Cách đây chừng 50 năm, Trung thu không dồi dào, tràn ngập đồ chơi, bánh trái, hoa quả cho đêm trăng như bây giờ. Bởi thực tế vật chất khi đó rất đơn sơ, nếu không muốn nói là khó khăn, nhưng hương vị Trung thu thì ngào ngạt, tràn trề cảm xúc trong tâm hồn mọi người, đặc biệt là trẻ em.
Cách đây chừng 50 năm, Trung thu không dồi dào, tràn ngập đồ chơi, bánh trái, hoa quả cho đêm trăng như bây giờ. Bởi thực tế vật chất khi đó rất đơn sơ, nếu không muốn nói là khó khăn, nhưng hương vị Trung thu thì ngào ngạt, tràn trề cảm xúc trong tâm hồn mọi người, đặc biệt là trẻ em.
Có lẽ Trung thu xưa thực tế là Tết dành cho tuổi thơ và người già. Trên các phố thị cũng bày bán những lồng đèn cá chép, thỏ ngọc, ông sao, đặc biệt là đèn kéo quân và đương nhiên có bánh nướng, bánh dẻo như ngày nay, tuy vậy không xô bồ, rực rỡ mà đến gần một tuần trước Trung thu, người ta mới bán, mới chơi chứ không ai bán bánh trái trước cả tháng như bây giờ.
Với những đứa trẻ ở làng quê hay lao động nghèo, cha mẹ đi làm hết, rất ít người mua quà cho con, có chăng họa hoằn lắm mới có đứa trẻ nhận được cái lồng đèn quả bưởi, con cá làm bằng các dải phim cũ tận dụng thay giấy bóng kính. Đó cũng là những món quà rất quý. Thực ra, cùng với lồng đèn có nhiều đồ chơi khác như: Tò he, trống cóc, trống bỏi, mặt nạ Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới… và sang nhất chính là cái đầu sư tử con con rực rỡ sắc màu. Đứa nào có được những món quà đó sẽ làm cả xóm làng ầm ĩ từ sáng tới tối suốt mùa Trung thu.
Với những đứa trẻ không được cha mẹ mua quà thì chúng tự tạo cho mình niềm vui. Đơn giản nhất là lấy những tờ giấy họa báo màu gấp lồng đèn cột chỉ, vẽ xanh vẽ đỏ xách đi chơi cùng bạn bè. Số còn lại trở thành các nghệ nhân nhí chế tác ra lồng đèn ông sao theo ý mình. Tôi khi đó mới 5 tuổi cũng đã cùng bạn bè làm lồng đèn ông sao không giống ai: Khung vót từ các cành cật tre đực chắc chắn, sau một sáng hì hục chẻ, vót, đo đạc cột thành hình… mới nhận ra rằng ở xóm này chẳng có ai bán giấy bóng kính màu! Vậy là thằng nhóc tôi chợt nhớ đến những cuốn sổ hóa đơn của bố còn lưu cất trong tủ liền lén lấy ra một quyển. Đó là loại giấy mỏng có tên là “pơluya” (Pelure) màu vàng nhạt. Không có hồ, keo dán, chợt nhớ các cụ chơi diều liền xách dao với bát mẻ đi tìm cây sung băm để lấy nhựa về dán. Thứ nhựa cây sung khô thành keo dán rất chắc. Hì hục dán kín được cái ngôi sao thì lại thấy nản lòng vì cả xóm này không kiếm đâu được một cây nến. Chợt có đứa nói: “Lấy hạt bưởi khô đốt thay nến!”. Nhưng hạt bưởi đâu cho đủ đốt? Có đứa nghĩ ra dùng giẻ quấn vào cây tẩm dầu lửa đốt thấy cũng lập lòe trong lồng đèn. Tuy vậy, có đứa tham dùng lòm lửa to, lửa bùng liếm luôn cái đèn ông sao vất vả mấy ngày mới xong làm cho bao gương mặt tiu nghỉu.
Đêm Trung thu rồi cũng đến theo vầng trăng vàng to như quả bưởi lấp ló trên ngọn tre, ánh sáng trăng rằm Trung thu luôn có sắc màu huyền diệu lung linh mà không một mùa trăng nào có thể sánh được. Với lũ trẻ, khi trăng lên tức là đêm hội bắt đầu. Những đám rước tự phát có gì chơi đó: Đi đầu phải là đầu sư tử, tiếp đến Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới rồi các lồng đèn lớn nhỏ đi theo. Tất nhiên có cả tiếng trống ếch ầm ĩ từ tay chân mồm miệng các cậu làm ồn ào những con đường làng quê xóm nhỏ. Chúng tôi đi lang thang mãi tới mỏi chân, khi vầng trăng dựng đứng trên đầu rồi mới tan.
Ngày đó, xóm làng không ai bày cỗ chung như hôm nay, nhà đứa nào có quả chuối, miếng bánh dẻo là xôm rồi. Tôi vẫn nhớ đến một mùa Trung thu chỉ mỗi mẹ và tôi. Mẹ tôi mở hộp bánh đưa cho tôi, hai mẹ con ngồi trước hè nhìn vầng trăng Trung thu lấp ló qua rặng cây ở bờ ao xa. Vầng trăng mới đẹp làm sao, tròn vành vạnh như cái đĩa vàng rực…
Thế đấy, ai cũng có mùa Trung thu tuổi thơ của mình, dù đơn sơ bé nhỏ nhưng đó luôn là một đêm cổ tích lưu luyến cho đến tận hôm nay. Mong rằng các bạn nhỏ ngày nay có một đêm Trung thu diệu kỳ để đem vào tâm hồn mình suốt chặng đường đời mình…
Dương Trang Hương