Cậu con trai 25 tuổi vốn là người hay che giấu cảm xúc, bỗng một hôm chat với tôi:
- Hôm qua con xem phim "Bố già" hay lắm. Mẹ xem đi. Lần đầu con khen phim Việt Nam đó. Mẹ rủ ba đi coi luôn nhen, con đặt cho hai vé.
Cậu con trai 25 tuổi vốn là người hay che giấu cảm xúc, bỗng một hôm chat với tôi:
- Hôm qua con xem phim “Bố già” hay lắm. Mẹ xem đi. Lần đầu con khen phim Việt Nam đó. Mẹ rủ ba đi coi luôn nhen, con đặt cho hai vé.
Tôi chụp màn hình rồi gửi qua Zalo cho chồng, kèm theo câu hỏi: “Đi coi phim không, con mua tặng vé?”. Chồng nhắn lại: “Không đi đâu, ngại vào rạp lắm. Chờ khi nào có trên Netflix thì coi luôn”.
Tôi lại chụp màn hình nhắn qua cho con trai. Con bảo: “Chán vậy!”.
Tôi nghĩ, đứa con trai vốn trầm tính, chỉ thích coi phim Mỹ mà giờ “xuống nước” với ba mẹ chắc phim phải hay. Lại nghĩ, Tết vừa rồi tôi có việc phải vào Sài Gòn với con gái; con trai ngược từ Sài Gòn về Nha Trang ăn Tết với ba. Có lẽ được ba chăm sóc, con trai cảm động về tình cha nên có chút “yếu lòng” chăng? Tôi rủ bạn đi xem phim.
Chuyện phim thì báo chí đã viết nhiều rồi. Tôi quan sát trên trang facebook của bạn bè thì thấy hầu hết cha mẹ đến rạp là do con cái xem phim xong muốn cha mẹ cũng đi xem. Theo tôi, đó là một tín hiệu đáng mừng. Lớp trẻ ít nhiều đã được “mềm hóa”. Con trai chưa bao giờ chụp chung với cha một tấm ảnh, cha chỉ biết quan tâm con như: Dọn cơm ra bàn, kêu con thay quần áo, đi tắm rồi ăn cơm. Mình đã hưởng thụ nhiều thứ cha làm cho mình như một lẽ đương nhiên, điềm nhiên ngồi ăn, vừa ăn vừa lướt điện thoại mà chưa bao giờ nhìn dáng cha từ phía sau… Cha bên cạnh mình mỗi ngày mà nói lời cảm ơn cha hay thổ lộ rằng con yêu cha lắm sao khó thế. Chưa bao giờ có thời gian rảnh rỗi để suy nghĩ về hai tiếng “gia đình”, mình có nhiều thời gian phía trước, bố mẹ còn bao nhiêu thời gian nữa đâu…
Người làm cha mẹ sau khi xem phim xong lại nghĩ khác. Chúng ta ai cũng có sai lầm trong việc nuôi dạy con mà mãi đến khi con trưởng thành, mình già rồi mới nhận ra. Rút lại khoảng cách thế hệ cha mẹ - con cái sao khó khăn đến vậy. Những người thương yêu ruột thịt mà nói với nhau một lời yêu thương lại thấy ngại ngần, mình chưa bao giờ nói câu xin lỗi con cái mà chỉ áp đặt và than vắn thở dài khi con không đáp ứng nguyện vọng của mình…
Tôi nhớ phim “Everybody’s fine” đã xem khoảng 10 năm trước trên kênh HBO. Phim nói về một công nhân đã nghỉ hưu, ông có một đời làm việc chăm chỉ và sống tốt với tất cả mọi người. Ông mong muốn con cái luôn cố gắng để đạt được thành công trong cuộc đời, có cuộc sống khá hơn ông. Một ông bố như vậy gần gũi con cái rất khó khăn. Sau cái chết của vợ, ông cảm thấy như mình không còn liên lạc được với bốn người con của mình. Ông ao ước gia đình có dịp đoàn tụ nhưng rất khó thực hiện bởi các con ông rất bận rộn. Cuối cùng, ông quyết định đi lần lượt 4 tiểu bang của nước Mỹ để thăm con. Nhưng ông chỉ có thể gặp từng đứa một. Chỉ đến khi ông bị đột quỵ trên chuyến bay trở về và được đưa đến bệnh viện, ông mới gặp cùng lúc những người con của mình. Họ đã có khoảng thời gian rất hạnh phúc bên nhau và các con ông hứa sẽ trở về nhà thăm bố thường xuyên hơn.
Có một đoạn đối thoại giữa ông bố và con gái đã khiến người xem phải suy nghĩ. Cô hối hận vì ngày xưa, mỗi khi gọi điện về nhà mà người bắt máy là bố, cô chưa bao giờ hỏi thăm bố, chỉ nói ngay rằng “Bố cho con gặp mẹ”. Ông bố cho rằng, chính việc thúc ép con cái đã khiến hai cha con không có điều gì trao đổi!
Sau khi coi xong bộ phim trên, có một người trẻ đã viết trên blog mình như sau: “Bố mình nhìn khá giống nhân vật trong phim, từ ngoại hình đến tính cách... Có lẽ mình chẳng bao giờ được như bố, về tất cả... Bố nói không cần phải giống, không ai giống nhau, bố chưa từng gượng ép hay kỳ vọng con cái phải làm điều gì. Và tất cả nằm trong những câu nói ngắn gọn: Bố muốn con làm việc, vững vàng và yêu đời. Nhớ dành thời gian nói chuyện mỗi khi gặp bố và đừng hút thuốc…”.
KIM DUY