Suốt thời cắp sách đến trường của tôi chỉ có đi bộ, đi bộ và đi bộ.
Những năm mẫu giáo, tôi học ở trường làng Tân Hương cách nhà non 100m. Trường cũng ngộ, chỉ có một ông thầy và bầy học trò vài mươi đứa là dân trong xóm, ngồi đủ một phòng. Lên tiểu học, tôi học ở trường Tân Phước, cũng chỉ mất mươi phút đi bộ.
Suốt thời cắp sách đến trường của tôi chỉ có đi bộ, đi bộ và đi bộ.
Những năm mẫu giáo, tôi học ở trường làng Tân Hương cách nhà non 100m. Trường cũng ngộ, chỉ có một ông thầy và bầy học trò vài mươi đứa là dân trong xóm, ngồi đủ một phòng. Lên tiểu học, tôi học ở trường Tân Phước, cũng chỉ mất mươi phút đi bộ. Nhà đông con, cha mẹ đều bận bịu nên chỉ được dẫn đến trường ngày đầu tiên của năm học và chỉ đường cẩn thận để hôm sau tự đi về. Ngay buổi học thứ hai, con bé 6 tuổi nhớ lời cha dặn, tan trường con ra cổng thì đi về phía tay trái, thẳng miết tới khúc cua cứ ôm theo là ra đường về nhà mình. Là cha cứ nghĩ trường mở cổng phụ bên hông đường Bùi Thị Xuân cho học sinh về, ai dè hôm sau mở luôn cổng chính đường Lê Thánh Tôn. Vậy là nó rẽ trái đi thẳng, đi miết một hồi ra tới ngã Sáu rồi lạc luôn. Nhìn quanh không thấy ai quen, nó bèn lò dò lại gần chú cảnh sát đang đứng gần đó cầu cứu, chú ơi con bị lạc đường, dẫn con về nhà giùm!
Từ trường Tân Phước về nhà chỉ có 4 ngã cua ngắn, đi bộ suốt 5 năm tiểu học thuộc từng mét đường, chỗ này đứng lại lượm mận rụng, chỗ kia bị ngỗng nhà người ta quát tháo ầm ĩ. Tôi hay lê la dừng lại ở tiệm sách báo Cẩm Hà trên đường Huỳnh Thúc Kháng, canh báo mới ra, chúi mũi đọc cọp, hít hà mùi mực in giấy mới và khát khao mơ ước sau này nhà có cái tiệm giống vậy. Nhiều bữa, tôi theo bạn chui vô hẻm Cô Bắc thông ra Núi Một đổi gió, bị chó rượt chạy bán mạng. Vậy nên, những con đường đi học thời tiểu học chỉ để lại tiếng chân chim sáo tung bụi mù, tiếng chó sủa và hình ảnh mấy thằng nhóc nghịch ngợm đá lon chọi gạch sau lưng.
Rồi tôi thi vô lớp 6 Trường Nữ trung học, chính thức trở thành nữ sinh của một ngôi trường huyền thoại. Hồi đó, cha mẹ tôi hứa nếu đậu thì sẽ cho để tóc dài. Tôi để tóc dài được nửa lưng thì chán, áo dài trắng mặc ba bữa nóng nực quá thì hết ham. May mà nhà trường có quy định từ lớp 8 trở lên mới bắt buộc mặc đồng phục áo dài trắng, còn 2 lớp đầu cấp thì du di cho mặc cả đầm trắng. Mặc đầm còn mang sandal, mặc áo dài thì phải đi với guốc. Và mang guốc thì tất nhiên khó bề chạy nhảy leo trèo rồi. Tuy nhiên, những đôi guốc mộc sơn phết đi cùng với đôi quai tự chọn cũng là một niềm vui không nhỏ cho đứa con gái mới lớn ngày xưa.
Đường từ nhà tôi đến Trường Nữ trung học dài thêm một khúc nhưng cũng chỉ mười lăm phút đi bộ. Tôi nhớ tiếng guốc mộc gõ rộn ràng trên đường mỗi khi bầy nữ sinh tan trường về. Lấp lóa một rừng bướm trắng tinh khôi òa ra từ cổng trường tràn đi khắp các nẻo đường. Ngày ấy không nhiều học sinh có phương tiện cá nhân đi lại, số ít mới được đưa đón, còn hầu hết là tự túc. Tôi nối thêm đường về nhà của mình bằng con đường Nguyễn Hoàng, tức Ngô Gia Tự ngày nay. Đường Nguyễn Hoàng sầm uất ngày xưa vẫn có lề cho người đi bộ, tràn chút ít xuống cũng chẳng sao. Đây là một trong các trục đường chính cho học sinh các trường trung học ở khu vực gần đó qua lại, nhất là Võ Tánh, Nữ Trung học, Hàn Thuyên, Bá Ninh, Thánh Tâm... Áo dài trắng tóc thề đi trước, vài bóng sơ mi quần tây lẽo đẽo theo sau khiến không ai muốn đi mau là chuyện quá đỗi thường tình. Hồi đó hay có vụ trồng cây si trước cổng trường nữ đợi nàng ra là theo đuôi về nhà, ngâm nga thơ tình và cùng điên đảo với giai điệu “em tan trường về, đường mưa nho nhỏ”...
Thời là học sinh Trường Nữ trung học Huyền Trân của lứa chúng tôi kết thúc ở cuối niên khóa lớp 9 năm 1975. Theo sắp xếp chung, học sinh toàn tỉnh được xáo lại và phân về các trường cấp 3 khác nhau tùy nơi cư trú, bước vô một giai đoạn mới vô cùng lạ lẫm. Bầy con gái áo trắng năm xưa cố gắng nâng niu những tà áo dài mong manh cũ kỹ của mình cho qua cấp 3. Những bước chân trên đường về nhà đã dần âm thầm khắc khoải và nặng trĩu theo sinh kế của cha mẹ.
Tôi vẫn là đứa ôm cặp đi bộ qua hết 3 năm cấp 3, rồi 2 năm cao đẳng, mỗi lúc càng xa nhà hơn. Bạn bè dần phân tán, nhiều khi lủi thủi đơn độc thấy đường dài đăng đẳng, chỉ mong sao cho mau tới đích. Có lẽ vì vậy mà khi có người ngỏ lời yêu bèn lật đật nhận liền để được ngồi sau yên xe đạp chăng?!
Cuộc sống cứ vậy mà lôi ta chạy chân không bén đất, những con đường xưa đã từng đón bước chân qua và đánh rơi vụng dại đầu đời đã trở thành ký ức quá xa xôi. Một ngày nào đó tóc sương mắt mờ, bước khẽ bên người thương nghe tiếng chân êm đềm vang trên mặt đường, chợt nhớ muốn khóc những ngày xưa dấu ái.
ÁI DUY