Em cầm lấy đi! Đây là quà của thầy. Hãy dùng nó khi nào em gặp khó khăn nhất. Thầy Lộc dúi vào tay Thiện một gói nhỏ được bọc khá cẩn thận. Đôi mắt thầy trìu mến. Tay thầy vỗ vào vai Thiện thay lời động viên khiến cậu học trò mắt rưng rưng.
- Em cầm lấy đi! Đây là quà của thầy. Hãy dùng nó khi nào em gặp khó khăn nhất. Thầy Lộc dúi vào tay Thiện một gói nhỏ được bọc khá cẩn thận. Đôi mắt thầy trìu mến. Tay thầy vỗ vào vai Thiện thay lời động viên khiến cậu học trò mắt rưng rưng.
- Em… em không dám nhận món quà này đâu thầy ạ. Cuộc sống của thầy vẫn còn rất khó khăn. Thầy giữ lại để lo việc khác quan trọng hơn! Em…
- Em không phải suy nghĩ gì cả. Đây là số tiền thầy dành dụm, tiết kiệm được. Thầy tặng em để góp phần cho em có cơ hội học lên và thực hiện được ước mơ của mình. Thế nhé! Thầy Lộc ngồi với Thiện một lúc rồi ra về. Tiễn thầy ra cổng, Thiện vẫn hướng mắt nhìn theo bóng thầy khuất dần. Kỳ thi đại học sắp đến, Thiện tự nhủ phải cố gắng thi thật tốt để không phụ tấm lòng thầy…
Kỷ niệm về lần thầy đến thăm cách đây đã gần 20 năm vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ Thiện. Anh đem chuyện ấy kể lại cho Thành - con trai anh nghe, khi nó hỏi anh về người thầy tuyệt vời nhất trong lòng ba.
- Thế là ngày đó, nhờ có số tiền của thầy Lộc tặng mà ba được đi thi và đỗ vào trường sư phạm hả ba?
- Đúng vậy con ạ. Nhưng thầy Lộc không chỉ giúp ba thế thôi đâu. Suốt 4 năm đại học, mỗi khi ba gặp khó khăn, thầy đều giúp đỡ. Kể cả khi ba ra trường, đã là một thầy giáo đứng trên bục giảng, thầy vẫn luôn quan tâm, động viên ba. Nếu không có thầy, chắc ba đã bị bỏ quên đâu đó trong cuộc đời này cũng nên.
Ngày thầy Lộc chuyển về làm phó hiệu trưởng của trường, Thiện cũng vừa bước vào lớp 10. Tuy làm công tác quản lý nhưng thầy vẫn không quên gần gũi, quan tâm đến học sinh. Ngày đầu nhập học, Thiện đến lớp với tâm trạng buồn bã, chán nản. Ba mẹ đường ai nấy đi. Thiện vì chuyện gia đình mà trở nên mặc cảm, tự ti không muốn giao tiếp, kết bạn với ai. Bà nội động viên mãi, Thiện mới miễn cưỡng đem hồ sơ đến trường nhập học. Thiện đến lớp chỉ vì không muốn nội buồn. Ngày tựu trường, thầy Lộc giao lưu với các học sinh mới rất vui vẻ. Thầy hỏi nhiều về ước mơ, về dự định tương lai của các bạn. Bỗng thầy dừng lại chỗ Thiện ngồi:
- Còn em! Sau này em muốn làm nghề gì?
Bất ngờ trước câu hỏi của thầy, Thiện ấp úng. Nhưng khi nhìn thấy sự chân thành trong ánh mắt và nụ cười của thầy, Thiện đã không ngại ngùng:
- Em ước ngày sau mình sẽ trở thành một thầy giáo dạy Toán!
Thầy mỉm cười: Tốt lắm! Em sẽ thực hiện được mơ ước ấy nếu có niềm tin ngay từ bây giờ!
Thiện vòng tay cảm ơn thầy rồi lại lặng lẽ ngồi xuống, trong lòng nghĩ ngợi xa xăm.
…Có lần, Thiện đi học muộn, không được vào lớp. Lúc đó, thầy Lộc từ trong phòng bước ra. Nhìn Thiện đứng bên ngoài cổng trường trong bộ đồng phục đã cũ, tay cắp chiếc gặp da màu đen đã sờn màu, đôi mắt ánh lên vẻ trầm lặng, buồn buồn, thầy nhận ra gương mặt cậu học trò mình từng hỏi về ước mơ cách đây mấy tuần. Thầy nói bác bảo vệ mở cổng cho Thiện vào, rồi hướng về Thiện nói: Từ hôm sau, em nhớ đến lớp cho đúng giờ! Thiện cảm ơn thầy rồi bước nhanh vào lớp. Nghe bác bảo vệ kể về hoàn cảnh của Thiện, thầy Lộc lặng im chạnh lòng thương cảm.
Sáng sớm, thầy Lộc đang đi bộ tập thể dục dọc theo con đường bên cánh đồng thì gặp Thiện. Cậu đang lội bì bõm nhặt ốc dưới ruộng. Thấy thầy, Thiện định quay đi thì thầy gọi lại.
- Sáng nào em cũng đi nhặt ốc rồi mới đến lớp phải không?
- Dạ, vâng ạ!
Ba mẹ Thiện bỏ nhau đã hơn một năm. Mỗi người cũng đã phiêu bạt đâu đó đi tìm hạnh phúc của riêng mình, để Thiện ở lại sống với bà nội mà không một sự đoái hoài. Bà nội Thiện nay đã ngoài 70 tuổi, thường xuyên đau bệnh… Thầy Lộc nhớ lại câu chuyện về Thiện qua lời kể của bác bảo vệ.
- Em muốn giúp đỡ bà để cuộc sống của hai bà cháu bớt khổ, thế nên mỗi sáng đều ra đồng nhặt ốc đem về cho nội đi bán.
- Em vẫn mơ ước sau này trở thành thầy giáo chứ?
- Dạ. Nhưng… Giọng Thiện ấp úng.
- Em đừng lo. Thầy sẽ có cách giúp đỡ em.
Thiện được nhà trường miễn học phí trong suốt 3 năm học phổ thông. Thiện biết ơn thầy Lộc nên đã thay đổi suy nghĩ. Cậu hứa với bà nội, với thầy sẽ học tập thật tốt. Ngày 20-11 năm ấy, bà nội sai Thiện đem biếu thầy ít quả chín trong vườn. Thầy ở ký túc xá của trường. Thiện đạp xe đến thì thấy thầy đang cặm cụi bên đống giấy tờ bày trên bàn. Ngồi nói chuyện với thầy, Thiện để ý thấy mấy bữa nay sức khỏe của thầy có vẻ không tốt. Thầy không đi tập thể dục vào buổi sáng nữa. Thầy cũng ít khi ra trước cổng trường đứng đón học sinh như dạo trước.
- Mấy hôm nay thầy bị đau phải không ạ? Thầy Lộc gượng cười trước câu hỏi của cậu học trò. Trong lời nói và đáy mắt thầy ánh lên tất cả sự chân thành khiến Thiện càng nghe càng thấy thương thầy.
Học xong đại học, thầy Lộc tham gia quân ngũ 5 năm rồi đi dạy học. Ba mẹ thầy mất sớm. Chuyện tình cảm của thầy và cô bạn gái cùng làng sẽ chẳng có chuyện gì nếu như không có lần thầy đổ bệnh, được bác sĩ chẩn đoán bị viêm tủy xương. Thầy đã đắn đo và suy nghĩ để rồi quyết định bỏ vào Nam lập nghiệp. Sau nhiều năm đứng lớp, thầy được cân nhắc làm phó hiệu trưởng và thuyên chuyển từ trường này sang trường khác. Là người thầy hết lòng vì học trò, tận tụy với nghề, thầy được đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò quý mến.
Ngày Thiện tốt nghiệp đại học cũng là ngày thầy Lộc nhập viện vì bệnh trở nặng. Thiện tức tốc về thăm thầy. Gặp Thiện, dẫu sức khỏe còn yếu thế nhưng thầy vẫn gượng ngồi dậy và mỉm cười khi nghe Thiện báo tin về thành quả học tập 4 năm của mình.
***
- Thế bây giờ thầy Lộc ở đâu hả ba?
- Sau đợt nhập viện điều trị ấy, thầy xin thôi giữ chức hiệu phó. Thầy quay trở về với việc đứng lớp. Ngoài giờ dạy ở trường, thầy còn mở lớp dạy miễn phí cho học trò nghèo. Cuộc sống của thầy cứ vậy trôi đi cho đến khi về hưu có một cô giáo dạy cùng trường đã luống tuổi tình nguyện về mong được nâng khăn sửa túi cho thầy. Anh Thiện nhìn con trai nở nụ cười vui vẻ. Trong đôi mắt anh đọng lại vẫn là hình ảnh về một người thầy đáng kính.
Truyện ngắn của Xanh Nguyên