Ra Bắc, người đi cùng nói tiếng Nghệ An, tiếng Bình Định dặn mình, đừng mở miệng nói gì nha, nhứt là đừng hỏi đường, hỏi giá, hỏi ăn uống quán xá, để người Bắc Trung Bộ ngoại giao cho. Ý là sợ lạ nước lạ cái, vả lại ngôn ngữ vùng miền nói cũng không ai nghe đâu.
Ra Bắc, người đi cùng nói tiếng Nghệ An, tiếng Bình Định dặn mình, đừng mở miệng nói gì nha, nhứt là đừng hỏi đường, hỏi giá, hỏi ăn uống quán xá, để người Bắc Trung Bộ ngoại giao cho. Ý là sợ lạ nước lạ cái, vả lại ngôn ngữ vùng miền nói cũng không ai nghe đâu. Tức quá, người Nha Trang cướp lời ai nấy gật gù trầm trồ, bác ở Sài Gòn mới ra à, bác cần gì nào, đấy đấy đường XYZ lối này. Bác nửa buồn nửa vui, ngó bộ giọng mình chuẩn như phát thanh viên miền Nam thiệt. Rồi nhớ mình vô Sài Gòn, người Sài Gòn biết mình ở Nha Trang lấy làm ngạc nhiên lắm, ủa dân Nha Trang sao không nói tiếng... nẫu? Mình cãi, làm gì có, này mới là tiếng Nha Trang chính cống nè. Nói vậy chớ vừa phân bua cũng vừa hạ bớt cao độ xuống, bởi bất cẩn là giọng của mình lọt ra vùng ven ngay.
Hồi đi học cao đẳng, sinh viên đến từ mọi huyện, thị trong tỉnh Khánh Hòa, chỉ có một nhúm người Nha Trang nói giọng khác hẳn, nhận ra ngay lập tức. Còn ngay dân Nha Trang với nhau cũng dễ dàng phân biệt được giọng của dân ở Chợ Mới hay xóm Cồn, Chụt, Bích Đầm, Lương Sơn... , cứ mở miệng nói là biết địa chỉ ngay. Kiểu như trong cùng một nhà thì anh chị em ruột không tự nhận thấy mình giống nhau cho dù người ngoài nhìn vô ai cũng nói là một mặt.
Có nghĩa là, ra khỏi cái lõm thị tứ bằng bàn tay thì giọng nói lập tức có âm sắc khác ngay. Nói cách khác, người nói “tiếng Nha Trang” là thiểu số. Giọng Nha Trang phát âm không bị bè, bẹt hay vo lại ở một số từ, không có quãng cao đột ngột ở đầu câu, cuối câu. Tuy nhiên vẫn mắc cái lỗi chung là không phân biệt được hỏi ngã, đuôi n hay ng, gi và d, v đều nói như nhau, s và x cũng vậy... Tất nhiên loại trừ tập luyện và uốn giọng một cách cố ý để phát âm theo chuẩn chung.
Nhưng hóa ra giọng “nẫu” theo số đông mới đúng là giọng chính của Khánh Hòa sao?
Nhà nghiên cứu Quách Tấn viết trong “Xứ Trầm hương” rằng: “Người Khánh Hòa không có tiếng nói nào khác hơn tiếng Việt. Giọng nói giống giọng Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận. Những người không rành, không thể phân biệt được điểm khác trong chỗ lên xuống nặng nhẹ của giọng nói 5 tỉnh miền Nam Trung Nguyên Trung phần. Không có những thổ âm riêng biệt như ở Huế trở ra”.
Ngược dòng lịch sử, giữa thế kỷ XVII khi chúa Nguyễn mở đất về phương Nam thì đã lập nên hai phủ Diên Ninh và Thái Khang, khi đó vùng đất ven biển Nha Trang còn chưa có tên trên bản đồ, không nhà cửa dân cư. Đầu thế kỷ XX, thị xã duyên hải mới dần dà hình thành, bắt đầu bằng những cơ sở tôn giáo và dinh thự của quan Tây dọc theo con đường biển. Dân cư ở rải rác từng cụm dọc theo bến bãi đầm phá sông nước. Năm 1940, gia đình nội ngoại của tôi gồng gánh nhau đi từ Huế cùng với rất nhiều người xa lạ từ nơi khác tha phương lập nghiệp, đậu lại mảnh đất hoang sơ ít người, lắm mồ mả, động cát này, dựng lên những ngôi nhà tranh đầu tiên ở Xóm Mới nhìn ra biển lớn. Gàu nước vục từ giếng lên luôn có vị mặn, nhà trống tênh đón gió khơi xa. Chỉ trong vòng 10, 20 năm sau, Nha Trang đã vụt trở thành chốn phồn hoa đô thị, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa. Tôi lớn lên từ đây, vẫn đinh ninh Nha Trang là cả thế giới cho đến khi biết coi bản đồ mới thấy cái thị xã ven biển của mình chẳng khác nào cái balcon trên con tàu Khánh Hòa hướng ra biển. Cái balcon ấy đón bão táp phong ba lẫn ơn phước lộc lành đầu tiên, chào đón đãi đằng khách thương hồ, chấp nhận mọi sự khác biệt gạn đục khơi trong để dung hòa...
Đất lành chim đậu, riêng gia đình tôi đã xuất hiện đời thứ 5 tính từ khi ông bà nội ngoại dừng chân trụ lại. Đời ông bà vẫn giữ giọng nói của cố hương. Đến đời cha mẹ tôi thì rơi rụng quá nửa, thậm chí còn có thể nói hai giọng như nghệ sĩ lồng tiếng khi ngoảnh qua người ngoài thì nói tiếng Nha Trang, quay mặt lại người nhà thì nói tiếng Huế. Thế hệ tiếp theo, tiếp theo nữa là hoàn toàn chỉ còn một thứ tiếng, tiếng Nha Trang.
Nha Trang bây giờ mở rộng ra gấp đôi gấp ba, người từ nội thành cũng giãn ra vùng ven theo đường kính mở, người mới đến ngày càng nhiều, hòa tan lẫn hòa nhập. Tiếng Nha Trang bây giờ nhiều khi nghe được từ người sống ở trên Thành, hay Bình Tân, Cửa Bé là chuyện bình thường.
Rồi sẽ đến lúc “tiếng Nha Trang” lễnh loãng và nhạt phai dần theo tốc độ phát triển dân sinh như hiện nay. Sẽ không còn thú vui nghe tiếng đoán địa chỉ đâu đó nữa. Thì cũng chẳng sao khi điều đó là dấu hiệu tốt cho một sự xóa nhòa dần khoảng cách địa lý, mỗi những người muôn năm cũ là ngồi nhớ tiếng nhau thôi.
Ái Duy