Ở góc chợ Bình Tân, Nha Trang có hai vợ chồng vào buổi chiều đẩy chiếc xe làm bột chiên những chiếc bánh tiêu. Cách họ làm bột và chiên bánh tạo sự hấp dẫn, giá bán cũng rất bình dân: 10 ngàn đồng 3 cái. Có lẽ đây là hàng bánh tiêu chế biến tại chỗ hiếm hoi ở Nha Trang, vì bây giờ đa phần người ta mua sỉ rồi bày ra đường bán.
Ở góc chợ Bình Tân, Nha Trang có hai vợ chồng vào buổi chiều đẩy chiếc xe làm bột chiên những chiếc bánh tiêu. Cách họ làm bột và chiên bánh tạo sự hấp dẫn, giá bán cũng rất bình dân: 10 ngàn đồng 3 cái. Có lẽ đây là hàng bánh tiêu chế biến tại chỗ hiếm hoi ở Nha Trang, vì bây giờ đa phần người ta mua sỉ rồi bày ra đường bán. Trên đường Trần Nguyên Hãn lại có hai chàng trai bán chuối chiên và khoai lang chiên rất hấp dẫn. Sự hấp dẫn là chuối và khoai lang đã được xắt nhỏ trụng với bột, thả vào chảo chiên, miếng chuối hoặc khoai nhỏ đẹp, khác với cách chiên nguyên miếng truyền thống. Cuộc mưu sinh dẫu buôn bán món hàng nào, hai cách bán hàng ấy đã tạo ra một nét riêng, khiến người mua tìm tới. Và từ đó, tôi sực nhớ những người buôn bán đã không còn ở nơi họ bán, những người đã cũ.
Những người đã cũ ở thành phố này bây giờ họ đã đi xa, có thể không còn ở nơi đó. Theo quy luật tất yếu của cuộc sống, những con đường cứ mở rộng, những căn nhà được xây dựng lại và cả những khu phố cũng đổi dời chức năng. Trong ký ức của mỗi người, đôi khi đến một nơi quen, như chợt chạm vào trong mình những điều đã qua rất lâu, nhưng những điều đó làm đẹp cho một phần đời của cuộc sống.
Khi đi tìm bánh croissant ở các hiệu bánh, cũng như nhớ đến những chiếc bánh pateso nóng, nhân thịt và vỏ bột bóc ra từng lớp, tôi nhớ tới quán bán pateso nằm góc đường Thống Nhất và Yết Kiêu. Quán chỉ bán pateso nóng, để trên đĩa và tất nhiên nước uống kèm theo là sữa đậu nành, trên bàn có để chai xì dầu cho khách dùng làm nước chấm bánh. Quán luôn đông khách, và có lẽ đó là quán bán pateso duy nhất ở Nha Trang. Quán giờ đã không còn nữa và nay là một quán cà phê.
Những người buôn bán cũ ấy như người đàn ông gốc Hoa ngồi cạnh phở Hợp Lợi (nay không còn), cách đó là Trường Trung học Đăng Khoa (nay là Trường Tiểu học Phương Sài). Buổi chiều, ông ngồi bên chiếc chảo dầu, nhồi bột làm ra hai thứ bánh là giò cháo quẩy và bánh tiêu. Ông bán tới đâu chiên tới đó, có hôm vắng khách ông ngồi ngó đất trời.
Đó là chiếc xe bán phở mà bây giờ gọi là phở gõ. Phở xe có mùi đặc trưng, khi đi ngang nhà, dừng bán, mở nồi nước lèo ra mùi thơm bay tận vào nhà. Đặc biệt, trong nồi nước lèo có xương bò nấu lâu nên thịt rất mềm, cứ mang tô ra mua, đem về xé thịt bám trên xương chấm nước mắm ớt là món ăn ngon tuyệt. Là ông bán đậu phộng vừa mặn vừa ngọt. Đậu phộng đựng trong hai chiếc thùng thiếc đeo hai bên xe đạp, ủ rất kín nên luôn nóng. Khách mua, ông lấy giấy ra làm thành cái phễu múc đậu bỏ vào, đó là những hạt đậu rang rất ngon như có cả kinh nghiệm của người bán.
Bạn ở một thành phố quen, quen đến độ đôi khi bỗng dưng nhớ về. Như thể nhớ những bước chân dùng dằng ở những cây xà cừ rậm tán trước Trường Thánh Tâm, nay đã thành Trường Mẫu giáo Hương Sen. Trường Nữ trung học nay có còn chăng là những hàng dương liễu năm xưa nay đã cao vợi, và cổng trường vẫn còn cây xà cừ trăm tuổi với dấu chân xưa của tuổi thanh xuân đứng đợi ai đó vu vơ. Những chàng trai học Võ Tánh tan học vội đứng đợi ở bên đường, đợi cô học trò Thánh Tâm hay Nữ trung học trong chiếc áo dài trắng, tay cầm tập vở tan trường, đi theo mà không dám tỏ lời tình. Họ có thành một cuộc tình không hay qua tuổi học trò hai người đi về hai nhánh rẽ khác của cuộc đời?
Và bây giờ, nói chi đâu xa, khi thành phố đã tạm thời trở lại cuộc sống bình thường sau những ngày giãn cách, con phố đã có hơi thở của cuộc sống, nhưng con phố cũng đã vắng những bóng người mới còn thấy hôm qua hôm kia. Có những người không còn ở đó, như cậu thanh niên ngồi vẽ chân dung ở Quảng trường 2-4, như chị thắt những con thú bằng lá dừa trước Trung tâm hội nghị 46 Trần Phú, như anh bán vé số trên xe đẩy hay ngồi đợi khách ăn phở ở quán phở 53 Lê Thành Phương để mời mua dăm tờ…
Hôm nay thành phố đang mưa, những cơn mưa như làm nhòa đi bóng những người thoáng qua trên con phố.
Khuê Việt Trường