11:06, 15/06/2021

Một đời của mẹ

Ba mất, mẹ một mình tần tảo, gồng gánh nuôi các con ăn học. Các con dần khôn lớn, mẹ dựng vợ gả chồng, đứa nào cũng có chút ít tài sản ra ở riêng. Nhờ có nghề nghiệp, vốn liếng sẵn, con cái dễ dàng tiến bước hơn trong cuộc sống.

Ba mất, mẹ một mình tần tảo, gồng gánh nuôi các con ăn học. Các con dần khôn lớn, mẹ dựng vợ gả chồng, đứa nào cũng có chút ít tài sản ra ở riêng. Nhờ có nghề nghiệp, vốn liếng sẵn, con cái dễ dàng tiến bước hơn trong cuộc sống.


Về già, mẹ giao lại nhà cửa, ruộng vườn, ở với cậu Út. Thương mẹ, cậu mợ Út hiếu thảo, chu cấp cho mẹ đầy đủ, từ ăn uống đến tiền bạc. Tuy trong túi lúc nào cũng có tiền, nhưng mỗi bữa đi ăn sáng ở đầu ngõ, mẹ chỉ ăn đúng 10.000 đồng. Ở nhà, mỗi bữa ăn, có chút canh, chút cá kho thừa, mẹ cũng tằn tiện đem cất. Đã vậy, suốt ngày mẹ cứ lo mấy con gà, con vịt, dẫy cỏ mảnh vườn. Đôi khi đêm trời mưa, cả nhà đang ngủ, mẹ một mình loay hoay ở chuồng gà, sợ nước mưa dột vào mấy ổ trứng. Nhiều lần, thấy mẹ lom khom dẫy cỏ ở ngoài vườn, cậu Út xót ruột sợ mẹ bệnh, nói: “Đợi cỏ lớn hơn chút, tụi con phun thuốc chốc lát là xong, mẹ dẫy chi cho khổ?”. Mẹ bảo: “Khi nào tụi bay phun thuốc hẵng hay, chứ mẹ thấy cây cỏ mọc trong vườn thì không chịu được”.


Đứa cháu, con của chị đầu có chồng. Lúc làm lễ, anh chị em mỗi người đều cho cháu 1 chỉ vàng. Bỗng dưng, mẹ lấy từ túi vải 2 chỉ vàng cho cháu. Cả nhà ai cũng ngạc nhiên. Đám cưới xong, mấy con xúm lại hỏi: “Tiền ở đâu mẹ có vậy?”. Mẹ bảo: “Tiền những ngày Tết tụi con lì xì, mẹ để dành. Từ nay về sau, mỗi đứa cháu có vợ có chồng, mẹ cho 2 chỉ vàng”. Một đời vất vả lo cho con, giờ đây mẹ muốn chắt chiu cho cháu nữa, thương mẹ, không biết nói làm sao!


LÊ ĐỨC QUANG