Tuổi thơ của thế hệ chúng tôi chỉ có 2 cánh cửa mở ra thế giới ngoài làng quê, thứ nhất là chiếc loa phóng thanh công cộng gắn ngay trên đầu nhà kho của Hợp tác xã và thứ hai là những cuốn sách hiếm hoi có được. Thời đó, mọi tin tức thời sự, ca nhạc, chương trình thiếu nhi, đọc chuyện đêm khuya…tất tần tật đều nghe từ chiếc loa đó. Tiếng loa quen thuộc đến mức ở quê không cần có đồng hồ, chỉ nghe các chương trình là biết chính xác giờ giấc bởi mỗi chương trình có khung giờ riêng.
Tuổi thơ của thế hệ chúng tôi chỉ có 2 cánh cửa mở ra thế giới ngoài làng quê, thứ nhất là chiếc loa phóng thanh công cộng gắn ngay trên đầu nhà kho của Hợp tác xã và thứ hai là những cuốn sách hiếm hoi có được. Thời đó, mọi tin tức thời sự, ca nhạc, chương trình thiếu nhi, đọc chuyện đêm khuya…tất tần tật đều nghe từ chiếc loa đó. Tiếng loa quen thuộc đến mức ở quê không cần có đồng hồ, chỉ nghe các chương trình là biết chính xác giờ giấc bởi mỗi chương trình có khung giờ riêng.
Những người lớn lên trong thập niên 70 ở miền Bắc, hẳn không ai quên giờ đọc truyện thiếu nhi trên đài phát thanh. “Những tấm lòng cao cả” của Edmondo De Amicis, “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi… qua giọng đọc truyền cảm của nghệ sĩ Tuệ Minh đã khắc sâu trong ký ức của cả một thế hệ. Những bài học về đạo đức, lương tâm, trách nhiệm… của con người sao được viết ra giản dị và hấp dẫn đến vậy. Tôi vẫn tin thế hệ của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, của Nguyễn Văn Thạc… đã đi vào cuộc kháng chiến với tâm hồn trong trẻo thế, chắc chắn từ ảnh hưởng của những giờ đọc truyện này.
Còn sách thì… thời đó ở thị trấn huyện mới có một hiệu sách nhỏ. Những buổi được tan học sớm, bọn tôi ghé vào hiệu sách, thèm thuồng đứng ngắm những cuốn sách từ xa. Sách được bày trên những cái giá xa lắc, có chiếc quầy ngăn cách người mua. Mua cuốn nào thì chỉ cuốn đó, cô bán hàng sẽ đưa cho và tính tiền. Để dành mãi mới đủ tiền mua những cuốn truyện thiếu nhi nổi tiếng một thời Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, Mái trường thân yêu, Câu chuyện bên Đầm Đông…Bây giờ vào các nhà sách, có ngăn riêng cho tụi trẻ “đọc cọp”, ghế ngồi, máy lạnh mát rượi, thấy đúng là thần tiên so với hồi xưa.
Tôi có cuốn sách của riêng mình đầu tiên là phần thưởng cho học sinh tiên tiến cuối năm lớp Một. Thời đó, mỗi lớp vào dịp tổng kết năm chỉ có dăm ba đứa đạt danh hiệu này, hãnh diện vô cùng. Buổi lễ tổng kết được lên đứng trước toàn trường, thầy Hiệu trưởng đích thân tặng Giấy khen và phần thưởng. Phần thưởng chỉ là cuốn truyện thiếu nhi mỏng, nhưng khi nhận sao thấy sung sướng vô ngần. Tôi nhớ đến giờ cuốn truyện đầu đời mà tôi được thưởng là cuốn “Mùa săn trên núi”. Tác giả chắc là nhà văn nào đó người miền Nam ra tập kết, nhớ Tây Nguyên nên viết về cuộc sống của một buôn người Ba Na với những cuộc đi săn thú nơi đại ngàn đã mê hoặc đứa học trò quê, đi theo tôi suốt cuộc đời. Rồi những năm sau, năm nào tôi cũng cố gắng học cho tốt để cuối năm được tặng sách.
Thời bao cấp, bạn bè hay tặng nhau sách. Nhất là khi nhà xuất bản Cầu Vồng của Liên Xô in hàng loạt các tác phẩm kinh điển theo chương trình tài trợ văn hóa. Những bộ Đất vỡ hoang, Tuyển tập R. Gamzatov, Tuyển tập Puskin, Rừng Nga… làm sang trọng cả giá sách. Sang trọng bởi sách hay, in giấy tốt, bìa cứng, quá đẹp so với sách của ta hồi ấy in giấy đen, bìa tiết kiệm hầu như không có bìa lót. Sau này tôi phải ngậm ngùi thanh lý tủ sách mua những năm thập kỷ 80-90 vì giấy quá đen, chữ in mờ, không thể đọc được nữa. Bỏ đi những cuốn mà trang bìa trong ghi ngày tháng, địa điểm mua…tiếc đứt ruột! Thời mở cửa, sách tự in dễ dàng. Ai muốn in sách chỉ cần bỏ ra hơn chục triệu là có tập truyện ngắn, thơ, tập ký…Bạn bè tôi in sách, khi tặng tôi cười bảo đa phần để tặng bạn bè chứ chả mấy người tính chuyện bán sách làm giàu, huề vốn là mừng lắm lắm rồi.
Nhớ một thời đại học, hễ muốn tìm nhau thì cứ đến thư viện mà tìm, ai cũng chúi mũi vào một cuốn sách nào đó. Mùa làm luận văn tốt nghiệp, đám sinh viên năm cuối hầu như ngồi đồng cả ngày ở thư viện Quốc gia trên đường Tràng Thi… Ngày nay thời thế thay đổi, lớp trẻ ai cũng dán mắt vào điện thoại. Dù cho có làm luận văn thì cứ lên mạng tìm một hồi cũng đủ cả thông tin cần, đọc chi cho mất thời gian. Kiếm được người đọc sách là một việc làm có vẻ hiếm hoi. Tất tần tật trên mạng qua cái điện thoại.
Cái thời nó phải thế mà, dẫu Nhà nước phải chọn hẳn một ngày Sách Việt Nam để tôn vinh sách và văn hóa đọc.
Thủy Ngân