10:09, 27/09/2012

Dẫn lối về cho người nghiện ma túy

Phát triển đội ngũ những người làm nghề công xã hội chuyên nghiệp ở các trung tâm cai nghiện và các xã, phường, thị trấn để phòng, chống, hỗ trợ đối tượng cai và sau cai nghiện sớm hòa nhập cộng đồng là việc làm cần thiết trong xã hội hiện nay.

Phát triển đội ngũ những người làm nghề công xã hội (CTXH) chuyên nghiệp ở các trung tâm cai nghiện và các xã, phường, thị trấn để phòng, chống, hỗ trợ đối tượng cai và sau cai nghiện sớm hòa nhập cộng đồng là việc làm cần thiết trong xã hội hiện nay.

Bất cập từ thực tế

Hiện nay, hầu hết cơ sở cai nghiện tập trung chưa có nhân viên CTXH cũng như những người được đào tạo về kỹ năng, chuyên môn để giúp người cai nghiện ma túy vượt qua khó khăn trong đời sống, đặc biệt là ổn định tâm lý, tinh thần. Việc cai nghiện và giáo dục các đối tượng nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện còn nhiều hạn chế và chưa đạt kết quả cao; số đối tượng tái nghiện rất lớn. Ông Phạm Đức Tân - Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh cho biết: “Hiện nay, Trung tâm có 38 cán bộ nhân viên, trong đó khoảng 20 người trực tiếp chăm sóc, giáo dục, cai nghiện hơn 190 đối tượng nghiện ma túy. Đa số cán bộ, nhân viên ở đây tốt nghiệp chuyên ngành xã hội nhân văn nên những kỹ năng chuyên sâu trong việc giáo dục, cai nghiện cho các đối tượng còn hạn chế. Trung tâm rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, nhân viên được đi học, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này”.

Bên cạnh đó, các cơ sở cai nghiện ma túy tập trung hiện chỉ chú trọng vào việc làm sao quản lý được người cai nghiện, còn vấn đề tâm sinh lý, tinh thần của người nghiện chưa được quan tâm đúng mức. Thời gian họ được tư vấn, học các kỹ năng tự chăm sóc mình; kỹ năng phòng, chống tái nghiện; các thông tin về việc làm, vấn đề tâm lý và những khó khăn họ sẽ gặp phải qua các buổi giáo dục chưa được chú trọng. Đó là chưa kể, nếu đối tượng không nhận được sự quan tâm, đồng cảm từ phía gia đình thì quá trình cai nghiện sẽ không có hiệu quả.

 Hiện nay, lĩnh vực cai và sau cai nghiện ma túy đang cần những người làm công tác xã hội chuyên nghiệp.

 Hiện nay, lĩnh vực cai và sau cai nghiện ma túy đang cần những người làm công tác xã hội chuyên nghiệp.

Hiện nay, số người tái nghiện sau khi cai nghiện trở về địa phương có chiều hướng gia tăng. Có người đã ở trong cơ sở cai nghiện từ 4 - 10 năm nhưng khi tái hòa nhập cộng đồng, họ vẫn bị tái nghiện. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do hiện nay đội ngũ những người làm CTXH chuyên nghiệp ở cấp xã, phường, thị trấn chưa có. Trong khi đó, nhiệm vụ quản lý, tham vấn tâm lý, hỗ trợ việc làm... cho người sau cai nghiện chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm nên việc theo dõi, giúp đỡ không được thường xuyên. Mặt khác, các thành viên trong gia đình có người nghiện chưa được tư vấn để có thể giúp con em mình vượt qua khó khăn...

Sớm phát triển đội ngũ những người làm công tác xã hội ở cơ sở

Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Việc phát triển đội ngũ những người làm CTXH chuyên nghiệp trong lĩnh vực phòng, chống, cai và sau nghiện ma túy là rất cần thiết trong xã hội hiện nay. Bởi, có đội ngũ những người làm công tác này tại cấp xã, phường, thị trấn và các cơ sở cai nghiện sẽ góp phần đẩy lùi tình trạng nghiện và tái nghiện ma túy hiện nay...”.

Theo Luật Phòng, chống ma túy, thời gian cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người nghiện ma túy là 24 tháng trở lên. Trong thời gian này, nhân viên CTXH sẽ sát cánh cùng người cai nghiện ma túy trong việc học tập các kỹ năng phòng, chống tái nghiện, phòng lây lan các bệnh như lao, HIV, xây dựng lối sống, nếp sống có văn hóa... Thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn, tham vấn, các vấn đề thắc mắc của người cai nghiện sẽ được nhân viên CTXH giải đáp, giúp họ yên tâm hơn và thực hiện quá trình cai nghiện tốt hơn. Bên cạnh đó, bằng những kỹ năng của mình, nhân viên CTXH sẽ chia sẻ, lắng nghe, tư vấn, tham vấn về mặt thể chất, tâm lý, tinh thần, giúp người cai nghiện nhận ra những lỗi lầm để hồi phục nhân cách, vượt qua rào cản tinh thần để hòa nhập cộng đồng.

Thạc sĩ Công Hoàng Thuận - giảng viên Trường Đại học Lao động Xã hội cơ sở TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ lao động xã hội cho rằng: “Do chưa có đội ngũ những người làm CTXH chuyên nghiệp can thiệp trong lĩnh vực phòng, chống, cai và sau cai nghiện ma túy nên hiện nay, công tác này đang gặp nhiều khó khăn; tình trạng tái nghiện gia tăng. Các cấp, ngành, địa phương cần sớm phát triển đội ngũ những người làm CTXH ở cấp xã, phường, thị trấn và các cơ sở cai nghiện ma túy, có như vậy, tình hình cai nghiện và sau cai mới đạt được những kết quả mong đợi...”.

VĂN GIANG

Theo kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH trên địa bàn tỉnh, đến cuối năm 2013, 100% xã, phường, thị trấn có 1 nhân viên CTXH không chuyên trách; đào tạo, đào tạo lại chuyên ngành CTXH cho 195 người (trình độ trung cấp 165 người, trình độ cao đẳng, đại học 30 người); mỗi năm tập huấn nâng cao kỹ năng thực hành CTXH cho khoảng 885 cán bộ, công chức, viên chức. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 4 Trung tâm Bảo trợ xã hội đặt tại các huyện, thị xã, thành phố và tạo điều kiện phát triển mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, đồng thời xây dựng thí điểm 1 Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH…