Bây giờ, hầu như bất cứ gia đình nào từ thành thị đến nông thôn đều dùng nồi cơm điện. Mua một nồi cơm điện luôn kèm theo cái muỗng xới cơm bằng nhựa. Theo thời gian, nồi cơm điện có thể hư, thay nồi mới nhưng cái muỗng xới cơm vẫn còn sử dụng hoài, nhà tôi có đến mấy cái. Thế nên, nhiều người trẻ bây giờ không thể nào biết được ngày xưa có đôi đũa cả.
Bây giờ, hầu như bất cứ gia đình nào từ thành thị đến nông thôn đều dùng nồi cơm điện. Mua một nồi cơm điện luôn kèm theo cái muỗng xới cơm bằng nhựa. Theo thời gian, nồi cơm điện có thể hư, thay nồi mới nhưng cái muỗng xới cơm vẫn còn sử dụng hoài, nhà tôi có đến mấy cái. Thế nên, nhiều người trẻ bây giờ không thể nào biết được ngày xưa có đôi đũa cả.
Gia đình tôi quen theo cách gọi “đũa cả” do ba tôi là người Bắc. Tôi đoán, có lẽ bởi nó là đôi đũa lớn nhất (anh cả) trong các loại đũa. Mẹ tôi dân Thành, bà gọi đơn giản hơn là đôi đũa bếp, làm bằng tre dài, một đầu to hơi bè, một đầu nhỏ hơn. Thế nhưng, mẹ lại có đến hai loại đũa bếp. Một đôi dài hơn đôi đũa ăn cơm bình thường, dùng để chiên xào, tránh dầu mỡ bắn vào tay. Đôi đũa ấy bây giờ vẫn thấy trong nhiều gia đình, chưa có dụng cụ nào thay thế. Loại thứ hai là đũa cả, ngoài nhiệm vụ chính để xới nồi cơm, nó còn dùng trở đầu gắp than hồng, bắc nồi…
Thế hệ tôi, nói về đôi đũa cả bất cứ ai đều nghĩ ngay đến bữa cơm gia đình đông đủ mà ngày xưa thường bày ra trên chiếc chiếu. Vị trí từng người cố định. Như mẹ thường ngồi cạnh nồi cơm làm công việc bới cho từng người, gọi là ngồi đầu nồi. Người ngồi đầu nồi phải ăn thong thả, ý tứ quan sát mọi người, ai sắp hết cơm thì dừng ăn và chờ sẵn sàng để bới cơm. Ba có thể ngồi chính giữa, bên đối diện mẹ. Những đứa con thì tùy, cố định hay thay đổi ngẫu hứng. Nhà có dâu thì con dâu ngồi đầu nồi đối diện với mẹ, để có thể thay mẹ bới cơm, bởi trong bữa ăn mẹ hay đứng lên lấy thêm thứ này, thứ khác.
Ngôi nhà cũ hồi ấy của chúng tôi có nhà trên và nhà dưới được ngăn cách bởi một cái sân khá rộng. Chiều xuống, mẹ còn ở trong bếp thì ba trải chiếc chiếu ra giữa sân. Có lúc ba trải sớm hơn thì mẹ hiểu là ba đang đói bụng, khiến bà nhanh tay trong bếp hơn. Mỗi người một việc, đứa lau chén, đứa bê nồi cơm… Loáng một cái trên chiếc chiếu đã đầy đủ các món trên mâm cơm, chén đũa cho từng người. Mở vung nồi cơm bốc khói, đầu tiên mẹ xới lên cho tơi rồi bới vào từng chén. Nhà đông con, mẹ bới một lượt, chưa kịp ăn đã có đứa đưa cái chén không cho mẹ bới thêm chén nữa. Nhiều lúc sạch nồi mà mẹ chưa có hạt nào vào bụng là bình thường.
Cơm nấu bằng nồi gang mới ngon. Để có được cơm mềm, dẻo bên trên và miếng cơm cháy giòn, vàng ươm dưới đáy nồi là điều căn bản của việc “biết” nấu cơm. Người vụng về, nấu ra nồi cơm “trên sống, dưới khê, bốn bề nhão nhoét”. Bởi thế, bài học đầu tiên khi vào bếp của người phụ nữ có lẽ là việc nấu cơm. Hồi đó mẹ tôi kỹ lắm, trước khi nấu phải mang gạo ra lượm các tạp chất (nếu có)… Sau đó có thể ngâm gạo cho mềm hay chỉ cần vo sạch rồi để ráo trong rá. Chờ nước sôi mới đổ gạo vào và phải ngồi ngay bếp canh chừng để nồi cơm không bị sôi trào làm tắt bếp, có thể khiến tro bay lên tứ tung.
Cơm sôi, lấy đũa cả đảo một vòng rồi hé vung chờ cơm cạn nước. Sau cùng, cời than bên dưới lò tản ra cho đều, lửa nóng vừa đủ chín cơm, đồng thời gắp một ít than hồng để lên nắp nồi cho cơm chín bên trên. Cơm chín, giở vung, lấy đôi đũa bếp xới lên cho cơm chín đều, tơi, ngon. Tôi cam đoan bây giờ khó tìm các cô gái thế hệ từ 8X về sau nấu được nồi cơm cho khéo. Cơm ngon là hạt cơm tơi, rời, mềm và bên dưới có miếng cháy vàng ươm, rất gợi thèm. Có người thích ăn cơm cháy giòn, vàng sậm, có người thích cơm chảy mềm, vàng nhẹ. Biết ba tôi thích ăn cơm cháy, mẹ xới cho ba chén cơm cuối luôn có miếng cháy nhỏ. Ông cầm tay miếng cơm cháy chấm với nước cá kho hay thịt kho, nhai giòn rụm trong miệng. Đám con lau nhau đưa chén cho mẹ mong được miếng cơm cháy. Đó là bức tranh chiều bình yên, thân thương quá đỗi của bất cứ gia đình nào.
“Anh về bán bộ trã rang/Bán đôi đũa bếp, cưới nàng có dư”, chợt nhớ câu ca dao ngày xưa mẹ tôi thường hay đọc, bỗng dưng lại thấy thấm thía. Ngày xưa đôi đũa bếp quý giá đến vậy, theo ý tôi là nói lên mối gắn kết tình cảm vợ chồng, cha mẹ, con cái với bữa cơm ngon mà nồi cơm làm “chủ đạo”.
ĐÀO THỊ THANH TUYỀN