21:15, 16/01/2024

Một bữa cơm chiều

Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Tài

Năm học lớp 12 (năm 1999), sau kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, tôi và 3 đứa bạn được gọi vào đội tuyển để chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia môn Sinh học và Địa lý. Trước ngày đi, thầy hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi trích quỹ cấp mỗi đứa hai trăm năm mươi ngàn đồng để tiêu vặt. Tôi đưa chị hai trăm ngàn đồng để mua thuốc cho má, cầm năm mươi ngàn đồng lên xe đò vào Nha Trang sách đèn mong mang vinh quang về cho mọi người nở mày nở mặt.

Ảnh: KHANG NGUYỄN
Ảnh: KHANG NGUYỄN

Bốn đứa tôi ở phòng trọ số 13 khu ký túc xá Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Mỗi sáng, tụi tôi đạp xe đến Trường THPT Lý Tự Trọng học văn hóa, chiều về học bồi dưỡng ở trường Lê Quý Đôn. Vì là dân "đội tuyển" và học khá giỏi nên chúng tôi được nhiều đặc cách, trên lớp không bị dò bài hay kiểm tra mười lăm phút, một tiết. Mai mốt về trường sẽ được thầy cô cho làm bài lại... Trưa và tối, chúng tôi được các cô làm bếp nấu sẵn, dọn lên bàn, chỉ việc ăn rồi lên phòng học bài hay đi lòng vòng đâu đó quanh trường.

Nha Trang - Ninh Hòa cách nhau chưa tới ba mươi cây số, dù nhớ nhà nhưng tôi chẳng dám về vì không có tiền xe. Đêm nằm thút thít khóc nhớ nhà như mấy đứa con nít thèm hơi mẹ. Cuối tháng, tụi tôi được "phát lương" mấy trăm ngàn đồng. Việc đầu tiên tôi làm là ra chợ mua cái áo lạnh cũ màu ruốc (còn giữ tới tận bây giờ), còn bao nhiêu ra bưu điện chuyển hết về cho má.

Không cần chờ lâu, chỉ tuần sau thôi, ba có việc ghé Nha Trang, sẵn qua thăm thằng con út. Nghe chú bảo vệ báo, tôi chân thấp chân cao chạy ra cổng. Gặp nhau hai cha con mừng mừng tủi tủi, ngồi trên ghế đá sân trường nói đủ thứ chuyện. Một đỗi, ba bảo đói bụng, thôi cha con mình kiếm quán cơm nào ăn. Tôi dẫn ba ra đầu hẻm, gọi đĩa cơm sườn, ông ăn ngon lành. Tôi lặng im nhìn dáng ba gầy gò, đôi má hóp sâu, áo sờn vai bạc màu, co ro trong gió biển thổi vào se se lạnh mà thương. Sao bây ốm dữ? Dạ ở đây người ta nấu con ăn không quen. Thôi để ba về nói với mấy đứa nó kho cho bây một nồi thịt ba chỉ, nồi cá cơm với mua mớ cá hố mặn gửi vô. Nghe ba nói nhiêu đó thôi mà mừng như bắt được vàng. Trời này lạnh, ở nhà đúc bánh xèo ăn chắc ngon ba heng. Cần chi lạnh, má bây ngày nào mà không ra quán dì Tám ăn bánh xèo. 

Ba ăn xong, phố đã lên đèn. Tối rồi. Ba đứng dậy móc trong mấy lớp áo, lôi ra mấy tờ bạc trả tiền cơm rồi kêu xe ôm ra bến cho kịp chuyến cuối về Ninh Hòa. Ba dúi vào tay tôi một trăm ngàn đồng, bây cầm mà xài, kiếm cái gì ăn thêm. Đừng nhịn thèm hoài nhen con, bệnh đó. Thôi ba về, bữa nào học xong nhớ về kẻo má bây nhớ. Tôi đứng thẫn thờ bên vệ đường, nhìn dáng gầy gò mang ba lô trên vai khuất vào dòng xe mà nước mắt không kìm lại được.

Khoảng nửa năm sau, tôi bắt đầu cuộc đời miên viễn. Năm cha con rời quê mà không biết ngày trở về cùng má. Những ngày đầu đến Mỹ, tụi tôi lo đi học, đi làm kiếm sống, ba ở nhà thui thủi hết đi ra đằng trước, tới quay lại ngõ sau. Đói thì mở tủ lạnh lấy đồ ăn, buồn mở radio lên nghe, rồi vô ngủ. Bữa nào tôi đi học về sớm, hai cha con mở cải lương nghe. 

Sau một năm sống ở Mỹ, nỗi cô đơn và mùa đông giá lạnh đã bào mòn sức khỏe của ba. Ông bị suyễn, thấp khớp, huyết áp cao, đi một quãng phải ngừng lại nghỉ ngơi. Gần một ngàn ngày xa xứ, ba luôn bảo ông nhớ Ninh Hòa, nhớ má. Ba hay bảo ba thèm bữa cơm nhà. Nhớ thau cá rô đâm xóc, mấy con cá trầu nấu canh chua bắp chuối, món chình nướng nghệ, con cua, con rạm vùi trong tro nóng, hay cái đêm ba đi đơm về được mấy thùng tép. Ngồi ở đất nước xa xôi, ba vẫn nhắc anh chị bên nhà ráng giữ gìn cái ghe cũ, mấy tấm lưới treo trên mái nhà và mớ cần câu bén ngót. Tụi bây có đi đâu, làm tối cỡ nào cũng phải về nhà ăn cơm cho có không khí.

Lời dặn của ba vẫn thoang thoảng bên tai mà bóng dáng thân quen đã khuất mờ trong làn khói trắng.

Lần nào về tôi cũng ghé lại Nha Trang đôi lần thăm bạn bè, gặp vài người quen cũ. Phố biển vốn đã nhộn nhịp rồi, giờ trở mình phát triển, đông đen du khách, ồn ào hơn. Những đứa bạn cùng học năm xưa giờ ở Sài Gòn, thỉnh thoảng có gặp. Thỉnh thoảng tôi hay chạy ngang nhìn lại sân trường và dãy ký túc xá Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn năm cũ. Họ dọn qua chỗ mới, khu ấy giờ thành trường tiểu học. Tôi đứng tần ngần nhìn căn phòng số 13 mà thơ thẩn nhớ lung tung.

Và mỗi lần đi ngang qua quán cơm năm cũ, cảm xúc lại ùa về, bổi hổi bồi hồi, rưng rưng muốn khóc. Tôi chẳng còn là một cậu học trò ốm yếu không tiền mua áo ấm, cũng thưa đi mái tóc bồng bềnh trên vầng trán cao, nhưng hình như kỷ niệm và ký ức thì chẳng bao giờ biến mất.

Ba có nhớ không, hai cha con mình ngồi ngay chỗ này nè, con bảo mới ăn tối rồi nên nhường hết cho ba. Ba chê sườn quán này khô quá, không bằng miếng thịt ba chỉ ướp thấm của dì Tư. Chén canh ở đây cũng toàn bột ngọt, không đậm đà như xoong canh bầu cá thu của má bây. Ba kêu con bữa nào được nghỉ học, tranh thủ về ăn bữa cơm nhà. Không có bây ăn cùng, nhà quạnh hiu quá. Con im im không nói, chỉ dõi mắt ngó dáng người ôm ốm, mái tóc phong sương của ba mà khóc không thành tiếng.

Chiều rơi xuống rộn ràng phố biển. Ẩn hiện trong làn sương mờ ký ức, bóng ba hao gầy, ngồi co ro trong quán cơm bên thằng con trai tuổi mười tám gầy gò còn mãi trong lòng tôi...

Nguyễn Hữu Tài