11:08, 08/08/2012

Góp ý cho dự thảo nghị quyết về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội

Ngày 8-8, tại Nha Trang, Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

Ảnh minh họa

Ngày 8-8, tại Nha Trang, Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Dự hội nghị có các ông: Huỳnh Ngọc Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa.

Hội nghị lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung nghị quyết liên tịch số 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH. Nghị quyết này thực hiện được 7 năm, đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập, nhất là về hình thức, cách thức, phương pháp tiếp xúc cử tri; trong giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri…

Theo ông Huỳnh Ngọc Sơn, đổi mới trong công tác tiếp xúc cử tri là chủ trương và là yêu cầu quan trọng góp phần đảm bảo để Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung phải xác định nhiệm vụ trọng tâm là khắc phục hạn chế, bất cập trong hướng dẫn và tiếp tục thực hiện đổi mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri. Quá trình nghiên cứu cần kế thừa những quy định hiện hành còn phù hợp; bổ sung những quy định mới được rút ra từ thực tiễn hoạt động tiếp xúc cử tri của các ĐBQH; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật; đồng thời, bám sát vào những yêu cầu khách quan thực tiễn đặt ra, những góp ý, kiến nghị đòi hỏi của cử tri và nhân dân cả nước trong thời gian qua đối với hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH.

Đại biểu góp ý quy định tiếp xúc cử tri trước kỳ họp để thu thập các ý kiến cử tri là cần thiết nhưng nên xem xét lại quy định tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, vì hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng đã chuyển hóa khá đầy đủ và nhanh chóng thông tin kỳ họp đến cử tri cả nước. Đại biểu cũng đồng tình quy định UBND các cấp cử đại diện tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri vì như thế sẽ trực tiếp giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp mình… Ý kiến của các đại biểu tập trung vào nhiều vấn đề cụ thể như: trách nhiệm của ĐBQH, tiếp xúc cử tri định kỳ, trách nhiệm giải quyết và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri…

Dự thảo Nghị quyết liên tịch lần này gồm 6 chương, 40 điều.

K.N