Kể từ 1-8-2011, việc giám sát nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia sẽ thực hiện theo hướng dẫn mới vừa được Bộ Tài chính ban hành...
Kể từ 1-8-2011, việc giám sát nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia sẽ thực hiện theo hướng dẫn mới vừa được Bộ Tài chính ban hành.
Mục đích là thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn nợ, duy trì danh mục nợ hợp lý trong giới hạn an toàn về nợ, đảm bảo sự bền vững nợ về mặt dài hạn, an ninh tài chính và tiền tệ quốc gia; xác định sớm rủi ro tiềm ẩn; tăng cường minh bạch tài chính; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ.
Theo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), việc xây dựng phương pháp tính toán các chỉ tiêu giám sát nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia còn hướng đến mục tiêu giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, cũng như Bộ Tài chính có cơ sở để đề xuất với Chính phủ điều chỉnh danh mục nợ kịp thời, tối ưu hoá các phương án huy động vốn.
Đây còn là cơ sở cho việc hoạch định chính sách, mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công và nợ nước ngoài trong từng giai đoạn. Ngoài ra, việc đổi mới phương pháp giám sát nợ công, cũng như nợ nước ngoài còn giúp các tổ chức, đơn vị sử dụng vốn vay tự theo dõi quá trình hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, nhận biết được những trường hợp bất thường để sớm có giải pháp khắc phục, phát triển.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, nợ nước ngoài của Việt Nam đến hết quý II/2010 trên 29 tỷ USD và trong 6 tháng đầu năm 2010, Việt Nam đã trả cho chủ nợ nước ngoài là 741,24 triệu USD.
Trong khi nợ nước ngoài có lãi suất cố định thấp (0-0,99%/năm) hầu như không tăng, chỉ vào khoảng 290 triệu USD, thì nợ phải trả lãi suất cao lên tới 6-10%/năm tăng mạnh trong hơn 1 năm qua.
Mặc dù nợ nước ngoài của Việt Nam liên tục gia tăng, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, nợ nước ngoài nói riêng, nợ chính phủ nói chung của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn nếu so sánh với các chỉ tiêu theo khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế.
Theo VOV