06:09, 17/09/2012

Tiền tỷ để hoang

Trong số 31 khu vui chơi giải trí cho trẻ em được đầu tư từ nguồn ngân sách, đa số đang “sống dở chết dở”, không người quản lý, xuống cấp…

Trong số 31 khu vui chơi (KVC) giải trí cho trẻ em được đầu tư từ nguồn ngân sách, đa số đang “sống dở chết dở”, không người quản lý, xuống cấp…

Khu vui chơi thành… phế tích

Nằm ngay Quốc lộ 1A, KVC dành cho trẻ em xã Diên Phú (Diên Khánh, Khánh Hòa) được xây dựng cách đây 10 năm với tổng kinh phí đầu tư xây dựng và trang thiết bị là 490 triệu đồng. Tuy nhiên, hoạt động chưa được bao lâu, KVC rộng hàng trăm mét vuông này đã bị bỏ không. Cả khu giờ như bãi đất hoang, các thiết bị trò chơi nằm chỏng chơ. Cầu trượt, máy bay mô hình, đu quay bị phơi nắng, phơi sương lâu ngày, dần dần bị bong tróc sơn; xích đu bị đứt; bập bênh thì gãy; cầu tuột bị gỉ sét, hỏng hóc. Muốn cho con vui chơi, nhiều người dân sống gần đây phải chở con về TP. Nha Trang tắm biển hoặc chơi ở Nhà Thiếu nhi tỉnh, Công viên Phù Đổng…

1
Thiếu người chăm sóc nên cây cỏ mọc um tùm che khuất một phần bức tường có dòng chữ “Tụ điểm vui chơi thiếu nhi”

Có dịp ghé qua KVC xã Cam Tân (Cam Lâm), nhiều người không khỏi xót xa vì sân chơi này giờ bị bỏ hoang. Hầu hết cây xanh tự phát triển hoặc héo úa, cỏ dại mọc um tùm. Được xây dựng từ năm 2002 với kinh phí hơn 297 triệu đồng, ban đầu, nơi đây cũng thu hút nhiều thiếu nhi tới vui chơi. Tuy nhiên, do trò chơi đơn điệu nên sau một thời gian, trẻ dần chán. Các trang thiết bị cũng dần bị hỏng, xuống cấp. Xích đu, cầu trượt, bập bênh… nằm ngổn ngang như đống phế liệu giữa những lớp cỏ bạc úa, rác thải vương vãi khắp nơi. Bà Nguyễn Thị Kiệu, người dân sống gần KVC buồn rầu: “Trẻ em giờ không có chỗ chơi. Quanh năm chỉ trèo cây, bắt cá, đá bóng… cũng chán”.

2
 

Một số KVC ở Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Ninh Hòa, Cam Ranh, Khánh Sơn… được đầu tư hàng trăm triệu đồng/khu, giờ cũng vắng bóng trẻ tới chơi. Một vài KVC có cả phòng đọc sách, lớp năng khiếu… nhưng hiện cũng đóng cửa im ỉm hoặc chuyển thành phòng tập thể dục thẩm mỹ cho thanh niên. Một số điểm lại phục vụ thanh thiếu niên tới đánh cầu lông, đá bóng. Bà Trần Thị Lê (xã Cam Tân, Cam Lâm) chia sẻ: “Xây dựng KVC giải trí cho trẻ em là sự đầu tư chính đáng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều KVC đã trở nên hoang tàn, trẻ em ít lui tới, gây lãng phí lớn. Theo tôi, các đơn vị quản lý cần tu sửa, trang bị mới dụng cụ và tổ chức thường xuyên các hoạt động vui chơi hấp dẫn cho trẻ”.

Thiếu kinh phí hay quản lý yếu?

Được biết, năm 2005, tỉnh có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và Ban quản lý công trình các điểm vui chơi giải trí ở cơ sở bàn giao cho UBND xã, phường, thị trấn thành lập ban quản lý và giao Đoàn Thanh niên các cấp tổ chức hoạt động vui chơi cho thiếu nhi. Tuy nhiên, khi hỏi một số xã và Đoàn thanh niên, họ đều cho biết, sau vài năm, thậm chí vài tháng hoạt động, do không có kinh phí trông coi, bảo dưỡng và đầu tư nâng cấp nên khó duy trì hoạt động.

Năm 2008, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã kiểm tra một số điểm vui chơi tại thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Kết quả cho thấy, các KVC này không thành lập được ban quản lý, không có quy chế tổ chức hoạt động, không người quản lý và bảo vệ do địa phương thiếu kinh phí tổ chức thực hiện, tu sửa… Sở đã kiến nghị: Bố trí cán bộ chuyên trách và có chế độ chính sách phù hợp cho cán bộ phụ trách các KVC; hàng năm, ngân sách tỉnh và huyện có kế hoạch cân đối cấp kinh phí cho các địa phương để duy tu, bảo dưỡng các trang thiết bị đã xuống cấp, hỏng hóc và chăm sóc cây xanh trong khuôn viên… Tuy nhiên, do địa phương không có kinh phí và cơ chế quản lý nên đến nay vẫn chưa chuyển động được.

3
 

Bà Trương Thị Năm - Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, Phòng chỉ theo dõi tình hình hoạt động của các KVC, còn việc quản lý được giao cho các xã hoặc huyện. Sau khi xây dựng xong, các địa phương đã đưa vào sử dụng KVC và tổ chức một số hoạt động, chủ yếu vào các dịp lễ, Tết… Hiện một số điểm đã chuyển đổi thành nhà trẻ, trường mẫu giáo, còn lại là giao cho Xã đoàn phụ trách để tổ chức vui chơi cho các em. Song việc tổ chức không thường xuyên do không có kinh phí tổ chức, bảo dưỡng, mua sắm đồ chơi mới và thuê bảo vệ trông coi… Đội ngũ nhân viên tại các KVC này chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, thường là cán bộ Đoàn, cán bộ văn hóa xã hội…, chưa được đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn nên khó tổ chức các hoạt động hấp dẫn trẻ. Một số địa phương cũng chưa thực hiện tốt việc quản lý và sử dụng các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em ở cơ sở. “Chúng tôi chưa tiến hành khảo sát tất cả các KVC trên địa bàn tỉnh nên chưa nắm được số KVC còn hoạt động hiệu quả, số KVC đã chuyển mục đích sử dụng”, bà Năm cho biết.

1
Khu vui chơi trẻ em tại xã Diên Phú (Diên Khánh) bị bỏ hoang từ nhiều năm nay.

Cần được xã hội hóa

Ông Đặng Chí Thiệu - Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Diên Khánh kiến nghị: “Đầu tư KVC giải trí cho trẻ em không nên dàn trải mà phải có trọng tâm, trọng điểm. Mỗi huyện chỉ cần 1 - 2 KVC với nhiều trò chơi hiện đại, hấp dẫn, văn minh, được quản lý và khai thác hiệu quả. Theo tôi, thực hiện xã hội hóa các KVC là cách làm hay. Các KVC đã xây dựng hiện còn có thể hoạt động được thì đầu tư nâng cấp, cho tư nhân đấu thầu khai thác dịch vụ vui chơi, giải trí. Nhà nước nên có chính sách tạo điều kiện về đất đai, thuế, thu hút nhà đầu tư để xây dựng các KVC có sự quản lý của Nhà nước”.

Trẻ em xã Cam Tân (Cam Lâm) vẫn phải chơi ở khu vui chơi giải trí với nhiều thiết bị đã bị gỉ sét, hỏng hóc.
Trẻ em xã Cam Tân (Cam Lâm) vẫn phải chơi ở khu vui chơi giải trí với nhiều thiết bị đã bị gỉ sét, hỏng hóc.

Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Năm, những điểm vui chơi quy mô do tư nhân đầu tư chỉ phù hợp với các vùng có mức sống khá, các gia đình có điều kiện về kinh tế. Còn ở các xã vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hầu hết gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ phải lo việc đồng áng, không có nhiều thời gian và tiền bạc đưa con đi chơi. Do đó, bà Trương Thị Năm cho rằng, các KVC không còn khả năng hoạt động cần được thanh lý, chuyển mục đích sử dụng, tháo dỡ các thiết bị còn sử dụng được lắp đặt cho các trường mầm non, giao nhà trường khai thác, sử dụng để tránh lãng phí… Các KVC còn hoạt động được, đội ngũ đoàn viên thanh niên cần được đào tạo bài bản, năng động, tổ chức tốt các hoạt động hấp dẫn cho trẻ vui chơi như các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian…

VIỆT ANH 

Năm 1999, Sở Văn hóa - Thông tin (cũ), Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (cũ) và Tỉnh đoàn đề xuất UBND tỉnh đầu tư một số điểm vui chơi cho trẻ em và nhận được đồng ý. Từ năm 2000 - 2004, 31 KVC giải trí cho trẻ em được xây dựng bằng kinh phí của tỉnh, huyện, xã; bình quân 2 - 5 KVC/địa phương cấp huyện. Tổng kinh phí xây dựng và trang bị cơ sở vật chất gần 10 tỉ đồng (trong đó, của tỉnh hơn 5,8 tỉ đồng, huyện gần 3 tỉ đồng, xã hơn 700 triệu đồng).