Cái thôn nhỏ nằm ven quốc lộ, cách trung tâm thành phố khoảng 20 cây số, vừa chạy xe vừa nhìn ngắm cảnh vật hai bên đường một thoáng là tới nơi. Con đường vừa quen vừa lạ nhưng thân thuộc, giống như không có quá nhiều năm tháng đã trôi qua. Thuở ấy, con đường này chưa rộng thênh thang như bây giờ. Bọn tôi đi qua con đường này bằng xe đạp, vào những ngày đầu tuần và cuối tuần.
Cái thôn nhỏ nằm ven quốc lộ, cách trung tâm thành phố khoảng 20 cây số, vừa chạy xe vừa nhìn ngắm cảnh vật hai bên đường một thoáng là tới nơi. Con đường vừa quen vừa lạ nhưng thân thuộc, giống như không có quá nhiều năm tháng đã trôi qua. Thuở ấy, con đường này chưa rộng thênh thang như bây giờ. Bọn tôi đi qua con đường này bằng xe đạp, vào những ngày đầu tuần và cuối tuần. Khi ấy, nối liền thành phố và cái thôn nhỏ ven đường này là một ngọn đèo khá hiểm trở. Bây giờ ngọn đèo huyền thoại ấy chỉ còn là một con dốc thoai thoải, rộng rãi với dải phân cách là những bụi hoa giấy thấp nhỏ mà nở hoa rực rỡ. Qua hết đoạn có hoa giấy là con đường ôm gọn vòng biển, mặt nước lấp lánh ánh mặt trời, qua một khúc quanh nữa là những cánh đồng, rồi những ngôi nhà hiện ra và nơi đó là ngôi trường.
Mùa hè, cánh cổng trường đã khóa. Phía bên trong vẫn là cái sân trải sỏi, ở giữa là một bồn hoa nằm quanh trụ cờ. Cái sân hình như nhỏ hơn hồi xưa vì mấy cây bàng trong sân quá cao, tàng lá rộng che được cả một khoảng sân. Nghỉ hè, học sinh không đến trường nên lá bàng rơi ngập mặt sân, những chiếc lá khô màu vàng nâu thỉnh thoảng nâng mình theo mấy làn gió thoáng qua. Con đường chạy ngang trường đã không còn vắng vẻ như xưa, đã có nhà cao tầng có gắn bảng hiệu quảng cáo các loại dịch vụ.
Ngày xưa ấy, những buổi sáng thứ Hai, chúng tôi hẹn nhau dưới chân đèo Rù Rì, cùng dắt xe đi bộ lên đỉnh đèo. Lúc đó trời còn tối, lâu quá rồi nên không nhớ là nhờ ánh sáng ở đâu mà nhìn thấy đường, 3 - 4 người dắt xe đạp cắm cúi đi, mấy đứa con gái được đi giữa để khỏi sợ ma. Qua hết đèo mới dám lên xe thả xuống dốc, dốc nhìn không cao lắm nhưng phải vừa chạy vừa thắng. Có lần xe tôi bị hư thắng, thế là chiếc xe trôi tự do đến Lương Sơn mới giảm được tốc độ, tôi được một phen sợ, nhớ mãi đến giờ. Cũng nhờ con dốc, đỡ đạp xe một đoạn nên chúng tôi đến được trường trước khi học trò đi học.
Đoạn đường dài 20 cây số ấy trở thành kỷ niệm trong lòng những thanh niên Nha Trang có một thời ra dạy học ở các trường thuộc thị xã Ninh Hòa. Chúng tôi chọn xe đạp vì thuở ấy các phương tiện giao thông công cộng rất khó khăn. Cả một tuần xa nhà nên cuối tuần ai cũng mong về, trưa thứ Bảy dạy xong tiết cuối là cả đám cùng đạp xe về. Vậy mà vui. Nhắc lại ai cũng nhớ, nhớ nhất là khi gặp xe lửa chạy song song, thế nào cũng gặp các bạn ở những trường xa hơn đứng ở đầu toa tàu vẫy gọi, không nghe tiếng nói nhưng những bàn tay vẫy đều kèm những nụ cười tươi rói.
Bây giờ, lâu lâu có dịp đi lại trên con đường cũ lại thấy mình nhớ nhiều thứ, như ngày ấy còn lẩn khuất đâu đây. Vẫn còn ngôi chùa nhỏ nằm sát đường xe chạy, cái cổng tam quan hình như được xây lại khang trang hơn trước, quét vôi màu vàng rực rỡ nhưng bên cạnh cổng chùa vẫn còn đặt một lu nước. Những ngày thứ Bảy xưa, buổi trưa đạp xe về ngang đây, chúng tôi vẫn thường dừng chân dưới bóng mát hiếm hoi của cây điệp, uống một gáo nước trong cái lu đất ấy, nước trong, ngọt và mát rượi. Lu đất vẫn ở chỗ cũ với cái gáo dừa úp bên cạnh. Nhiều năm quá rồi, không biết những thứ này có được thay thế lần nào không mà nhìn vẫn thấy cũ kỹ nên trong lòng người thấy ấm áp khi nhớ chuyện xưa.
Đó là những ký ức rất đẹp mà chúng tôi nhắc lại với nhau mỗi khi gặp mặt. Ngôi trường cũ vẫn nằm giữa con đường để mỗi lần đi qua rồi, người xưa vẫn ngoái lại nhìn, chừng như vừa thấy thấp thoáng chính mình đang đứng trước cổng trường trong buổi chiều chạng vạng để ngóng nhìn về phố. Bây giờ, những cây bàng ngày xưa đã lớn để người đi qua nhủ rằng thời gian không thể quay trở lại. Dù vậy, đôi khi vẫn nghĩ, nếu được quay lại lần nữa ngày ấy mình sẽ yêu trường cũ nhiều hơn, sẽ trân trọng từng phút từng giây của thời gian tươi đẹp ấy. Vì đời người đâu có mấy thuở thanh xuân.
Lưu Cẩm Vân