Ngày 23-7, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Ngày 23-7, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN-TC) của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Tham gia làm việc, về phía tỉnh Khánh Hòa có ông Lê Đức Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Những năm qua, tình hình KN-TC của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai trên địa bàn Khánh Hòa chiếm tỷ lệ lớn và diễn biến khá phức tạp. Một số vụ việc không được xử lý dứt điểm từ cơ sở đã làm phát sinh gay gắt, kéo dài, tập trung chủ yếu là đơn thư khiếu nại liên quan về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Vì vậy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành trong tỉnh thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật trong giải quyết KN-TC và bồi thường giải tỏa, trong đó tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc phức tạp, nhất là các vụ khiếu nại đông người liên quan đến đất đai. Từ năm 2004 đến 2011, các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp nhận 19.913 đơn thư các loại. Qua phân loại, số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan này là 11.631 vụ, trong đó số vụ khiếu nại là 6.668 vụ (có 4.147 vụ khiếu nại về đất đai, chiếm gần 62,2% các vụ khiếu nại). Các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh đã xem xét, giải quyết 4.130 đơn thư khiếu nại về đất đai. Tính đến tháng 10-2011, toàn tỉnh còn tồn đọng 17 vụ khiếu nại về đất đai đang được các cơ quan thẩm tra, xác minh cụ thể…
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Khánh Hòa. |
Qua nghe báo cáo, các thành viên trong đoàn giám sát đề nghị lãnh đạo tỉnh nêu nguyên nhân các vụ tồn đọng; thống kê số lượng đơn thư KN-TC đúng, sai; nguyên nhân xuất phát các khiếu kiện; đề nghị tỉnh bổ sung cụ thể các kiến nghị vào báo cáo… Đồng chí Lê Đức Vinh đã giải trình, nêu rõ những thuận lợi và khó khăn trong công tác giải quyết KN-TC cáo; đồng thời kiến nghị với đoàn giám sát nhiều vấn đề liên quan đến công tác này.
Thay mặt đoàn, ông Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao công tác giải quyết KN-TC của tỉnh trong thời gian qua. Ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng, những giải trình, kiến nghị của tỉnh rất thực tiễn. Những kiến nghị của tỉnh sẽ được đoàn ghi nhận đầy đủ để tổng hợp vào báo cáo chung trình Quốc hội.
° Cùng ngày, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng làm việc với UBND TP. Nha Trang về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Theo báo cáo của UBND TP. Nha Trang, từ năm 2004 đến năm 2011, TP. Nha Trang tiếp nhận 2.435 vụ KN-TC, kiến nghị về lĩnh vực đất đai. Thành phố đã xem xét giải quyết 2.396 vụ, chiếm 98,4%; đến cuối năm 2011 tồn 39 vụ đang được thẩm tra, xác minh. KN-TC của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai chủ yếu về bồi thường, hỗ trợ khi bị giải tỏa thực hiện các dự án đầu tư, khiếu nại về giá bồi thường, chính sách hỗ trợ khi người dân bị thu hồi đất, về giao đất tái định cư… Phần lớn các quyết định hành chính về đất đai của thành phố đều tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành… Nguyên nhân phát sinh KN-TC các quyết định hành chính về đất đai chủ yếu là do sự bất cập của hệ thống chính sách pháp luật về đất đai. UBND TP. Nha Trang đã kiến nghị với Đoàn giám sát một số vấn đề như: cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai; sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, chính sách giải tỏa, đền bù, tái định cư, đặc biệt là khung giá đất; tăng cường công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai nhằm chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, không để xảy ra vi phạm kéo dài; đề nghị điều chỉnh quy trình lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cho kỳ kế hoạch một cách hợp lý.
Đoàn giám sát đề nghị UBND TP. Nha Trang tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai. Qua công tác thực tiễn cần kịp thời kiến nghị các quy định bất cập, vướng mắc hoặc không phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương để Quốc hội nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
HOÀNG TRIỀU - B.K