Nếu ai từng sống ở những vùng quê có nhiều đầm lầy hoặc ruộng sâu nước đọng quanh năm có lẽ sẽ không xa lạ với hình ảnh những cánh đồng cói trải dài xanh mượt như tấm thảm khổng lồ. Quê tôi cũng có địa hình như vậy và cũng có những cánh đồng cói như thế nên vào những ngày hè, khi đến mùa thu hoạch cói, làng trên, xóm dưới rộn ràng trong việc cắt, phơi, chế biến, phục vụ cho việc dệt chiếu cùng các đồ dùng khác, để rồi đi đâu cũng nghe mùi cói khô tỏa ra một mùi thơm rất riêng, ngan ngát.
Nếu ai từng sống ở những vùng quê có nhiều đầm lầy hoặc ruộng sâu nước đọng quanh năm có lẽ sẽ không xa lạ với hình ảnh những cánh đồng cói trải dài xanh mượt như tấm thảm khổng lồ. Quê tôi cũng có địa hình như vậy và cũng có những cánh đồng cói như thế nên vào những ngày hè, khi đến mùa thu hoạch cói, làng trên, xóm dưới rộn ràng trong việc cắt, phơi, chế biến, phục vụ cho việc dệt chiếu cùng các đồ dùng khác, để rồi đi đâu cũng nghe mùi cói khô tỏa ra một mùi thơm rất riêng, ngan ngát.
Theo những người lớn tuổi kể lại thì ngày xưa, để có các ruộng cói, người ta phải bứng từng bụi cói dại về trồng rồi nhân ra, lâu ngày tạo thành ruộng cói. Nhờ đất tốt, nhiều phù sa nên những ruộng cói lớn lên căng dày, cao đến gần 2m. Ngày còn bé, rủ nhau vào các ruộng cói cao quá đầu người ấy để bắt tổ chim manh manh, gà nước, le le…, đôi lần bọn nhỏ chúng tôi bị lạc, gọi nhau ơi ới, hồi lâu mới nhìn thấy nhau.
Cói đến mùa, tất cả được cắt, mang về, cắt gốc, phơi dưới nắng chói chang, sau đó lựa ra từng loại, dài đan chiếu, ngắn đan các loại đồ dùng khác như túi đựng thóc, khoai sắn khô… Dân làng tôi làm nông là chính, nhưng nhờ có những ruộng cói nên nhà nhà có thêm thu nhập. Dưới bàn tay các bà cụ, cô gái, nhiều đồ dùng đã ra đời, cái đan theo lóng mốt, cái lóng hai, lóng ba và được bẻ góc, cài biên… rất điệu đà.
Khi mùa cói được cắt về phơi, đi chỗ nào cũng nghe mùi thơm. Thơm trong vườn, thơm ngoài đường, mùi thơm như vương vào cả lùm cây, bụi cỏ, như quấn quít theo cả bước người đi. Cũng nhờ có cói và nghề đan cói mà xóm làng trở nên nhộn nhịp. Nơi này vang lên tiếng đập cói thùm thụp, nơi kia tiếng người lớn bày cho trẻ con cách đan giỏ, đan sọt… Khách đến đặt hàng, mua hàng để mang đi bán cũng nhiều, rộn ràng…
Tuy làng tôi không phải là làng nghề làm cói nổi tiếng nhưng chúng tôi lớn lên, đứa nào cũng in đậm trong ký ức hình ảnh những ruộng cói trong gió chiều lao xao, gờn gợn, tựa như những con sóng xanh rờn; hít thở không gian đượm mùi mà chỉ có cói khô mới có; đùa vui dưới ánh trăng vàng thắm bên những đống cói mới thu hoạch về đang phơi đầy bên cái sân nhỏ trước nhà…
Từ đời này sang đời khác, gắn bó lâu ngày với dân làng nên trồng cói, đan cói đã hóa hồn vào những câu ca dao: “À ơi, ơi à… à ơi!/Con ơi, con ngủ, à ơi/Để mẹ cắt cói về phơi cho vàng/Cói vàng từng sợi mẹ đan/Nuôi con nào ngại gian nan ở đời”. Không chỉ có những câu ơi à, đưa con thơ vào giấc ngủ qua các điệu hát ru, mà cả trong tình yêu đôi lứa cũng có nhiều câu đọc lên nghe thật xao xuyến. Chẳng hạn như: “Thương ngày, thương tháng, thương năm/Đan chiếc chiếu cói anh nằm cho êm”.
Những năm gần đây, nhờ có máy móc nên những vùng ruộng trồng cói ở quê được san lấp để trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn. Nghề đan cói cũng mai một, chỉ còn vài gia đình trồng cói trên một số mảnh đất nhỏ để lấy sợi, đan đồ dùng trong nhà. Dù vậy, đối với những đứa con đi xa thì ký ức về một thời đã qua thật khó phai mờ, nhất là lúc trở về quê đúng vào những ngày trời nắng chang chang, dạo bước và chợt nhận ra đâu đó có mùi cói phơi khô bảng lảng trong những làn gió nhẹ…
Hoàng Anh