07:09, 14/09/2012

Ít người thực hiện

Theo Nghị định số 34/2010 của Chính phủ, trẻ em từ 6 tuổi ngồi trên mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh ở TP. Nha Trang chưa tuân thủ quy định này.

Theo Nghị định số 34/2010 của Chính phủ, trẻ em từ 6 tuổi ngồi trên mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm (MBH). Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh ở TP. Nha Trang chưa tuân thủ quy định này.

1001 lý do biện minh

Khoảng 16 giờ 40 ngày 11-9, chúng tôi có mặt tại cổng Trường Tiểu học Vĩnh Phước 2. Có thể thấy, các phụ huynh đều đội MBH cho mình, nhưng rất hiếm phụ huynh đội MBH cho con. Thậm chí, có người còn chở 2 - 3 em chừng 10 - 12 tuổi trên mô tô nhưng không em nào được đội MBH. Giải thích về điều này, chị Ngọc Nga, chở 3 học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Phước 2 trên mô tô nói: Tôi có thấy cảnh sát phạt trẻ em ngồi trên xe không đội MBH bao giờ đâu! Chưa kể, nhà có 2 - 3 cháu đi học, biết bao nhiêu khoản phải đóng góp đầu năm học, còn tiền đâu mua MBH!”.

1
Hầu hết phụ huynh chưa quan tâm đến việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ

Tình trạng này cũng tương tự ở khu vực cổng Trường Tiểu học Vạn Thắng. Anh Thanh Hoài - phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Vạn Thắng biện minh: “Nhà gần trường, chạy một lát là tới ấy mà! Bọn trẻ chạy nhảy nhiều, mồ hôi nhễ nhại nên cũng không thích đội MBH”. Còn chị Mai (đường 2-4) lại có lý do khác: “Chọn mua MBH cho các cháu rất khó, không biết loại nào đảm bảo chất lượng, loại nào không. MBH thì bán tràn lan ngoài thị trường, giá nào cũng có. Mua được MBH tốt thì không sao, nhỡ mua phải mũ dởm, đội vào vẫn rất nguy hiểm. Như vậy thà không đội còn hơn!”. Phụ huynh các trường: Tiểu học Vĩnh Thạnh, Vạn Thạnh, Vĩnh Nguyên... cũng giải thích tương tự về chuyện không đội MBH cho con em.

Đã không đội MBH cho trẻ, nhiều phụ huynh còn để trẻ đứng trên yên xe, có người ngồi phía sau giữ, hoặc để trẻ đứng phía trước người lái. Trong khi đó, giờ tan trường cũng là giờ tan sở của các cơ quan, doanh nghiệp, người tham gia giao thông đông. Một số tuyến đường lại đang sửa chữa, thi công dang dở, mặt đường gồ ghề…, nguy cơ tai nạn rất dễ xảy ra.

2
 

Vấn đề nằm ở ý thức

Thực tế dễ gặp là trên bất cứ tuyến đường nào ở TP. Nha Trang cũng bắt gặp cảnh người lớn đội MBH chở theo trẻ em đầu trần tham gia giao thông. Em Bích Nguyệt (lớp 4, Trường Tiểu học Vạn Thạnh) cho biết: “Con rất thích đội MBH. Trước đây, con cũng có MBH nhưng một lần đi chơi làm mất, mẹ không mua cho nữa. Con đòi mua thì mẹ bảo không có tiền”.

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP. Nha Trang, sau khi quy định xử phạt người điều khiển mô tô, xe gắn máy chở trẻ em trên 6 tuổi không đội MBH có hiệu lực, Đội CSGT đã đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường xử phạt những trường hợp vi phạm này. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, thời gian qua, lực lượng CSGT còn nương tay trong việc xử phạt lỗi này. “Chúng tôi chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở là chính, trường hợp nào quá đáng mới xử phạt. Vì vậy, nhiều phụ huynh “nhờn luật”, ông Dũng cho biết.

3
Vừa chở quá số người quy định, vừa không đội mũ bảo hiểm cho trẻ

Mặt khác, để xử lý các trường hợp vi phạm, CSGT phải căn cứ vào Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ; do vậy phải kiểm tra giấy khai sinh của trẻ do gia đình cung cấp, không thể căn cứ bằng mắt thường, hay nhận định thể trạng của trẻ. Nhưng thực tế, chẳng phụ huynh nào mang theo giấy khai sinh của trẻ khi đi đường. “Có trường hợp, cháu bé nói hơn 6 tuổi nhưng vì phụ huynh không mang theo giấy khai sinh nên chúng tôi cũng không thể xử phạt được. Chờ phụ huynh về lấy giấy tờ thì rất mất thời gian; lực lượng CSGT lại mỏng và có quá nhiều chuyên đề cần tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, không thể làm hết được”, ông Dũng chia sẻ. Một phụ huynh Trường Tiểu học Lộc Thọ thì cho rằng: “Lực lượng CSGT khó mà xử lý xuể. Vấn đề nằm ở ý thức của phụ huynh. Nếu thực sự quan tâm đến sự an toàn của con em mình thì họ phải đội MBH cho trẻ”.

KHÁNH HÀ


Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Chở người ngồi trên xe không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.

(Điểm k Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 34/2010 ngày 2-4-2010 của Chính phủ)

Các cơ quan chuyên môn khuyến cáo, đội MBH đảm bảo tiêu chuẩn và đúng quy cách giúp giảm tới 69% nguy cơ chấn thương sọ não và giảm 42% nguy cơ tử vong khi xảy ra tai nạn giao thông. Song, theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hiện tỷ lệ trẻ em đội MBH trung bình của cả nước đạt 34%.