09:09, 22/09/2012

Cần có lời giải cho bài toán xe buýt

Được xem là biện pháp hữu hiệu giải quyết sức ép về việc đáp ứng nhu cầu đi lại của số đông người dân, giảm ùn tắc giao thông…, thế nhưng, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt hiện đang có quá nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Được xem là biện pháp hữu hiệu giải quyết sức ép về việc đáp ứng nhu cầu đi lại của số đông người dân, giảm ùn tắc giao thông…, thế nhưng, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt hiện đang có quá nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Nghịch lý xe buýt tuyến nội thị

Xe buýt Nha Trang (Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ vận tải Khánh Hòa) hiện đang phục vụ vận chuyển hành khách trên 6 tuyến nội thị và các vùng lân cận. Những năm qua, các tuyến xe buýt này hoạt động dưới hình thức trợ giá của Nhà nước và tiền trợ giá liên tục tăng hàng năm, cụ thể là hơn 10,8 tỷ đồng năm 2009, tăng lên 13,4 tỷ đồng năm 2010, hơn 25,2 tỷ đồng năm 2011, dự kiến năm 2012 mức trợ giá sẽ tăng cao hơn. Nguyên nhân tăng trợ giá chủ yếu là do tiền lương cơ bản và giá nhiên liệu tăng...

Điều đáng nói, tuy tiền trợ giá tăng, doanh thu hàng năm tăng nhưng lượng khách đi xe buýt lại không tăng, thậm chí còn giảm. Năm 2008, Công ty vận chuyển hơn 9,4 triệu lượt khách, đến năm 2011 giảm còn hơn 8,4 triệu lượt. Ngoài tăng trợ giá, từ năm 2008 đến nay, xe buýt nội thị đã điều chỉnh tăng giá vé 2 lần; nhất là vé tháng. Theo đó, giá vé liên tuyến năm 2008 là 65.000 đồng, đến ngày 1-7-2011 tăng lên 107.000 đồng và đến 1-1-2012 tăng lên 125.000 đồng (vé tháng ưu tiên); tương tự vé tháng thường tăng từ 130.000 đồng năm 2008, đến nay là 210.000 đồng...

Các doanh nghiệp hiện gặp rất nhiều khó khăn về bến, bãi điểm đầu và điểm cuối tuyến. (Ảnh chụp tại bến xe buýt Quyết Thắng)

Các doanh nghiệp hiện gặp rất nhiều khó khăn về bến, bãi điểm đầu và điểm cuối tuyến. (Ảnh chụp tại bến xe buýt Quyết Thắng)

Theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ vận tải Khánh Hòa, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến lượng khách giảm; trong đó có nguyên nhân giá vé tăng và giảm tần suất vận chuyển khách. Hiện nay, có những tuyến, mỗi lượt xe cách nhau từ 25 - 30 phút. Chính điều này đã làm giảm tính thuận tiện trong nhu cầu đi lại của người dân, dẫn đến giảm lượng khách. Ông Đỗ Phi Phong, thành viên Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng: “Mỗi năm, ngân sách Nhà nước phải chi ra hàng chục tỷ đồng trợ giá cho xe buýt nhằm phục vụ lợi ích xã hội. Nhưng trên thực tế, với hoạt động hiện nay, xe buýt nội thị không những không mang lại lợi ích kinh tế mà mục đích xã hội cũng chưa đáp ứng được”. Còn theo ông Nguyễn Ngô - Phó Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, thực chất việc tăng giá vé chưa hẳn đã là nguyên nhân chính giảm lượng khách. Do đó, Công ty cần xem lại các yếu tố khác như biểu đồ chạy xe, chất lượng phục vụ, điểm dừng, đỗ xe... Bên cạnh đó, các ban, ngành chức năng cần quan tâm và đầu tư đúng mức kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ hoạt động VTHKCC bằng xe buýt; các doanh nghiệp (DN) cũng cần nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ hành khách.

Hỗ trợ kịp thời cho xe buýt xã hội hóa

Thực hiện chủ trương xã hội hóa VTHKCC bằng xe buýt, giảm trợ giá từ ngân sách Nhà nước, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 DN kinh doanh loại hình dịch vụ vận tải này, đó là Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ du lịch Phương Trang (xe buýt Phương Trang), Công ty TNHH Quyết Thắng Nha Trang (xe buýt Quyết Thắng). 2 tuyến xe buýt này đi vào hoạt động đã mang lại cơ hội để hành khách được lựa chọn phương tiện đi phù hợp và an toàn; đồng thời từng bước thay đổi thói quen đón xe, xuống xe tùy tiện của hành khách.

Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động, các DN gặp rất nhiều khó khăn, do chi phí xăng dầu, vật tư phụ tùng liên tục tăng cao ảnh hưởng đến doanh thu, trong khi DN chưa được sự quan tâm kịp thời từ phía Nhà nước. Theo ông Lê Minh Trung - Giám đốc Chi nhánh Phương Trang tại Nha Trang, hiện trung bình mỗi năm, Công ty bù lỗ khoảng 500 triệu đồng. Công ty đã nhiều lần kiến nghị các ngành chức năng về việc hỗ trợ bến, bãi, đầu tư cơ sở hạ tầng dọc tuyến như nhà chờ, điểm dừng đón, trả khách... nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Còn ông Nguyễn Thái Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Quyết Thắng Nha Trang cho biết: “Tuy Công ty không thua lỗ nhiều như xe buýt Phương Trang do cân đối được lượng khách nhưng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối thu chi. Nguyên nhân là do việc thuê bến bãi không ổn định; giá cả nhiên vật liệu đầu vào tăng cao nhưng giá vé không thể điều chỉnh tăng theo giá cả thị trường. Ngoài ra, việc cắm biển dừng đón, trả khách hiện nay cũng gặp khó khăn. Vì vậy, Công ty rất cần sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan Nhà nước”.

Nhằm giải quyết những khó khăn cho DN, theo ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, vừa qua, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về cơ chế ưu đãi trong hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hướng hỗ trợ của tỉnh không thực hiện như các tuyến nội thị là trợ giá dựa trên cơ sở tuyến xe buýt nào lỗ nhiều thì trợ giá nhiều, mà tiến dần đến việc trợ giá cho hành khách (tùy đối tượng) thay vì bù lỗ cho DN như hiện nay. Cách làm này (khách nhiều - trợ giá nhiều, khách ít - trợ giá ít) sẽ buộc các đơn vị phải thay đổi cung cách phục vụ để nâng cao chất lượng, thu hút khách, tăng doanh thu và giảm trợ giá cho Nhà nước.

Tuy cơ chế ưu đãi đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 15-3 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được do trong quá trình triển khai, các đơn vị vận tải gặp không ít khó khăn. Vì vậy, các cơ quan chức năng, trực tiếp là Sở Giao thông vận tải cần hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi hơn, giúp DN sớm tháo gỡ khó khăn. Đồng thời tăng cường kêu gọi các DN đầu tư xã hội hóa 2 tuyến xe buýt nội thị nhằm giảm trợ giá cho ngân sách Nhà nước.

KHÁNH HÀ

Toàn tỉnh hiện có 8 tuyến xe buýt hoạt động với 73 đầu xe; trong đó tuyến nội thị 44 đầu xe và 2 tuyến liên huyện 29 đầu xe. Trung bình mỗi năm, tuyến nội thị vận chuyển khoảng 8,8 triệu lượt khách; tuyến liên huyện vận chuyển khoảng 1,2 triệu lượt khách/tuyến.