Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa tổ chức đoàn kiểm tra các doanh nghiệp (DN), cơ sở có sử dụng lao động người nước ngoài (LĐNNN). Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết: Qua kiểm tra việc sử dụng LĐNNN tại 10 DN cho thấy vẫn còn một số DN vi phạm.
Ông Mai Xuân Trí. |
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa tổ chức đoàn kiểm tra các doanh nghiệp (DN), cơ sở có sử dụng lao động người nước ngoài (LĐNNN). Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết: Qua kiểm tra việc sử dụng LĐNNN tại 10 DN cho thấy vẫn còn một số DN vi phạm.
Những nội dung mà các DN vi phạm như: Không xác định được lý lịch tư pháp của LĐNNN; LĐNNN chưa được cấp giấy phép nhưng DN đã ký hợp đồng làm việc; giấy phép LĐ đã hết hạn nhưng chưa gia hạn; LĐNNN được cấp giấy phép ở đơn vị này nhưng lại đi làm việc cho đơn vị khác...
- Thưa ông, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tình trạng LĐNNN làm việc không giấy phép?
- Đúng là vẫn có tình trạng này.Tuy nhiên, số LĐ này ít và chủ yếu tập trung ở những lĩnh vực như: Giáo dục, vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn, DN nuôi trồng và chế biến thủy hải sản... Vì lợi ích riêng, các DN này đã bao che cho LĐNNN dưới hình thức như: cố tình không khai báo tình hình sử dụng LĐNNN, không làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép LĐ vì sợ tốn kém chi phí... Bên cạnh đó, giấy phép một số LĐNNN đã hết thời hạn nhưng không tiến hành gia hạn. Đặc biệt, đã có tình trạng người sử dụng LĐ sợ tốn kém chi phí khi làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nên viện lý do khó xác định lý lịch tư pháp. Đây là bài toán nan giải cho công tác quản lý hiện nay.
- Vậy, tình trạng này sẽ được xử lý như thế nào, thưa ông?
- Trong quá trình quản lý, kiểm tra, giám sát, nếu chúng tôi phát hiện những trường hợp LĐNNN làm việc không có giấy phép thì nghiêm khắc xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với những LĐ chưa xác định lý lịch tư pháp, Sở yêu cầu phải nhanh chóng làm rõ lý lịch tư pháp. Với những LĐ chưa có giấy phép LĐ thì yêu cầu các DN không được bố trí việc làm, nếu hết hạn giấy phép LĐ thì phải tiến hành làm thủ tục gia hạn. Trong trường hợp LĐNNN được cấp giấy phép ở đơn vị này mà đi làm cho một đơn vị khác thì cương quyết lập biên bản xử phạt hành chính theo mức độ vi phạm. Đặc biệt, khi phát hiện LĐNNN núp bóng khách du lịch để làm việc, Sở sẽ phối hợp với Công an trục xuất về nước.
- Ông có thể cho biết, những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý LĐNNN trên địa bàn tỉnh hiện nay?
- Thời gian qua, công tác quản lý LĐNNN còn bộc lộ nhiều bất cập do chưa có sự phối hợp đồng bộ, thiếu chặt chẽ giữa Công an quản lý xuất nhập cảnh, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước. Công tác này không chỉ riêng ngành LĐ-TB-XH mà còn là trách nhiệm của Công an, chính quyền địa phương nơi LĐNNN cư trú, sinh sống. Tuy nhiên hiện nay, số LĐNNN vào Việt Nam và di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác lại chưa được các cấp chính quyền địa phương quản lý theo hình thức đăng ký tạm trú, tạm vắng.
Đối với những LĐNNN làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh, chúng tôi rất khó quản lý. Bởi, những LĐ làm việc ở lĩnh vực này chủ yếu núp bóng dưới danh nghĩa là khách du lịch, sau đó ở lại làm việc. Khi kiểm tra tại các cơ sở này, chủ cơ sở đều cho biết đây là khách du lịch, đồng thời xuất trình visa khách du lịch để chứng minh. Trong trường hợp này, chúng tôi không có cơ sở để xử lý.
Bên cạnh đó, trách nhiệm quản lý trực tiếp LĐNNN làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế là Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Phong. Nhưng hiện nay, một số LĐNNN làm việc sai quy định vẫn chưa được Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Phong kiểm tra chặt chẽ. Từ đó gây ra tình trạng quản lý chưa đồng bộ.
- Theo ông, để quản lý chặt chẽ LĐNNN làm việc trên địa bàn tỉnh, ngành LĐ-TB-XH và các đơn vị có liên quan cần phải làm gì?
- Để tăng cường công tác quản lý LĐNNN vào làm việc trên địa bàn tỉnh rất cần cơ chế quản lý phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng. Đối với các cấp chính quyền địa phương phải có trách nhiệm trong việc quản lý tạm trú, tạm vắng, nắm chắc tình hình người nước ngoài đến cư trú. Về phía các DN, cần nêu cao trách nhiệm trong việc khai báo và báo cáo định kỳ cho cơ quan quản lý nhà nước, tránh trường hợp LĐNNN đăng ký làm việc ở đơn vị này lại đi làm việc cho đơn vị khác. Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Phong cần tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để quản lý chặt chẽ những LĐNNN làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Các cấp, ngành, địa phương phải thường xuyên nắm bắt tình hình LĐNNN làm việc trong các đơn vị, tổ chức thuộc ngành, địa phương quản lý; đồng thời phối hợp Sở LĐ-TB-XH, Công an tỉnh xử lý khi LĐNNN vi phạm, nhất là sử dụng visa sai mục đích. Đặc biệt, các ngành: Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế cần vào cuộc để cùng tham gia thống kê và thường xuyên nắm tình hình LĐNNN làm việc ở lĩnh vực thuộc ngành mình quản lý. Có như vậy, công tác quản lý LĐNNN trên địa bàn tỉnh mới được siết chặt hơn.
- Xin cảm ơn ông!
VĂN GIANG (Thực hiện)
Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH, hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 412 LĐNNN đang làm việc tại các đơn vị, DN. Trong đó có 379 người đã cấp giấy phép LĐ, 25 người không thuộc diện cấp giấy phép LĐ và 8 người chưa được cấp giấy phép.