Phải đến gần mười lăm năm, nay chị mới có dịp theo chồng về dự đám giỗ ở quê. Hồi còn trẻ, không ít lần chị đã về đây, nhưng sau đó, công việc bận rộn, đồng thời phải chăm sóc mẹ già của anh, rồi đến mẹ của mình nên dù muốn lắm, chị vẫn không thể rời thành phố để đi được. Năm nay, nhờ người trông bà cụ, thế là chị tranh thủ mấy ngày.
Đường xa mấy trăm cây số, lên tàu, xuống xe mấy lượt, chị không thấy mệt, vậy mà khi chuẩn bị đến nơi lại thấy hồi hộp. Chị lo không biết mọi người đón tiếp mình ra sao và mình sẽ tham gia chuẩn bị cho việc giỗ tiệc thế nào, bởi chị không rành chuyện nấu nướng, vả lại ẩm thực mỗi nơi một cách, không giống nhau. Chị nói với anh tâm trạng của mình. Anh cười, bảo: Đừng lo, tới đâu hay tới đó! Mọi người sẽ rất quý em cho mà xem!
Không khí đầm ấm trong ngày giỗ ở quê. |
Đúng như lời anh nói. Thì ra, chị quá lo xa. Hôm nay giỗ tổ chức tại nhà thờ họ. Do trễ xe, nên lúc chị đến, bà con họ hàng đã tập trung đông đủ. Đám chị em quây quần lo việc nấu nướng, còn thanh niên, người kê bàn ghế, người bày biện các thứ lên bàn thờ. Thấy chị có mặt, ai nấy đều vui mừng, hỏi han ríu rít, cứ như chị là con dâu mới về lần đầu. Chị muốn chung tay lo chuẩn bị các món nhưng ai cũng can ngăn, không cho. Cuối cùng chị cũng xí được một việc, đó là lau chén bát. Ở thành phố lâu ngày, hôm nay chị mới được hòa vào không khí rộn ràng của ngày giỗ ở làng quê. Đông người nên chẳng bao lâu, các món đã được dâng lên để cúng. Ông bác, người cao tuổi nhất mặc áo dài lam, trịnh trọng thắp hương khấn vái. Con cháu trong họ đứng thành hàng im phăng phắc. Hương tàn, mọi người quây quần quanh chục chiếc bàn bày biện đầy thức ăn. Ngoài những món thông thường như ở thành phố, tại đây còn có nhiều món lạ: Chuối chát non làm dưa chua ép thành hình những con cá; xôi năm màu nhuộm bằng các loại củ quả; bánh tét có nhân chuối chát tạo thành hình ngôi sao có màu hồng ở giữa; cà ri nấu bằng củ khoai mài đào từ trong rừng; thịt bò nhúng nước cam vắt; phía trên bàn cỗ là chiếc bánh tráng nướng thật to, vàng rụm…
Ở các làng quê, mỗi lần có đám giỗ là dịp để con cháu hướng về ông bà, tổ tiên, về nguồn cội của mình, và cũng để bà con, hàng xóm láng giềng, bạn bè thân hữu gặp gỡ, trò chuyện, tâm tình, qua đó tình cảm gắn bó thân thiết hơn. Bữa giỗ ở quê chồng chị cũng vậy, diễn ra đầm ấm. Bàn nào cũng râm ran tiếng cười nói. Mọi người vừa ăn uống vừa trao đổi về chuyện con cái, chuyện mùa màng. Chỗ chị ngồi, mọi người quan tâm gắp thức ăn cho chị. Ai cũng nói: “Gặp em vui lắm, lần sau cố gắng về”. Chị chỉ biết gật đầu, cảm ơn rồi cười. Ông bác chủ trì bữa cúng tỏ ra hài lòng khi thấy con cháu tựu tề đông đủ. Ông không ăn gì, cứ đi qua đi lại các bàn, đến chỗ vợ chồng chị, ông nói nhỏ: “Ăn đi con, chứ không đi đường xa đói đấy!”.
Tiệc tàn, biết là ở thêm sẽ rất vui nhưng chị phải về. Chị chia tay mọi người trong sự bịn rịn. Khi vợ chồng ra đến sân, một đứa em còn chạy theo giúi vào tay chị chiếc túi đựng các loại bánh lá. Đi một đoạn, chị xúc động nói với chồng: “Ở quê mình, bà con tình cảm quá anh nhỉ!”.
Người phụ nữ vừa theo chồng về quê ăn đám giỗ ấy, chính là tôi.
NGỌC ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin