Từ ngày 9 đến 11-8, tại TP. Nha Trang, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với Dự án hỗ trợ thực hiện chính sách (PIAP) tổ chức hội thảo pháp luật về Thủ đô.
Từ ngày 9 đến 11-8, tại TP. Nha Trang, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với Dự án hỗ trợ thực hiện chính sách (PIAP) tổ chức hội thảo pháp luật về Thủ đô.
Theo ông Đặng Đình Luyến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc xây dựng và ban hành Luật Thủ đô là cần thiết, nhằm thể chế hóa Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 đến 2020; đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập trong Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội hiện hành. Dự thảo Luật Thủ đô còn một số vấn đề về cơ chế, chính sách đối với sự phát triển của thủ đô trong giai đoạn mới chưa được sự đồng thuận cao, còn nhiều ý kiến khác nhau. Vì thế, cần nghiên cứu, thảo luận để hoàn thiện dự thảo Luật để góp phần phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm trung tâm chính trị của quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục… của cả nước.
Quang cảnh hội thảo |
Dự thảo Luật Thủ đô gồm 4 chương với 33 điều. Ngoài những quy định chung, dự thảo còn có các quy định cụ thể về chính sách và trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý thủ đô.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về những quy định cụ thể trong dự thảo về: quy định áp dụng mức xử phạt tiền cao hơn đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở nội thành; chính sách đặc thù cần thiết cho xây dựng, phát triển và quản lý thủ đô; quản lý dân cư thủ đô; chính sách, cơ chế tài chính cho thủ đô; cơ chế, chính sách quản lý và thực hiện quy hoạch thủ đô…
Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2000. Sau 10 năm thi hành, kinh tế Thủ đô Hà Nội liên tục phát triển với tốc độ cao theo hướng ổn định và bền vững. Sự nghiệp văn hóa - xã hội thủ đô tiếp tục được củng cố, phát triển. Công tác quy hoạch, quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị, quản lý xây dựng đạt được những kết quả quan trọng… Tuy nhiên, Thủ đô Hà Nội phát triển chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, thế mạnh vốn có; chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế còn hạn chế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; khả năng và mức độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp và nông thôn còn thấp…
K.N