Sáng 21-8, tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII tổ chức chất vấn trực tuyến Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền về đào tạo nghề và quản lý lao động người nước ngoài tại Việt Nam
. Cần giải quyết nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng
Sáng 21-8, tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII tổ chức chất vấn trực tuyến Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Phạm Thị Hải Chuyền về đào tạo nghề (ĐTN) và quản lý lao động người nước ngoài (NNN) tại Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tham dự phiên họp. Ở đầu cầu Khánh Hòa, ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; bà Lê Minh Hiền - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa tham dự.
Về công tác ĐTN, theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, sau 10 năm, số lượng tuyển sinh dạy nghề tăng từ 887.300 người năm 2001 lên 1.790.000 người vào năm 2011. Tỷ lệ lao động qua ĐTN năm 2011 đạt 32%. Về mục tiêu dạy nghề giai đoạn 2012 - 2020, đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua ĐTN đạt 40%, tương đương 23,5 triệu người; đến năm 2020, đạt tỷ lệ 55%, tương đương 34,4 triệu người.
Theo ý kiến đại biểu, lĩnh vực dạy nghề không nên để cả 2 bộ LĐ-TB-XH và Giáo dục - Đào tạo cùng quản lý như hiện nay, gây trùng lắp, lãng phí, hạn chế về nguồn lực; nên thống nhất quản lý nhà nước về một đầu mối. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của Bộ trưởng 2 bộ trên. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng trả lời nhiều ý kiến về hiệu quả công tác ĐTN; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác ĐTN gắn với giải quyết việc làm; công tác thanh tra, kiểm tra; quản lý quỹ học nghề; sự dàn trải trong đầu tư các trung tâm dạy nghề cấp huyện; chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số, những chính sách hỗ trợ đối với người dân các vùng bị thu hồi đất cho các dự án; hiện tượng thất nghiệp ảo để hưởng bảo hiểm thất nghiệp…
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và lãnh đạo Bộ Công an cũng giải trình nhiều nội dung về quản lý lao động NNN làm việc tại Việt Nam, đặc biệt là tình trạng lao động NNN không phép; nhiều lao động phổ thông NNN làm việc tại các dự án ở Việt Nam; chính sách đối với người lao động ở doanh nghiệp có chủ là NNN bỏ trốn… Theo Bộ LĐ-TB-XH, tháng 7-2012, có 77.087 lao động NNN làm việc tại Việt Nam, trong đó, có 74.438 người thuộc diện cấp giấy phép lao động (24.455 người trong số này chưa được cấp phép) và 2.649 người không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Lao động NNN làm việc tại Việt Nam đến từ hơn 60 quốc gia, trong đó, khoảng 58% mang quốc tịch các nước châu Á.
* Chiều cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tham gia phiên chất vấn. Tại đầu cầu Khánh Hòa, ông Trần Sơn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa; bà Lê Minh Hiền - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa tham dự.
Nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống NH là vấn đề mà các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn nhiều nhất. Nhiều câu hỏi được đặt ra như: biện pháp giải quyết nợ xấu, đến thời điểm nào tình hình nợ xấu sẽ được cải thiện, các giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn của NH… Một số vấn đề khác như tình trạng thâu tóm các NH, những vấn đề xung quanh lãi suất cho vay, lãi suất huy động, nhiều NH lỗ nặng nhưng vẫn báo lãi… cũng được các đại biểu đề cập.
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 5, nợ xấu của hệ thống là 117.723 tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ tín dụng. Còn theo kết quả giám sát của NHNN, đến ngày 31-3-2012, nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 202.090 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng.
Trả lời chất vấn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã phân tích tình hình nợ xấu, nhấn mạnh các giải pháp của NHNN để khắc phục tình trạng nợ xấu và yếu kém của NH hiện nay. Thống đốc cũng thẳng thắn và nghiêm túc nhận trách nhiệm về những thiếu sót của NH. Đó là tình trạng thừa NH yếu kém và thiếu NH có dịch vụ tốt. Chính vì thế, NH cần tái cấu trúc lại hệ thống để lành mạnh hơn, cung ứng vốn cho nền kinh tế và phục vụ người dân tốt hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những câu hỏi của đại biểu cũng như phần trả lời chất vấn của Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Đồng thời đề nghị Thống đốc suy nghĩ và nghiên cứu sâu thêm những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đã đặt ra trong phiên chất vấn để tiếp tục có biện pháp chỉ đạo thực hiện các giải pháp và lộ trình tái cấu trúc các NH yếu kém nhưng không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên, tiêu thụ nông sản; mở rộng phạm vi tín dụng, bảo đảm tăng dư nợ tín dụng để thúc đẩy kinh doanh; có chính sách tín dụng cho hộ nghèo; khẩn trương đánh giá tình hình nợ xấu để có biện pháp xử lý kịp thời, điều chỉnh tỷ giá, tăng dự trữ ngoại tệ cho Nhà nước.
K.N - B.K