Đêm trung du. Bầu trời thăm thẳm với muôn vì sao lấp lánh. Làn gió ào ào thổi qua rừng cọ, dẫu đã chẳng còn nhiều nhặn gì sau những lần người ta lấy đất xây nhà máy…
Đêm trung du. Bầu trời thăm thẳm với muôn vì sao lấp lánh. Làn gió ào ào thổi qua rừng cọ, dẫu đã chẳng còn nhiều nhặn gì sau những lần người ta lấy đất xây nhà máy… Cái thứ lá cọ ấy như thứ quạt cứ xô vào nhau, mỗi khi có làn gió thổi qua, cứ dào dạt như muôn ngàn con sóng biển khơi xa vẫn hằng ì oạp xô bờ.
Hiên khẽ sà xuống nơi đầu ngõ. Nhà anh đây rồi: Căn nhà nhỏ lợp lá cọ duy nhất trong thôn, ẩn dưới tán sum suê của vườn vải thiều, giống vải từ Hải Dương ngày ấy bố anh đã mua về trồng. Bao nhiêu năm trôi qua, những cây vải đã qua thời cho quả, gốc to và cành sum suê, mỗi mùa chỉ lưa thưa quả. Tuy thế, mẹ anh vẫn nhất định không cho con cháu chặt. Mỗi khi thu sang, bà vẫn bắt anh con trai út vét bùn trong ao đắp lên gốc cây. Chính nhờ chất mùn của bùn mà cây vẫn xanh tốt.
Anh rón rén đến bên cánh cổng. Khẽ khàng cái then cổng lỏng ra, tiếng “kẹt” nghe mơ hồ như một tiếng thở của gió. Anh đứng lặng, bồi hồi. Cánh cổng này cũng là nơi bao nhiêu lần chứng kiến lúc Cẩm và anh chia tay nhau. Cẩm thẹn thùng không dám nhìn lên, còn anh, cứ đẩy qua đẩy lại cái then cài cổng một cách vô thức…
Khoảng hiên nhà tối om, nhưng vẫn có âm thanh “lạch xạch” khe khẽ, cùng tiếng “cút… kít” đều đều cho biết có ai đó đang nằm võng và phe phẩy quạt... Tiếng quạt lá cọ, tiếng võng uể oải, kiên nhẫn, nghe buồn buồn và dịu dàng. Khiến anh đứng lặng đi, lòng bồi hồi nhớ…
Anh nhập ngũ khi vừa học xong lớp 10 trường huyện. Trong nhóm bạn cùng học cấp 3, anh nổi bật bởi chiều cao 1,75m và thân hình chắc lẳn của chàng trai vốn quen lao động chăm chỉ sau những buổi học ở trường. Là con trai lớn nhất trong gia đình, anh đã là lao động chính, cùng mẹ làm để nuôi đàn em năm đứa liền. Buổi chia tay, các bạn tíu tít tiễn anh đi, anh chỉ kịp nắm tay Cẩm, cô bạn ngồi cùng bàn suốt ba năm và khẽ nói: “Cẩm ơi, nhớ viết thư cho mình nhé!” rồi ào lên xe cùng các bạn.
Chiến tranh ngày càng ác liệt hơn. Sau những tháng ngày huấn luyện gấp gáp, đơn vị anh nhận được lệnh hành quân đến Quảng Trị, Khe Sanh, Lao Bảo, Đường 9 Nam Lào… Những địa danh ấy lạ lẫm với chàng trai trung du cũng như các bạn anh - những chàng lính trẻ măng của miền quê Bắc bộ. Rồi trong một trận đánh khi tiến vào thành cổ, anh đã ngã xuống khi đang xung phong cùng đồng đội của mình.
- Con nói rồi, bố bầm cứ để chúng con dỡ cái nhà này đi, xây lên cho khang trang. Các cụ đã vất vả cả đời rồi, nay chúng con muốn cho bố bầm được thoải mái hơn. Tiếng Hải, thằng em út anh đang oang oang trong nhà. Ngày anh nhập ngũ, nó mới hai tuổi, còn tè dầm và hay bắt anh cõng đi chơi bên nhà hàng xóm mỗi lúc nhà có giỗ chạp. Dỡ cái nhà này ư? Anh nín thở. Khi lớn lên, anh đã thấy ngôi nhà ba gian, hai chái của mình cũ lắm rồi. Lớp lá cọ lợp đã xơ xác. Mỗi năm, bố lại dặm bổ sung những chỗ dột hay nát quá. Nhờ vậy mà dù là mái lá nhưng chẳng bao giờ mưa dột. Mùa hè ở trong nhà vẫn mát rượi. Hàng cột bằng gỗ xoan đã lên nước láng bóng như được sơn dầu. Và cái chõng tre nơi hiên nhà cũng ngời lên một màu cánh gián bóng loáng. Nếu mà dỡ đi thì thật phí.
- Anh nói vậy thì bố cũng biết lòng các anh chị. Nhưng mà… Tiếng bố anh nhỏ nhẹ, ngập ngừng. Rồi tiếng điếu cày rít lọc xọc. Bà thấy ý các con sao?
- Bầm không đồng ý với mấy đứa. Thứ nhất cái nhà này đã có từ khi bầm về làm dâu, dễ đến năm chục năm rồi. Tiếng mẹ anh xen trong tiếng võng kẽo kẹt đều đều. Bà ngừng một lát rồi lại thủng thỉnh: Tuy đã lâu, nhưng đâu có dột diếc gì đâu. Lại mát nữa, bầm thấy ở nhà xây như con Lan, bức bối lắm…
- Bầm ơi, cả xóm này đâu còn nhà ai lợp lá cọ đâu? Toàn xây hết, mái ngói. Có ai như nhà mình đâu? Tiếng chị cả của anh thủ thỉ, chắc chị đang ngồi cạnh và thuyết phục mẹ anh.
- Thứ nữa là mẹ muốn cứ để nhà này, nhỡ em con có về thì nó không lạ nhà, không bị lạc. Tiếng mẹ anh nghẹn lại.
Anh lặng người. Té ra bao nhiêu năm nay, mẹ vẫn cố giữ nếp nhà cũ này là vì anh. Ôi, mẹ của anh. Anh thấy bố anh đem chiếc đèn dầu nhỏ đặt lên bàn thờ. Ông rút một nén nhang và cắm lên bàn thờ. Anh thấy hình của mình trên đó.
- Bầm ơi! Tiếng mẹ và em gái anh nấc khe khẽ.
- Bà lại thế rồi. Cứ sụt sùi mãi con nó sao yên tâm ở dưới ấy được. Biết đâu, nó đang về nhà, thấy bà vậy, nó lại đau lòng. Bố anh khẽ gắt, nhưng giọng cũng nghèn nghẹn nơi cổ. Rồi ông ôm ngực ho. Thôi, tôi tính thế này: Cái nhà này cứ để đó, còn tiền định làm nhà xây cho bố bầm hãy để một phần đưa sang cho chị Cẩm chữa bệnh. Chị ấy đã chờ anh Hiên bao năm, rồi bố bầm với ông bà bên ấy nói mãi chị ấy mới chịu lấy chồng, mà cũng lấy anh Duy là thương binh, cuộc sống khó khăn lắm; còn lại các anh đưa chúng tôi đi thăm chỗ bạn của anh Hiên đi. Cái anh gì ở Kon Tum nhỉ?
- Anh Hiền, anh bị thương rồi bị bắt. Anh ấy cùng đơn vị với anh Hiên nhà mình. Tiếng chú Út dù hạ giọng vẫn cứ oang oang.
- Đúng rồi, tên chú ấy là Hiền, nghe nói hoàn cảnh chú ấy cũng khó khăn, mình vào thăm. Coi như thăm con mình, xem có giúp gì cho chú ấy được không.
- Ôi, có con đom đóm to quá bầm ơi! Tiếng chú Út vang lên.
- Anh con về thăm đấy. Tiếng mẹ anh. Mấy đứa thấy chưa? Mẹ muốn để mái nhà mình như ngày nó ở nhà để nó dễ nhận ra mà.
Mùi hương trầm bay trong không gian. Thơm thoảng. Ấm cúng.
- Con lại quay về đơn vị đây, bố bầm ơi. Các bạn đang chờ con ở đó.
- Anh Dũng vừa nói gì à?
- Dạ, không ạ. Sao bố lại hỏi con thế?
- Sao bố lại nghe thấy có ai gọi “Bố bầm ơi” nhỉ? Giọng như giọng anh con vậỵ.
- Ôi, bố lại nhớ anh quá nên thấy vậy, chứ tụi con đâu thấy. Nhưng cũng có khi anh con thật. Mấy hôm nay, ở nghĩa trang trong ấy có lễ truy điệu lớn lắm. Cả nước không quên sự hi sinh của anh con và bao người khác nữa.
Tiếng em anh sôi nổi, dứt khoát. Tiếng võng của mẹ anh lại kẽo kẹt đều đều cùng tiếng quạt lá cọ phe phẩy trong đêm nghe kiên nhẫn, dịu dàng.
Anh lại khẽ khàng ra phía cổng. Nhìn rặng xoan, nhìn lại mái nhà lợp lá cọ xám xám một lần nữa rồi mới nhẹ nhàng bay đi.
Một cơn gió tràn qua. Rừng cọ rào rào chuyển động. Những làn sóng xanh rập rờn qua phiến lá như những con sóng nơi biển xa nhấp nhô từng đợt xô bờ.
Đêm lại lặng yên. Sâu thẳm và dịu dàng đến vô cùng.
. Truyện ngắn của Nguyễn Thị Bích Thiêm