đang bán trên thị trường chủ yếu đưa từ Ninh Thuận, Bình Thuận về. Do giá bán quá cao nên nhiều người hám lợi đã độn thêm các loại cây khác vào”. Điều này rất nguy hiểm cho người mua. Đáng ngại hơn, hiện có một loại cây trông rất giống cây “thần dược” mà bằng mắt thường, rất khó nhận biết sự khác biệt. Loại cây này cũng có thân và lá giống y như cây “thần dược”, song lá mỏng và dài hơn, có cả hoa và trái, còn cây “thần dược” thì không. Những người dân chuyên đi rừng cho rằng, loại cây giống với cây “thần dược” chính là cam thảo dây. Theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc Chăm, phụ nữ có bầu uống cây “thần dược” vào sẽ bị hư thai.

Chúng tôi đã đến thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) - địa điểm chính thu mua cây mật nhân của đồng bào dân tộc thiểu số và nhận thấy, hầu hết người mua, người bán đều không tường tận về loại cây này. Cây mật nhân chủ yếu được dân thường khai thác trong rừng đem về bán, song bản thân người dân cũng chỉ dựa vào trực quan để thu hái. Không ai dám chắc giữa muôn trùng cây, người ta không hái nhầm loại cây nào đó tương tự. Và như vậy, hậu quả thật khó lường. Anh Mấu Can (xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn) cho biết: “Bản thân mình lúc đầu cũng không biết nhiều về cây này, sau mấy lần đi theo người vào rừng đào mới nhận biết được. Trong rừng cũng có loại cây tương tự mật nhân, người mới đi đào lần đầu rất dễ nhầm”.

Để bảo vệ người dân cũng như bảo vệ nguồn dược liệu, đã đến lúc, cơ quan chức năng cần có những động thái kịp thời chấn chỉnh tình trạng buôn bán quá mức 2 loại cây trên. Ngoài ra, cũng cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, bởi việc khai thác bừa bãi các loại cây này sẽ dẫn tới tình trạng phá rừng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi sinh. Người bệnh cũng không nên tin vào những lời đồn đoán mà vội vàng mua cây thuốc về dùng. Cách chữa bệnh tốt nhất là đến những cơ sở y tế có uy tín và sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

ĐÌNH LÂM

Tiến sĩ Nguyễn Thướng - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Khánh Hòa: Hầu hết các cây thuốc quý được sử dụng trong Đông y đều qua kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên, trước khi uống các loại thuốc đều cần tư vấn của những người có chuyên môn. Sử dụng thuốc tùy tiện dễ dẫn tới những hậu quả khó lường. Cây mật nhân và cây “thần dược” dùng quá liều sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Việc người dân nhầm lẫn cây “thần dược” với cây cam thảo dây rất nguy hiểm, bởi cam thảo dây có chứa độc tố aprin.